Chia sẻ:

Các chủ đề đầu tư năm 2018

Việt Nam – Thị trường chứng khoán đang thay đổi về lượng và chất

 

Khép lại năm 2017 sôi động với mức tăng của VNIndex đạt 48% nằm trong nhóm các quốc gia có TTCK tăng trưởng mạnh nhất, đồng thời đây cũng là mức tăng cao nhất trong nhiều năm. Với việc trở lại vùng đỉnh 10 năm kể từ 2007, BSC dự báo thị trường sẽ tiếp tục phá đỉnh trong năm 2018 về cả về chỉ số và thanh khoản. Thị trường cũng dần có sự thay đổi về chất, đi kèm với lượng khi có sự góp mặt của các doanh nghiệp đầu ngành sau quá trình IPO, chuyển sàn niêm yết (upcom lên HNX, HSX), hay việc thoái vốn nhà nước cũng tạo nên sự thay đổi rõ nét về Chất.

 

Vốn hóa doanh nghiệp ảnh hưởng tới VN-Index và xếp hạng VN30 cũng sẽ có nhiều thay đổi, tạo lập cuộc chơi mới thu hút đa dạng các nhà đầu tư từ các nhà đầu tư cá nhân vốn đang “kẹt” trong lãi suất tiết kiệm thấp và Nhà đầu tư tổ chức đang dần bị thuyết phục bởi tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam. Tuy vậy, thị trường không hoàn toàn chỉ có màu xanh trong năm 2018, rủi ro vẫn còn với nhiều khu vực của thị trường, và sự hưng phấn của nhà đầu tư cá nhân cũng dẫn đến các bất ổn có thể lớn hơn 2017. Như thường lệ, BSC đánh giá TTCK tiếp tục phân hóa mạnh và cơ hội sẽ chỉ đến với các nhà đầu tư được chuẩn bị tốt về chủ đề đầu tư cho năm 2018.

 

BSC giữ quan điểm lạc quan với thị trường nói chung và đưa ra các chủ đề đầu tư của năm 2018.

 

Thứ nhất, cơ hội từ cổ phần hóa, phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng và niêm yết mới. Tính đến tháng 11/2017 mới chỉ có 22/44 doanh nghiệp được kỳ vọng cổ phần hóa trong năm 2017, như vậy số doanh nghiệp sẽ tiến hành cổ phần hóa bị đẩy qua năm 2018 tương đối lớn. Chính phủ cũng đưa ra thông điệp không để lộ trình cổ phần hóa dồn sang năm 2019-2020. Theo Quyết định 991/TTg-ĐMDN, năm 2018 sẽ có những tên tuổi lớn tham gia cổ phần hóa là Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC), Tổng công ty Phát điện 1 và 2, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC, các công ty chiếu sáng, cấp thoát nước của Hà Nội … Các doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ là cơ hội thu hút dòng tiền lớn từ NĐT trong và ngoài. Thêm vào đó, các công ty đại chúng đăng ký lên sàn Upcom hoặc chuyển sàn từ Upcom lên HNX, HSX cũng tiếp tục là xu hướng quan trọng. Nhóm này sẽ là động lực cho tăng trưởng bền vững của TTCK trong tương lai.

 

 

 

Thứ hai, cơ hội từ thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp đầu ngành. Theo quyết định số 1232/QĐ-TTg, năm 2018 một số doanh nghiệp thoái vốn đáng lưu ý là PLX (dự kiến thoái tối thiểu 24,86%), ACV (dự kiến thoái tối thiểu 20%), DVN (thoái tối thiểu 29,98%), TCT Lắp máy Việt Nam Lilama – LLM (thoái tối thiểu 46,88%), VGC (thoái tối thiểu 20,62%). Bên cạnh đó, danh mục thoái vốn của SCIC cũng sẽ thu hút sự quan tâm lớn là DMC, BMI, VCG, NTP, BMP, FPT, VGT…

 

 

Ngoài ra, BSC cũng lưu ý về thông tin Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại Vinachem xuống 51-65%, đồng thời, Vinachem cũng có kế hoạch thoái vốn tại một số doanh nghiệp trực thuộc tập đoàn, trong đó, có các doanh nghiệp phân bón là BFC, SFG, VAF, DDV, DGC, PAC; cùng với đó PVN dự kiến thoái vốn DPM và DCM xuống 51% trong năm 2018. Với ngành Phân bón, bên cạnh thông tin về thoái vốn, luật thuế VAT cân nhắc chuyển đổi từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế, nếu được thông qua, dự kiến có hiệu lực vào 1/1/2019, cũng sẽ có tác động lớn tới diễn biến giá cổ phiếu và KQKD của doanh nghiệp phân bón.

 

Thứ ba, sự thay đổi thứ tự trong rổ VN30. Năm 2017 là năm đầu tiên chứng kiến việc đa số nhà đầu tư không đạt mức sinh lợi như các chỉ số chính, dẫn đến dòng tiền mới chảy mạnh vào các quỹ chỉ số. Đây là cơ hội tốt đối với các quỹ đầu tư chỉ số, khởi đầu cho thời kỳ tăng trưởng dịch vụ quỹ, khi nhà đầu tư đã bắt đầu thực sự quan tâm. Cũng chính vì vậy các doanh nghiệp nằm trong các rổ chỉ số sẽ có ý nghĩa thực chất thu hút dòng tiền đầu tư

 

Việc niêm yết mới/IPO/chuyển sàn của các doanh nghiệp lớn, đầu ngành trong thời gian tới sẽ dẫn tới xáo trộn quan trọng trong thứ tự của rổ VN30 trong các kỳ đánh giá. Các cổ phiếu trong rổ VN30 không chỉ có tính đại diện cao về vốn hóa, thanh khoản, tỷ lệ chuyển nhượng tự do cao mà còn có khả năng thu hút nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong năm 2018. Lần gần nhất, hai cổ phiếu PLX và VJC được chọn vào rổ VN30 thay cho PVD và KBC.

 

Thứ tư, ngân hàng dẫn sóng. Năm 2018, vốn hóa ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh và có ảnh hưởng lớn tới VN-Index. Xu hướng này được hỗ trợ từ làn sóng niêm yết của một loạt các Ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân (Techcombank, OCB, HDbank, TPbank, Maritimebank, Seabank, OCB, ABBbank, Saigonbank, Nam Á Bank, Việt Á Bank); tiếp tục tăng vốn điều lệ/phát hành cho đối tác trong nước và tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài đáp ứng yêu cầu về vốn theo Basel II.

 

Ngoài ra, sự thay đổi về chất bao gồm kỳ vọng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các TCTD yếu kém; tín dụng được dự báo tăng trưởng 17-19% trong năm 2018 và Thông tư 19/2017/TT-NHNN về nới rộng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn trong năm 2018 từ mức 40% lên mức 45% kỳ vọng cải thiện NIM trong ngắn hạn, cũng góp phần cải thiện KQKD, thúc đẩy giá cổ phiếu ngân hàng tạo lập đỉnh mới.

 

 

Thứ năm, bất động sản tiếp tục tăng trưởng theo phân khúc trung cấp và dòng tiền FDI. Thông tư 19/2017/TT-NHNN tạo thêm nguồn lực cho vay trung, dài hạn, qua đó tạo thêm động lực tăng trưởng cho nhóm Bất động sản, Xây dựng. BSC cho rằng các doanh nghiệp bất động sản phân khúc trung cấp – bình dân sẽ tăng trưởng tốt, KQKD của ngành bất động sản sẽ tiếp tục cải thiện. Bên cạnh đó, dự báo năm 2018 Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút lượng vốn FDI kỷ lục đi kèm với lượng khách du lịch bùng nổ. Bên cạnh nhóm ngành BĐS, các nhóm ngành khác như du lịch, hàng không, hạ tầng cũng sẽ hưởng lợi từ xu hướng này. BSC cho rằng đây là tín hiệu tích cực với tăng trưởng của nhóm BĐS khu công nghiệp.

 

Thứ sáu, giá hàng hóa cơ bản tăng, điển hình như dầu khí, thép, cao su. BSC dự báo giá dầu sẽ khó giảm sâu trong năm 2018, thay vào đó xu hướng ổn định và tăng nhẹ được hỗ trợ. Do đó, cổ phiếu dầu khí sẽ là sự lựa chọn phù hợp cho năm 2018 với những kỳ vọng từ việc tái cấu trúc PVN và khởi động lại các dự án tiềm năng (Cá Rồng Đỏ, Lô B Ô Môn, Nam Côn Sơn 2 – giai đoạn 2, Sao Vàng Đại Nguyệt, Cá Voi Xanh). Thêm vào đó, chính sách cổ phần hóa mạnh mẽ các doanh nghiệp nhà nước thuộc PVN, cũng sẽ thúc đẩy nhanh việc cải thiện hiệu quả kinh doanh, và tăng quy mô hiện diện của ngành dầu khí trên TTCK niêm yết.

 

Giá nguyên liệu thép cũng được dự báo ổn định do ảnh hưởng từ các chính sách kiểm soát công nghiệp nặng của Trung Quốc. Thêm vào đó một số loại hàng hóa cơ bản như cao su cũng đang có diễn biến giá tốt.

 

Triển vọng ngành 2018

 

BSC nhận định khả quan với các ngành ngân hàng, dầu khí, bất động sản, xây dựng, bảo hiểm, công nghệ, điện, thép và phân bón. Đây là những ngành có ảnh hưởng lớn tới vốn hóa thị trường, được hưởng lợi từ triển vọng lạc quan của kinh tế vĩ mô và xu hướng tăng của giá nguyên vật liệu.

 

 

Trong khi đó các ngành cao su tự nhiên, cảng biển, gạch men, dệt may, xi măng, nhựa, săm lốp, dược được đánh giá trung lập. Đây là những ngành chịu ảnh hưởng từ sự dư cung, hoặc có dấu hiệu chững lại về tăng trưởng sản lượng/doanh thu, và/hoặc đan xen tốt xấu.

 

Còn đối với ngành mía đường, vận tải biển và thủy sản do ngành đang chịu sự cạnh tranh cao nên bị đánh giá kém khả quan.

BÌNH AN


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.