Chia sẻ:

NĐT có thể sinh lời trên chứng quyền đảm bảo gấp nhiều lần so với cổ phiếu

Tháng 5, thị trường Chứng quyền có đảm bảo (Covered Warrant, CW) dự kiến sẽ được chính thức vận hành. 3 CTCK đã nộp hồ sơ sẵn sàng làm tổ chức phát hành (TCPH) cho sản phẩm mới này.

 

Ở Việt Nam, trong thời kỳ mới bắt đầu thị trường, các TCPH chỉ có thể chào bán chứng quyền mua mà không có chứng quyền bán do nghiệp vụ “bán khống” vẫn chưa thể thực hiện.

 

Phương thức thanh toán CW tại ngày đáo hạn sẽ theo kiểu châu Âu, NĐT sở hữu chứng quyền chỉ được thực hiện tại ngày đáo hạn và sẽ được chi trả bằng tiền mặt. Trong thời hạn chứng quyền, NĐT có thể giao dịch mua bán CW trên thị trường với các nhà đầu tư khác.

 

Mức phí tối thiểu cho 1 CW khi phát hành được UBCK quy định là 1.000 đồng và không có trần giá. Tỷ lệ chuyển đổi chứng quyền (số lượng CW để có thể mua được số lượng chứng khoán cơ sở nhất định) sẽ do TCPH quy định. Thời hạn chứng quyền tối thiểu là 3 tháng và tối đa là 24 tháng.

 

Dưới đây là ví dụ khi CTCK phát hành chứng quyền:

 

 

Bảng 1: Thông số chứng quyền bảo đảm dựa trên cổ phiếu VNM

 

Giả sử một nhà đầu tư có vốn1 triệu đồngvà nhận định rằng giá cổ phiếu VNM sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. NĐT sẽ có các lựa chọn mua cổ phiếu VNM hoặc mua CW dựa trên cổ phiếu VNM để sinh lời.

 

Giả định giá cổ phiếu VNM trên thị trường cơ sở là 145.000 đồng/cp.

 

Trường hợp 1: Nếu quyết định mua chứng quyền với các thông số kỹ thuật như trong bảng 1.

 

NĐT sẽ sở hữu 1.000 CW (1 triệu đồng/1.000 đồng), tương đương với quyền mua sở hữu 200 cổ phiếu VNM.

 

Sau 3 tháng, nếu thị giá VNM ở mức 155.000 đồng/cp và giá CW trên thị trường là 1.500 đồng, NĐT hoàn toàn có thể bán CW để chốt lãi, khi đó mức lời của nhà đầu tư sẽ được tính như sau:

 

Lãi = 1.000 x (1.500-1.000) =500.000 đồng/cp.

 

Nếu NĐT quyết định đợi đến ngày đáo hạn (sau 6 tháng), thị giá VNM ở mức 165.000 đồng/cp, NĐT sẽ được thanh toán số tiền như sau:

 

Tiền thanh toán tại ngày đáo hạn = 1.000/5 x (165.000-150.000) = 3.000.000 đồng.

 

Trừ đi mức vốn ban đầu, NĐT sẽ có khoản lãi: Lãi = 3.000.000-1.000.000 = 2.000.000 đồng.

 

Như vậy, với khoản vốn 1 triệu đồng, thị giá VNM chỉ tăng gần 14%, NĐT đã nhân ba số vốn ban đầu lên mức 3 triệu đồng.

 

Ngược lại, trong trường hợp, thị giá VNM sụt giảm sau 6 tháng, giả sử xuống mức 100.000 đồng/cp (mất 30% giá trị), NĐT sẽ không thực hiện quyền và sẽ chỉ mất mức vốn ban đầu là 1 triệu đồng.

 

Trường hợp 2: Đầu tư toàn bộ số tiền 1 triệu đồng để mua cổ phiếu VNM tại mức giá 145.000 đồng/cp.

 

NĐT chỉ có thể sở hữu 6 cp VNM.

 

Nếu thị giá VNM sau 6 tháng là 165.000 đồng/cp, NĐT chỉ có thể lãi 120.000 đồng. Nếu thị giá rơi về mức 100.000 đồng/cp, NĐT sẽ mất 270.000 đồng.

 

Muốn sở hữu 200 cp VNM (như trong trường hợp mua CW) trên thị trường cơ sở, NĐT sẽ cần tới khoản tiền 29 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu thị giá VNM rơi về 100.000 đồng/cp, NĐT sẽ chịu khoản lỗ lên tới 9 triệu đồng và nếu không thực hiện cắt lỗ đúng thời điểm thiệt hại của nhà đầu tư là không thể kiểm soát trước.

 

Từ ví dụ trên có thể thấy, CW là một sản phẩm chứng khoán đã hàm chứa tính đòn bẩy rất cao, giúp NĐT gia tăng suất sinh lợi lên gấp nhiều lần, nhưng cũng xác định rủi ro khoản lỗ cho NĐT chính là số tiền phí mua CW.

 

Với nhà đầu tư tin tưởng vào bản thân, tương lai doanh nghiệp và muốn tỷ suất sinh lợi cao, CW có thể là một lựa chọn, đây là một sản phẩm có tính hấp dẫn và hứa hẹn cho nhà đầu tư.

 

* Mọi phân tích và ví dụ trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Tòa soạn xin được miễn trừ mọi trạch nhiệm với các quyết định của nhà đầu tư.

LÊ HẢI


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.