Chứng khoán bước vào giai đoạn khó lường hơn so với 2 năm trước.
Sau 2 năm tăng trưởng thuận lợi, chứng khoán Việt Nam dù vẫn tăng nhưng đang bước vào giai đoạn có nhiều biến động khó dự báo hơn.
Hiện thị trường đang chịu rủi ro từ căng thẳng thương mại leo thang, động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới và chính sách tiền tệ mang tính thận trọng của Ngân hàng Nhà nước.
Phiên giao dịch tiêu cực ngày 11/10 là một điển hình cho giai đoạn mới của thị trường. Các lý do dẫn đến sự sụt giảm của Dow Jones hay S&P500 không thực sự rõ ràng nhưng để lại sự hoảng loạn cho tất cả thị trường chứng khoán thế giới bao gồm cả Việt Nam.
Tại buổi hội thảo “Triển vọng Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán quý IV/2018” tổ chức chiều 11/10, theo đánh giá của ông Lê Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), trong ngắn hạn, ranh giới cho xu hướng tăng của thị trường từ vùng đáy 880 hiện đang nằm mức 940 điểm. Nếu mất 940 điểm, VN-Index cũng sẽ mất luôn xu hướng tăng và quay lại với downtrend.
Giá trị 2 sàn ngày 11/10 đã lên trên 9.000 tỷ đồng nhưng VN-Index vẫn chưa hồi phục lại là điều không tích cực. Về ngắn hạn, điểm cân bằng thị trường có khả năng nằm ở mức 920 điểm nhưng một khi đã trở về vùng này, thị trường cũng sẽ mất luôn xu hướng tăng và khi bật lại cũng chỉ được xem nhịp phục hồi kỹ thuật, phù hợp với nhà đầu tư ưa thích hoạt động trading với tỷ trọng giải ngân thấp.
Và điều này có thể khiến thị trường đi theo kịch bản không mong muốn trong quý IV dù nền tảng vĩ mô vẫn nhiều lạc quan trong vòng 2 năm tới.
Quý III/2018, lợi nhuận doanh nghiệp vẫn tăng 18-20% so với cùng kỳ
Theo bộ phận nghiên cứu của KBSV, động lực tăng trưởng chính của thị trường trong Qúy III đến từ các nguyên nhân như giá dầu hồi phục, lo ngại chiến tranh thương mại tạm lắng xuống, tỷ giá, lạm phát trong nước vẫn trong tầm kiểm soát và kết quả kinh doanh các doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Trong quý III, 2 chỉ số VN-Index và HNX-Index tăng trưởng lần lượt 7,4% và 3,2% về điểm số, trong khi giá trị giao dịch giảm lần lượt -29% và -18%.
Theo thống kê, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trên cả 2 sàn tiếp tục đạt mức tăng trưởng vượt trội trong quý II/2018: biên lợi nhuận ròng của khối các doanh nghiệp trên cả 2 sàn tăng từ 8,3% lên 8,8% trong quý.
Nhóm công ty vốn hóa lớn có mức tăng trưởng mạnh hơn so với thị trường chung. Biên lợi nhuận ròng của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tăng từ 9,7% của quý II/2017 lên 11,2% của quý II 2018 còn nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ có mức tăng trưởng thấp hơn so với thị trường chung. Biên lợi nhuận ròng ở nhóm cổ phiếu này tăng nhẹ từ 2,5% lên 2,7%.
KBS dự báo lợi nhuận các doanh nghiệp trên 2 sàn tăng trưởng 18% – 20% so với cùng kỳ trong quý III/2018. Tương ứng, EPS của cả thị trường sau khi công bố số số liệu sẽ tăng 12% – 15% so với cùng kỳ, tiếp tục là động lực quan trọng hỗ trợ xu hướng tăng của VN-Index.
Bên cạnh đó, kỳ vọng vào việc nâng hạng của thị trường, cùng việc đẩy nhanh các thương vụ IPOs thoái vốn doanh nghiệp nhà nước cũng là những yếu tố có ảnh hưởng tích cực đến thị trường chứng khoán quý IV.
Chính những điều này có thể giúp giảm thiểu rủi ro dòng vốn ngoại rút ra khỏi thị trường theo xu hướng tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi để quay trở lại các thị trường phát triển.
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.