Chia sẻ:

TTCK Việt Nam không có chỗ cho các nhà đầu tư giá trị

Mở đầu bài bình luận, chuyên gia của Bloomberg bày tỏ ấn tượng với tốc độ tăng trưởng của Việt Nam. “Bất cứ ai đến thăm thành phố sôi động và nhộn nhịp – Thành phố Hồ Chí Minh – sẽ ngập ngừng khi gọi Việt Nam là một thị trường cận biên”.

 

Trong số các quốc gia Đông Nam Á thuộc danh sách nâng cấp từ thị trường cận biên sang thị trường mới nổi như Argentina, Vietnam, Philippines…thì Việt Nam nổi lên như một thị trường có thanh khoản tốt hơn các nước Đông Nam Á còn lại.

 

Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng MSCI có lý do chính đáng để giữ Việt Nam trong danh sách các thị trường cận biên. Theo đó, chuyên gia Bloomberg phân tích về sự “mù mờ” của thị trường và mức độ chi phối của một vài công ty lớn.

 

Những biến động mạnh của một vài công ty có thể làm thị trường chứng khoán Việt Nam “chao đảo”. Đó chính là 5 công ty hiện đang chiếm hơn 40% vốn hóa thị trường, gồm Vinhomes (VHM:HoSE), Vinamilk (VNM:HoSE), Vingroup (VIC:HoSE), Vietcombank (VCB:HoSE) và PVGAS (GAS:HoSE).

 

Tuần trước, HoSE đã chào đón Blue chip mới nhất của mình – Vinhomes JSC, công ty phát triển nhà ở cao cấp tách ra từ Tập đoàn Vingroup. Đây là thương vụ IPO lớn nhất của Việt Nam. Sau IPO, Vinhomes đã thu về 1,4 tỷ USD. Vinhomes đang chiếm khoảng 65% doanh thu của Vingroup.

 

Thời điểm Vinhomes (VHM:HoSE) chuẩn bị chào sàn, cổ phiếu của Vingroup đã có những pha “nhào lộn”. Sau khi VHM chính thức niêm yết, VIC đã giảm sâu, là nguyên nhân quan trọng khiến VN-Index lao dốc.

 

Chuyên gia Bloomberg nhận định “bức tranh TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục mù mờ ngay cả khi một số thương vụ IPO lớn sắp được kích hoạt”.

 

Hai ví dụ “kinh điển” để minh chứng cho sự “mù mờ” là trường hợp của Sabeco và FLC Faros.

 

Trước tiên là trường hợp của Sabeco (SAB:HoSE). Khi những tin tức đầu tiên về việc bán cổ phần xuất hiện vào tháng 8/2017, cổ phiếu SAB bắt đầu leo dốc. Chỉ 3 tháng sau, tháng 11/2017, SAB chạm mức kỷ lục.

 

“Sự cuồng nhiệt” của các nhà đầu tư trong việc mua SAB đã đẩy Sabeco lên vị trí thứ 2 về giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán, với tỷ trọng 8,6%.

 

Trường hợp thứ hai là FLC Faros. Vào lúc cao điểm, giá trị vốn hóa của FLC Faros (ROS:HoSE) chiếm 4,7% thị trường, công ty này đứng ở vị trí thứ 6 về vốn hóa trên thị trường chứng khoán. Thế nhưng, từ tháng 1/2018 đến nay, cổ phiếu ROS đã giảm 55%. Rõ ràng, các nhà đầu tư đã mua ROS mà không có một lý do thuyết phục.

 

“Với vai trò của một trung tâm sản xuất quan trọng, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất ở châu Á”, Bloomberg đánh giá.

 

Tuy nhiên, TTCK Việt Nam cũng là một thách thức không nhỏ với các nhà đầu tư giá trị.

 

Bloomberg nhắn nhủ tới các nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam: “Chỉ một vài công ty đã đủ để chi phối thị trường thì Việt Nam không phải là sân chơi cho các nhà đầu tư theo trường phái truyền thống”.

 

Bloomberg cũng cho rằng sẽ tốt hơn nếu Việt Nam có thể “sớm đưa ra thống kế mang tính phân loại những yếu tố đã giúp thị trường chứng khoán của mình trở thành thị trường hoạt động tốt nhất Châu Á vào năm ngoái”.

Hoàng Lan


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.