Hai chỉ số trên HOSE giằng co với nỗ lực tăng điểm tuy nhiên bất thành trong phiên 9/5. VN-Index giảm 3,48 điểm (-0,33%), VN30-Index giảm 1,44 điểm (-0,14%); đóng cửa lần lượt tại 1.056,97 điểm và 1.046,39 điểm.
Thị trường phân hóa rõ nét giữa các trụ cột và nhóm ngành. GAS, VJC tăng lần lượt 4,4% và 3,0% đã đóng góp đến 4 điểm cho VN-Index; tuy nhiên số mã trụ cột giảm lại chiếm đa số như VCB, VIC, MSN, VPB, BID, BVH. Nhóm ngân hàng đóng góp nhiều mã kéo giảm chỉ số nhất. Chiều ngược lại, diễn biến tích cực lại được ghi nhận ở nhóm dầu khí với sự dẫn đắt của GAS, nhóm tôn thép cũng bật tăng trở lại sau nhiều phiên giảm sâu.
Thị trường phái sinh phản ứng khá tiêu cực khi quay đầu giảm điểm vào cuối phiên. Lực bán gia tăng trên thị trường cơ sở cũng khiến nhà đầu tư phái sinh e ngại và đẩy mạnh bán ra. Các HĐTL đều giảm mạnh trên 8 điểm mặc dù chỉ số VN30 chỉ giảm 1,44 điểm. HĐ F1805 giảm 8 điểm về 1.042 điểm, về thấp hơn chỉ số cơ sở 4,4 điểm.
Khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt gần 70.000 HĐ, tương đương 7.350 tỷ đồng. Khối lượng mở cũng dần nhích tăng, đạt 11.056 HĐ, tăng 764 HĐ so với phiên trước, cho thấy nhà đầu tư dần tham gia sâu hơn vào thị trường mà không chỉ dừng lại ở giao dịch trong phiên.
Chỉ số VN30 tăng điểm một lần nữa vượt nhẹ kháng cự 1.058 điểm nhưng cung vào cuối phiên bất ngờ tăng mạnh đẩy chỉ số giảm 1,44 điểm lúc đóng cửa. KLGD ở mức thấp gần 41,45 triệu đơn vị, giảm khá mạnh 22.83% so với phiên trước. Cây nến ngày xuất hiện một Long Legged Doji cho thấy trạng thái do dự rất lớn của cả cung cầu.
Hai phiên liên tiếp kiểm mốc kháng cự 1.058 nhưng không vượt được qua và cung có phần lấn át ở vùng 1.050 – 1.058. Có khả năng cầu mua giá cao sẽ chững lại trong phiên kế tiếp và chỉ số VN30 có thể hiệu chỉnh kiểm lại mốc 1.037 -1.040 điểm.
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.