Theo kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước giai đoạn năm 2017-2018 được Chính phủ phê duyệt có 316 đơn vị phải thoái vốn, 85 đơn vị cổ phần hóa. Tuy nhiên, tính đến nay, mới có 16 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn và 10 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa.
Trong số này, có rất nhiều phiên đấu giá cổ phần không thu hút được giới đầu tư, rơi vào cảnh “ế thảm”. Diễn biến cổ phần bán ra quá thấp so với cổ phần chào bán, hay giá đấu bình quân chỉ loanh quanh mức giá khởi điểm đã khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong công tác tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.
Những thất bại
Gần đây nhất, phiên đấu giá cổ phần của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) chỉ bán được 5,44 triệu cổ phần trên tổng số 488,8 triệu cổ phần được đem ra đấu giá. Điều này đồng nghĩa với việc cổ phần của Vinalines đã “ế” tới gần 99%.
Trước đó, cũng nhiều phiên đấu giá không thành công như Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC), Tổng công ty phát điện 3 (Genco 3)…
Cụ thể, sau khi chỉ bán được 6% số cổ phần trong phiên IPO năm 2017, Becamex IDC tiếp tục bán đấu giá lần 2 vào đầu năm 2018. Tuy nhiên, chỉ có 4 nhà đầu tư đăng ký đấu giá với tổng khối lượng 5,1 triệu cổ phiếu tại mức giá khởi điểm 31.000 đồng/cp.
Như vậy, sau 2 đợt đấu giá, Becamex IDC chỉ bán được tổng cộng gần 24 triệu cổ phiếu, tương đương 7,7% trong tổng số 311,2 triệu cổ phần chào bán, thu về 745 tỷ đồng.
Tương tự, tại phiên IPO của “bom tấn” Genco3 cũng chỉ bán được hơn 7,5 triệu cổ phần trên tổng số hơn 267 triệu cổ phần được đem ra chào bán, tương đương 2,8%.
Cho đến nay, việc tìm nhà đầu tư chiến lược cho Genco 3 vẫn chưa có kết quả dù doanh nghiệp đã đăng ký niêm yết trên UPCoM cả nửa năm. Tương tự, Vinalines cũng chưa có nhà đầu tư chiến lược.
Một phiên thoái vốn ế khác là công ty Chiếu sáng và Thiết bị đô thị chào bán 263.202 cổ phần tại CTCP Công nghiệp Hapulico, nhưng chỉ bán được 5.500 cổ phần; hay đợt Bộ Giao thông Vận tải chào bán quyền mua cổ phần của Vietnam Airlines nhưng chỉ bán được 0,07% tổng khối lượng chào bán…
Về công tác thoái vốn nhà nước, cho tới thời điểm hiện tại, đã có ít nhất hai doanh nghiệp xin hoãn lộ trình thoái vốn là Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và PVN xin hoãn thoái vốn tại PVGas.
Phía Petrolimex đưa ra lý do đề xuất lùi thời điểm thực hiện việc thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại tổng công ty này sang giai đoạn 2019 – 2020, thay vì theo đúng lộ trình năm 2018 là do lo ngại diễn biến thất thường của thị trường.
Cũng do diễn biến thị trường mà Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) phải xin hoãn các đợt bán vốn dự kiến thực hiện trong năm 2018 như công ty nhựa Thiếu niên Tiền Phong, công ty Dược Domesco…
Tư duy lỗi thời
Trên thực tế, các doanh nghiệp “ế” cổ phần trong thời gian qua hầu hết đều là những “ông lớn”, doanh nghiệp đầu ngành. Có nhiều nguyên nhân khiến cho việc thoái vốn nhà nước chậm và “ế”. Nhưng đáng lưu tâm là ý kiến về việc doanh nghiệp do lo sợ thất thoát vốn nhà nước nên đã đưa ra mức giá khởi điểm cao hơn với thị trường, khiến cung cầu không gặp nhau.
Trong đợt đấu giá cổ phần vừa qua, Vinalines đưa ra mức giá khởi điểm 10.000 đồng/cp, đây không phải là mức giá cao so với những “ông lớn” khác.
Tuy nhiên, với “quá khứ” lỗ lũy kế lên tới 22.000 tỷ đồng, thậm chí đã từng bị Nhà nước cân nhắc cho phá sản, hiện Vinalines đã có nhiều khởi sắc trong kinh doanh nhưng khoản lỗ lũy kế vẫn ghi nhận con số hơn 3.200 tỷ đồng.
Cùng với việc các công ty con của Vinalines hoặc liên kết của Vinalines như Vosa, Đông Đô, vận tải Biển Bắc… đều đang giao dịch với thị giá cổ phiếu dưới 2.000 đồng, thậm chí vài trăm đồng, thì chỉ với 10.000 đồng cổ phần của Vinalines cũng vẫn khiến các nhà đầu tư băn khoăn.
Làm sao để cổ phần hóa Nhà nước lại “đắt hàng” như năm 2017 với những đợt bán vốn khủng mang về cho Ngân sách Nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng như Vinamilk, Sabeco, DIC Corp… là một trong những vấn đề nan giải.
Một thực trạng diễn ra trong công tác thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa là lối tư duy bán vốn sao cho an toàn để tránh rủi ro, không bị truy cứu trách nhiệm làm thất thoát vốn nhà nước luôn được ban lãnh đạo doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước áp dụng.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, đây là lối tư duy cũ cần phải thay đổi thì mới giúp cho hoạt động thoái vốn của nhà nước tới đây đạt yêu cầu về lượng và chất.
Cũng theo Bộ Tài chính, khoản vốn nhà nước được đưa ra chào bán phải được định giá minh bạch, sát với thị trường, thể hiện sự tôn trọng các nhà đầu tư trên tinh thần “thuận mua, vừa bán”.
Chỉ còn hơn ba tháng nữa là năm 2018 sẽ kết thúc, việc “lỡ hẹn” cuối năm của công tác cổ phần hóa DNNN, thoái vốn là điều chắc chắn bởi số doanh nghiệp tồn đọng còn quá nhiều so với mục tiêu, nhiều “nút thắt” vẫn chưa được tháo gỡ.
Để khắc phục tình trạng chậm trễ và ế ẩm cho giai đoạn sau, Bộ Tài chính vừa yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, ban lãnh đạo doanh nghiệp cần bám sát các quy định mới tại Nghị định 32/2018 sửa đổi Nghị định 91/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, cũng như Thông tư 59/2018/TT-BTC.
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.