Chia sẻ:

Việt Nam có nhiều cơ hội được nâng hạng theo tiêu chí của FTSE

Theo kết quả xét duyệt nâng hạng thị trường mới được FTSE Russell công bố ngày 26/9/2018, Việt Nam đã lọt vào danh sách theo dõi để nâng hạng lên thị trường Mới nổi hạng 2 (Secondary Emerging). Ngoài Việt Nam, còn có Argentina cũng được cho vào danh sách theo dõi để nâng hạng lên Secondary Emerging sau khi bị xếp hạng lại thành Frontier market vào tháng 9/2017

 

Cũng trong kỳ review này, đáng chú ý là China A đã được nâng hạng lên Secondary Emerging nhờ chương trình Stock Connect cùng những cải thiện gần đây giúp nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường dễ dàng hơn. Như vậy là 1 năm sau khi MSCI nâng hạng China A, FTSE Russel cũng nâng China A lên Emerging Market.

 

Romania đã trong danh sách theo dõi từ tháng 9/2016 và trong lần review năm nay, Romania vẫn chưa được nâng hạng lên Secondary Emerging mặc dù đã có một số cải thiện về điều kiện Thanh khoản và Giao dịch ngoài sàn.

 

Như vậy trong danh sách theo dõi hiện tại của FTSE có 3 thị trường đang được xem xét lên Secondary Emerging là: Romania, Argentina và Việt nam.

 

Với việc được lọt vào danh sách theo dõi lần này thì cơ hội được thực sự nâng hạng của Việt Nam như thế nào? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Giám đốc phân tích và Tư vấn Đầu tư khách hàng cá nhân CTCP Chứng khoán Sài Gòn (HOSE: SSI) về vấn đề này.

 

Triển vọng nâng hạng của Việt Nam ra sao thưa ông?

 

Việc nâng hạng lên Secondary Emerging không phải dễ dàng khi China A phải mất hơn 10 năm ở danh sách theo dõi để được nâng hạng.

 

Trong danh sách theo dõi nâng hạng lên Secondary Emerging hiện tại ngoài Việt Nam còn có Argentina và Romania. Nguyên tắc ổn định và tiết kiệm chi phí sẽ hạn chế việc FTSE nâng hạng cùng lúc nhiều thị trường, tạo ra cạnh tranh giữa các thị trường trong cùng danh sách theo dõi cũng gây ảnh hưởng tới quá trình xét duyệt của Việt nam.

 

Trong 9 tiêu chí chấm điểm của FTSE, cả 3 thị trường Việt Nam, Argentina và Romania cùng đạt 8 tiêu chí, khác biệt chủ yếu nằm ở tiêu chí thanh khoản.

 

Ông có thể cho biết chi tiết các chỉ tiêu mà Việt Nam cần phải đạt để được chính thức nâng hạng? Nếu so sánh với các tiêu chí của MSCI thì việc nâng hạng có dễ dàng hơn?

 

Khác với MSCI, hệ thống phân loại thị trường của FTSE Russell được chia làm 4 nhóm, trong đó nhóm Emerging được phân thành hai cấp Advanced Emerging và Secondary Emerging. Thị trường Secondary Emerging chỉ yêu cầu 9 tiêu chí so với 15 tiêu chí đối với một Advanced Emerging. Các tiêu chuẩn dành cho thị trường cấp 2 khá dễ dàng so với thị trường cấp 1 khi không đòi hỏi các điều kiện khắt khe như đối xử công bằng với nhà đầu tư nhỏ lẻ; không hạn chế sở hữu nước ngoài; sự phát triển và tự do hóa thị trường cổ phiếu và thị trường ngoại hối. Đây đều là những điểm mà Việt Nam cần phải cải thiện trong quá trình nâng hạng thị trường bởi MSCI cũng đòi hỏi những tiêu chuẩn tương tự.

 

Có thể nói độ khó để vào được nhóm Emerging Market của MSCI tương tự với cấp Advanced Emerging của FTSE. Tuy nhiên, bảng phân loại của FTSE có nhóm Secondary Emerging với các yêu cầu không quá cao giúp Việt Nam có nhiều cơ hội được nâng hạng hơn.

 

Mặc dù chia các thị trường Emerging làm hai nhóm, hai nhóm này không bị phân biệt đối xử lớn trong quá trình xây dựng các chỉ số chung cho các Emerging market của FTSE. FTSE Emerging Markets All Cap China A Inclusion Index là chỉ số lớn nhất trong họ chỉ số các thị trường mới nổi của FTSE, bao gồm 4.079 cổ phiếu thuộc tất cả 23 Emerging markets nằm trong hai nhóm thị trường và các cổ phiếu China A dù chưa được nâng hạng. Hiện tại, quỹ Vanguard FTSE Emerging Markets ETF là quỹ lớn nhất sử dụng chỉ số này làm tham chiếu với tổng giá trị tài sản khoảng 59 tỷ USD. Các cổ phiếu thuộc nhóm Secondary Emerging như Trung Quốc, Ấn Độ vẫn nằm trong top tỷ trọng cao nhất rổ chỉ số. Do đó, nếu được đưa vào nhóm Secondary Emerging thì cơ hội được đưa vào chỉ số cũng không thấp hơn so với nhóm Advanced.

 

Theo tôi, để được nâng hạng lên Secondary Emerging, Việt Nam cần thỏa mãn 9 tiêu chí (được tô màu đỏ), chia làm 3 nhóm: môi trường pháp lý; hạ tầng giao dịch và lưu ký và thanh toán bù trừ. Về cơ bản, trong lần xét duyệt này, Việt Nam đã đạt tất cả 9 tiêu chí, tương đương với việc thỏa mãn các điều kiện cần để được nâng hạng.

 

So với kỳ xem xét năm ngoái, thay đổi trọng yếu nhất của Việt Nam nằm ở tiêu chí thanh khoản thị trường. Trong một năm trở lại đây, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng nhanh chóng, thể hiện ở cả quy mô giao dịch hàng ngày và độ lớn của thị trường thông qua tổng giá trị vốn hóa. Quá trình IPO cùng với thoái vốn doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh đã giúp thị trường mở rộng nhanh, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng gia tăng cả về số lượng và quy mô. Nhờ đó, tiêu chí thanh khoản đã được nâng đánh giá từ mức hạn chế (Restricted) lên Đạt (Pass), giúp thị trường Việt Nam đạt đủ tất cả 9 tiêu chí cần thiết để được nâng hạng.

 

Hai tiêu chí phụ là thu nhập bình quân đầu người và đánh giá tín nhiệm của Việt Nam vẫn chưa đạt. Tuy nhiên đây không phải các tiêu chí trọng yếu đối với thị trường Secondary Emerging bởi các thị trường Ấn Độ, Indonesia và Philippines đều đã nằm trong nhóm này dù chưa đạt.

 

Cách xếp hạng của FTSE có phần dễ dàng và linh hoạt hơn MSCI khiến việc phân loại thị trường cũng có nhiều biến động hơn. Trong tháng 9/2017, Mongolia đã bị loại khỏi danh sách theo dõi để trở thành Frontier sau 5 năm xét duyệt không thành do Sở giao dịch nước này không đạt được những tiến bộ về chu kỳ thanh toán.

 

 

Sau khi được vào danh sách theo dõi với 9 tiêu chí đã thỏa mãn, FTSE sẽ làm việc với các cơ quan quản lý để hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện các tiêu chuẩn thị trường. Đây cũng có thể coi là thời gian thử thách trước khi Hội đồng tư vấn Phân loại thị trường đưa ra quyết định chính thức. Quá trình xem xét này sẽ kéo dài ít nhất một năm, nếu được chính thức nâng hạng, nhà đầu tư cũng được cho thời gian chuẩn bị ít nhất một năm trước khi các thay đổi chính thức có hiệu lực. Do đó, nếu thuận lợi thì sớm nhất là tháng 9/2020 thị trường Việt Nam mới chính thức trở thành một Emerging market.

 

Chúng ta cần làm những gì để có thể thực sự được nâng hạng?

Tổng giá trị vốn hóa TTCK Việt Nam đạt mức 188 tỷ USD trong khi Argentina đạt 53 tỷ USD, Romania chỉ đạt 22 tỷ USD. Thị trường Việt Nam được đánh giá Pass trong khi Argentina vẫn chưa đạt (Not Met) còn Romania vẫn còn hạn chế (Restricted). Đây có thể coi là một lợi thế lớn của Việt Nam so với hai thị trường còn lại nếu FTSE cần phải chọn lựa giữa các thị trường.

 

Quy mô vốn hoá thị trường của Việt Nam cao hơn so với Argentina và Romania

 

Do đó theo tôi bài toán đặt ra là Việt Nam cần phải duy trì và mở rộng hơn nữa quy mô giao dịch, với thêm nhiều lựa chọn cổ phiếu lớn, đặc biệt là gia tăng lượng cổ phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài có thể mua. Mở rộng thị trường cần kết hợp với củng cố sự ổn định nhằm tạo thêm niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài.

 

Xin cảm ơn ông.

 

P.V


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.