Chia sẻ:

Nhiều cổ phiếu lớn bứt phá, VN-Index tăng điểm

Thị trường về cuối phiên sáng giao dịch có phần tích cực hơn, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã bất ngờ bứt phá mạnh và giúp kéo VN-Index lên trên mốc tham chiếu cũng như kìm hãm lại đà giảm của HNX-Index. Trong đó, các mã như VPB, VNM, VJC, SSI, VRE, ROS, ACB… đều tăng giá khá mạnh. VPB tiếp tục tăng 3,5% lên 53.600 đồng/CP. VJC tăng mạnh 3,9% lên 185.900 đồng/CP. SSI cũng bất ngờ tăng 2,2% lên 34.750 đồng/CP.

 

Tuy vậy, sắc đỏ vẫn có phần chiếm ưu thế hơn, so mã giảm tại sàn HoSE là 157 mã trong khi chỉ có 109 mã tăng và 36 mã giảm. Tương tự, sàn HNX chỉ có 50 mã tăng, trong khi có đến 82 mã giảm giá và 46 mã đứng giá.

 

Các cổ phiếu lớn như VIC, VHM, VCS, PVS, PVD… đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, hai cổ phiếu dầu khí PVD và PVS giảm khá sâu. PVD giảm 2,7% còn PVS giảm 2,2%. Giá dầu gần đây đi xuống do lo ngại OPEC và các nước phi OPEC, do Nga dẫn đầu, sẽ tăng sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày, sớm nhất trong tháng 6, để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ Venezuela và Iran. OPEC và các nước phi OPEC đã hạn chế sản lượng khoảng 1,8 triệu thùng/ngày để thúc đẩy giá dầu tăng, giảm dự trữ toàn cầu. Thỏa thuận này có hiệu lực từ tháng 1/2017 và dự kiến hết hạn vào cuối năm 2018.Tuy nhiên, Arab Saudi và Nga tuyên bố có thể nới lỏng hạn chế sau khi các bên tiêu thụ như Mỹ, Trung Quốc và Nga đã giúp củng cố lực cầu.

 

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 4,74 điểm (0,46%) lên 1.043,75 điểm. HNX-Index giảm 0,07 điểm (-0,06%) xuống còn 119,78 điểm.

 

Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức thấp với tổng khối lượng giao dịch đạt 112 triệu cổ phiếu, trị giá 3.200 tỷ đồng.


 

Thị trường bước vào phiên giao dịch mới với tâm lý rất thận trọng. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang có sự phân hóa mạnh và khiến các chỉ số thị trường biến động với biên độ hẹp quanh mốc tham chiếu. Đáng chú ý, mặc dù sắc đỏ có phần áp đảo hơn nhưng VN-Index vẫn không giảm quá sâu nhờ vào lực đỡ của một số cổ phiếu trụ cột. Trong đó, VPB tiếp tục thể hiện sức mạnh khi tăng đến 3,9% lên 53.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh là 1 triệu cổ phiếu. Có thời điểm, VPB đã leo lên mức 54.500 đồng/CP. Bên cạnh đó, ROS cũng tăng đến 5,6% lên 64.400 đồng/CP và có đóng góp quan trọng vào việc giữ nhịp thị trường. Các cổ phiếu như VRE, GAS, TCB, TPB, VNM… đều đang nhích nhẹ lên trên mốc tham chiếu.

 

Ở chiều ngược lại, sắc đỏ đã bao trùm lên các cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VHM, VCB, VCS, PLX, BVH… và điều này đang khiến áp lực lên thị trường là tương đối lớn.

 

Sau khoảng 40 phút giao dịch, VN-Index giảm 1,05 điểm (-0,1%) xuống 1.037,96 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 23 triệu cổ phiếu, trị giá 674 tỷ đồng.

 

HNX-Index giảm 0,87 điểm (-0,73%) xuống 118,99 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 7 triệu cổ phiếu, trị giá 88 tỷ đồng.

 

Trong tuần giao dịch này, thị trường sẽ bị ảnh hưởng tưởng đối mạnh từ việc tái cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF ngoại. Cuối tuần trước, quỹ ETF MV Index Solutions (MVIS) chính thức công bố kỳ đảo danh mục quý II/2018 của chỉ số MVIS Vietnam Index – chỉ số cơ sở của quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF (V.N.M ETF). Theo đó, MVIS Vietnam Index chỉ thêm mới một cổ phiếu 090460 KQ của Hàn Quốc vào danh mục với tỷ trọng 4,5%, trong khi loại hai cổ phiếu Việt Nam là HAG và HSG. Hiện tại, HAG đang giảm sâu 3,5% xuống 4.620 đồng/CP, còn HSG giảm 0,4% xuống 13.100 đồng/CP.

 

Đáng chú ý, CEO đang giảm sàn về 15.500 đồng/CP và dư bán giá sàn lên đến 5 triệu cổ phiếu. Việc CEO giảm sàn được cho là đến từ việc 85,63% đại biểu Quốc hội sáng nay 11/6 đã biểu quyết tán thành điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018). Trước đó nhiều nhà đầu tư kỳ vọng rất lớn vào CEO khi công ty này chủ chương tập trung phát triển bất động sản nghỉ dưỡng, lấy các đặc khu kinh tế Phú Quốc, Vân Đồn là địa bàn trọng điểm.

 

VCBS tiếp tục giữ quan điểm tương đối lạc quan về triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong những tháng còn lại của năm nay. Tuy nhiên, VCBS cũng đặc biệt lưu ý nhà đầu tư về việc mức độ biến động trên thị trường có thể sẽ gia tăng trong giai đoạn tới do tác động từ những diễn biến khó lường trên thị trường tài chính quốc tế, cũng như khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ của nhà điều hành nếu như áp lực về lạm phát tiếp tục diễn ra trong những tháng tiếp theo. Theo đó, nhà đầu tư cần giữ vững kỷ luật đầu tư và tránh hành động theo cảm tính nhất thời, tập trung nhiều hơn vào những cổ phiếu tăng trưởng có yếu tố cơ bản tốt với triển vọng kinh doanh tiếp tục tăng trưởng trong những quý còn lại của năm.

BÌNH AN


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.