Kể từ đầu năm 2018, làn sóng các doanh nghiệp Nhà nước tiến hành cổ phần hóa, IPO khá dày đặc. Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa thành công, đăng ký giao dịch và góp phần tăng quy mô cho thị trường chứng khoán Việt Nam như CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) hay Tổng công ty điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power).
Bên cạnh đó, nhiều thương vụ IPO lớn vẫn kém hấp dẫn nhà đầu tư (NĐT) mà một trong số các nguyên nhân là việc chào bán cổ phần Nhà nước cho các NĐT chiến lược đang gặp khó, ảnh hưởng tâm lý đến việc chào bán công khai.
Khó vì chính sách
Nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cổ phần hóa một thời gian dài nhưng chưa tìm được NĐT chiến lược bởi những điều kiện chủ quan và khách quan.
Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power -Mã: POW) tại Đại hội đồng cổ đông gần đây cho biết doanh nghiệp sẽ không tìm nhà đầu tư chiến lược theo phương án được phê duyệt trước đây do cơ chế thay đổi.
Đại diện PV Power trích dẫn Quyết định 1977 của Thủ tướng, POW sẽ tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, song theo quy định Nghị định 126 sửa đổi, thay thế Nghị định 59, thời hạn lựa chọn cổ đông chiến lược là 4 tháng. Tính từ 8/12/2017 thì thời gian chọn cổ đông chiến lược đã quá thời hạn quy định.
Một doanh nghiệp khác cũng dừng tìm NĐT chiến lược là Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil –Mã: OIL). Cụ thể, Tổng giám đốc PV Oil ông Cao Hoài Dương cho biết ngay sau IPO, doanh nghiệp đã tích cực triển khai chào bán cổ phần cho NĐT chiến lược và nhận được thư xác nhận tham gia tiếp của 4 tổ chức.
PV Oil đã báo cáo và đề nghị các cấp có thẩm quyền gia hạn thời gian thực hiện thêm 4 tháng nhưng không được Chính phủ chấp thuận. Ông Dương cũng cho biết việc tìm hiểu và định giá doanh nghiệp tốn nhiều thời gian và tiền bạc của các đối tác.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế chia sẻ rằng thời gian đàm phán, quá trình DD (Due Diligence) thường mất rất nhiều thời gian, đặc biệt là với các DNNN lớn có cơ cấu tài sản, tài chính phức tạp. Thời gian khoảng 4 tháng là gấp, ông Hiếu cho rằng quá trình tìm NĐT chiến lược cần khoảng 1 năm.
Một số khó khăn về chính sách khác khiến doanh nghiệp khó tìm NĐT chiến lược là tỷ lệ chào bán thấp không đủ quyền phủ quyết hay một số công ty có ngành nghề đặc thù chỉ không được bán cổ phần cho nước ngoài. Một số trường hợp vướng vấn đề này như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tổng công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ (Thalexim), công ty Thương Mại Dầu khí Đồng Tháp (Petimex),…
Nội tại nhiều DNNN vẫn chưa hấp dẫn
Bên cạnh các yếu tố về chính sách, thị trường, việc khó tìm NĐT chiến lược của nhiều DNNN còn đến từ yếu tố nội tại. Ông Hiếu cho rằng nhiều doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả (tỷ lệ lợi nhuận trên tài sản, vốn chủ sở hữu thấp, nợ vay cao,…) mới là điều khiến các đối tác chần chừ.
Một số trường hợp đơn cử như Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) từng có thời điểm lỗ lũy kế đến 22.000 tỷ và đứng trên bờ vực phá sản. Tái cơ cấu nợ và thanh lý tài sản giúp doanh nghiệp có lãi sau thuế nhưng Vinalines vẫn bị lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh và khoản lỗ lũy kế 3.254 tỷ cuối 2017. Tổng vay nợ mặc dù cơ cấu qua DATC vẫn còn 11.219 tỷ đồng, chiếm gần 40% tổng tài sản.
PV Oil cũng là doanh nghiệp có lỗ lũy kế lớn trước IPO và hiện còn lỗ lũy kế gần 1.700 tỷ đồng tính đến 30/6. Hay Tổng công ty Phát điện 3 (EVN Genco3) là doanh nghiệp có nợ vay ở mức cao với tỷ lệ khoảng 80% tổng tài sản,…
Ngoài ra, việc công khai và minh bạch số liệu của DNNN cũng có sự hạn chế. Nhiều công ty chỉ công bố báo cáo tóm tắt và số liệu chưa cập nhập khiến việc tìm hiểu và định giá của các đối tác cũng gặp nhiều khó khăn.
Bàn về những giải pháp, T.S Nguyễn Trí Hiếu cho rằng bên cạnh việc cải thiện hiệu quả của doanh nghiệp thì cũng cần sự ổn định của các yếu tố vĩ mô. Thực tế thời gian qua là Việt Nam đã kiểm soát tốt lạm phát và đạt mức tăng trưởng GDP cao. Tuy nhiên để thu hút dòng vốn cho thị trường nói chung và nguồn vốn từ các đối tác chiến lược thì không chỉ ổn định vĩ mô mà nội tại doanh nghiệp cần mang tính bền vững.
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.