Chia sẻ:

Quỹ đầu tư của VinaCapital săn cổ phần tư nhân

Vietnam Opportunity Fund (VOF), một trong ba quỹ do VinaCapital quản lý tuyên bố sẽ đẩy mạnh đầu tư vào kênh cổ phần tư nhân, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp chưa hoặc sắp niêm yết lên sàn chứng khoán Việt Nam.

Nhân dịp vừa chuyển niêm yết từ sàn phụ AIM (Alternative Investment Market) lên sàn giao dịch chính (Main Market) tại thị trường chứng khoán London, VOF chia sẻ những kế hoạch đầu tư tại Việt Nam trong giai đoạn mới.

Theo chiến lược này, giá trị mỗi khoản đầu tư vào cổ phần tư nhân của VOF tối thiểu 10 triệu USD trở lên, tập trung chủ yếu ở những doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống (F&B), y tế, bất động sản và xây dựng. Các doanh nghiệp mục tiêu đa phần là những công ty chưa niêm yết, đang chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng hoặc sẽ có kế hoạch niêm yết trong thời gian tới.

Các khoản đầu tư đáng chú ý gần đây gồm có: 10 triệu USD vào Bệnh viện Thái Hòa tại Đồng Tháp (y tế) có công suất phục vụ 300.000 lượt bệnh nhân, dự kiến nắm giữ cổ phần 3-5 năm; đấu giá cổ phần Tổng công ty hàng không Việt Nam ACV nhằm đón đầu cơ hội từ doanh nghiệp quy mô tỷ USD trong tương lai.

Ở lĩnh vực bất động sản, quỹ này còn rót 47 triệu USD đầu tư vào Tập đoàn Novaland, doanh nghiệp đang có kế hoạch niêm yết vào năm 2017. Trước đó khoản đầu tư đáng chú ý của VOF là mua cổ phần IDP (Công ty cổ phần sữa Quốc tế – nhãn hiệu Ba Vì). Sau thời gian đầu dọn dẹp sổ sách, năm 2015 công ty này đã bắt đầu có lãi.

Thống kê của VinaCapital, kênh đầu tư cổ phần tư nhân đã mang về 23 triệu USD lợi nhuận gộp cho VOF (với tỷ suất lợi nhuận đạt 2,1 lần đối với các khoản thoái vốn toàn bộ và 2 lần đối với các khoản thoái vốn một phần). Trong 5 năm qua, đầu tư vào tài sản này đạt hiệu quả tốt, lợi nhuận bình quân 22,6% mỗi năm.

Hiện VOF đã đầu tư hơn một tỷ USD vào thị trường chứng khoán Việt Nam và các doanh nghiệp nội địa. Cơ cấu danh mục đầu tư (phân loại theo tài sản quản lý) tính đến cuối tháng 3/2016 cho thấy, cổ phần tư nhân (các công ty tư nhân, chưa niêm yết) đứng thứ 3 (sau cổ phiếu niêm yết và bất động sản), chiếm 12,3% giá trị tài sản ròng.

Sau khi chuyển từ sàn phụ sang niêm yết ở sàn giao dịch chính tại thị trường chứng khoán London, VOF tiếp tục tập trung nhiều hơn vào Việt Nam, thị trường đã gắn bó nhiều năm với mục tiêu chính là đầu tư vào các công ty hoạt động và có doanh thu trong nước. Trung bình mỗi năm VOF chia cổ tức 70 triệu USD nhưng không chia bằng cổ phiếu hay tiền mặt mà trả bằng chứng chỉ quỹ.

 

Vũ Lê

 

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.