Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có sự phân hóa khá rõ nét ở tuần giao dịch từ 11 – 15/12.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có một tuần rung lắc và tâm điểm vẫn là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Khá nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn giảm mạnh và ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường nhưng thị trường đã hồi phục ở phiên cuối tuần.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index đứng ở mức 935,16 điểm, tương ứng giảm 0,53% so với tuần trước đó. HNX-Index cũng giảm 1,93% xuống 111,61 điểm.
Thống kê trên cả hai sàn HOSE và HNX có tổng cộng 266 mã tăng, trong khi có 340 mã giảm và 121 mã đứng giá.
Tại sàn HOSE, số mã giảm áp đảo với 192, trong khi đó số mã tăng là 131 và 21 mã đứng giá.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn gây được ấn tượng với nhà đầu tư bởi những mã tăng sốc bất chấp việc thị trường trải qua giai đoạn rung lắc mạnh. Cổ phiếu CIG của Công ty Cổ phần COMA18 dẫn đầu danh sách tăng giá sàn HOSE với gần 38,8%. Cổ phiếu này có trọn vẹn 5 phiên tăng trần, còn nếu tính xa hơn, CIG có 7 phiên tăng trần liên tiếp. Trước đợt tăng giá này, CIG phải trải qua một vài phiên giảm giá liên tục.
Tiếp sau đó, cổ phiếu KPF của Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính Hoàng Minh cũng không kém cạnh khi tăng trần cả 5 phiên giao dịch trong tuần và đang có chuỗi tăng giá 7 phiên liên tiếp. Chỉ tính riêng cho tuần giao dịch vừa qua, KPF đã tăng 38,5%.
Đáng chú ý nhất đứng thứ ba về mức tăng giá tại sàn HOSE là ‘tân binh’ IBC của Công ty Cổ phần Đầu tư Apax Holdings với mức tăng kịch trần (20%) trong ngày chào sàn.
Chiều ngược lại, sau chuỗi ngày hồi phục mạnh mẽ thì PNC của Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam có 2 phiên giảm sàn và 3 phiên giảm cũng khá mạnh. Tính chung lại, PNC mất 23,9% giá trị chỉ trong vòng 1 tuần. Đây cũng là cổ phiếu duy nhất tại sàn HOSE có mức giảm trên 20%.
Trong khi đó, cổ phiếu TLD của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Thăng Long đứng thứ hai về mức độ giảm giá với 18,2%.
Còn tại sàn HNX, sự phân hóa diễn ra có phần rõ nét hơn với 135 mã tăng, 148 mã giảm và 100 mã đứng giá. Trong đó, về phía tăng giá, tuần này sàn HNX đón nhận đến 7 cổ phiếu tăng giá trên 20%. Dẫn đầu danh sách này là TFC của Công ty Cổ phần Trang với 32%. Thời gian qua trên thị trường không xuất hiện thông tin gì đủ sức để giúp TFC bứt phá mạnh như vậy. Thông tin gần nhất có lẽ là việc doanh nghiệp này bị nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường do từ đầu năm đã 3 lần vi phạm về công bố thông tin.
Trong khi đó, cổ phiếu PIV của CTCP PIV đứng đầu danh sách giảm giá với 23,81%. Cổ phiếu MST của CTCP Xây dựng 1.1.6.8 và Công ty Cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương đều có mức giảm giá trên 20%.
Bình An
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc