Hỗ trợ – có đủ tin cậy?
Xem chi tiết Bản tin tại Toàn cảnh thị trường ngày 241120
Thị trường chung chịu áp lực giảm điểm bước sang tuần thứ 8, hiện tại đang ở nhịp giảm thứ 3 trên khung ngày. Các cây nến tuần không có lực rút chân, thể hiện cầu mua rất yếu khi kết tuần.
Trong phiên giao dịch 19/11, áp lực đè bán diễn ra toàn diện trong cả phiên, với điểm đáng chú ý đến từ quỹ ETF lớn: SSIAM VNX50 (-5.56%), FPT CAPITAL VNX50 ( -2.99%), VINA CAPITAL VN100 (- 1.28%)…tạo áp lực rất lớn lên thị trường. Kết hợp với thanh khoản bán áp đảo của chỉ số VN30, đẩy chỉ số VN-Index giảm mạnh xóa toàn bộ nỗ lực rút chân của phiên 18/11, và các chỉ số này đều đóng nến ngày tiêu cực.
Xu hướng thị trường đang trong trạng thái giảm đồng pha trên hai biểu đồ tuần và biểu đồ ngày cho nên lực giảm khá nhanh và quyết liệt trong phiên ở phần lớn các cổ phiếu, khi đường giá đã vi phạm đường trung bình trượt MA10/20 trên biểu đồ giao dịch ngày và tuần. Xu hướng tuần và ngày đang giảm rất mạnh về vùng hỗ trợ quan trọng. Chỉ báo MACD tuần và ngày đều vận động dưới đường Zero.
Hiện VN-Index đang tiến đến gần vùng hỗ trợ quan trọng của thị trường ở ngưỡng Fibonacci 50% (1205 điểm) và vùng đáy cũ quanh 1180+/- điểm.Trong các phiên giao dịch tuần thứ 3 của tháng 11, thị trường cần giữ được vùng hỗ trợ trên mới có khả năng tạo đáy ngắn hạn trên khung ngày. Nếu không giữ được, VN-Index có thể tiếp diễn các bước sóng giảm lớn hơn gây rủi ro trên biểu đồ trung hạn.
Kịch bản hồi phục tốt của thị trường có diễn biến khi có các tín hiệu thị trường cần giữ được mốc 1180+/-, áp lực bán từ khối ngoại giảm dần, lực cầu diễn biến đều đến từ khối tự doanh, tổ chức trong nước, đà giảm của nhóm của phiếu Ngân hàng chững lại và nhóm này tạo đáy. Thị trường đã giảm tới mốc biên độ trung bình cho một pha giảm ngày gần 8-9 %, với góc rơi khá gắt từ đỉnh. Do đó, tại vùng hỗ trợ quan trọng này, thị trường cần có cầu vào chủ động và xuất hiện các mô hình tạo đáy điển hình mới là tín hiệu tốt cho các giao dịch mua vào theo công thức giao dịch ngắn hạn.
Trong kịch bản tiêu cực khi thị trường không giữ được mốc hỗ trợ, chúng ta cần xét tới các khả năng thị trường tiếp tục điều chỉnh trên khung tuần, các giao dịch mua ở vùng hỗ trợ ngày sẽ không được ưu tiên mà cần xem xét mốc hỗ trợ trên khung tuần của VN-Index.
Áp lực điều chỉnh giảm của thị trường giao dịch trên thế giới cũng tác động không nhỏ tới TTCK Việt Nam trong giai đoạn này, trong đó ảnh hưởng lớn nhất đến từ thị trường chứng khoán Mỹ với các chỉ số S&P500, DJI, US30.
Hỗ trợ trên biểu đồ tuần của VN-Index là 1080 – 1140 điểm.
Chiến lược hành động
Thị trường trên đà giảm mạnh và chưa phát đi tín hiệu mua trở lại. Nhà đầu tư kiên nhẫn quan sát với kịch bản đề xuất. Thanh khoản giao dịch yếu, rất dễ xảy ra nhịp bull trap ngay trong phiên hoặc khi hàng mua chưa kịp về tài khoản. Do đó, NDT nên chờ có tín hiệu xác nhận tin cậy để giao dịch.
Thị trường đang giảm về vùng hỗ trợ quan trọng, và có rủi ro không giữ được mốc Fibinacci 50% (1205 điểm).
Kịch bản phân tích đề xuất giao dịch mua khi thị trường giữ được mốc hỗ trợ 1205 và 1180+/- trong các phiên giao dịch tới. Áp lực giảm điểm vẫn còn rất lớn. Nhà đầu tư cần kiễn nhẫn quan sát thị trường tạo đáy thành công.
Trong trường hợp thị trường không giữ được mốc hỗ trợ trên, sẽ chưa ưu tiên giao dịch cổ phiếu thị trường chung.
ABS Research cung cấp trọn bộ tài liệu hỗ trợ đầu tư, bao gồm báo cáo cổ phiếu, báo cáo triển vọng ngành, khuyến nghị đầu tư, bản tin thị trường định kỳ,…được nghiên cứu và phân tích toàn diện và chuyên sâu, cập nhật tức thời và thường xuyên. Xem thêm bộ tài liệu đầu tư này tại đây.