Nếu không có phái sinh, không có quy định mới được cởi bỏ năm nay thì sẽ không có câu chuyện của 5-10 năm nữa. Nhưng nếu chúng ta đặt kỳ vọng quá nhiều vào chính sách mới thì là quá sớm.
Bên lề Đại hội cổ đông CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SSI đã có những chia sẻ với báo giới về định hướng của SSI trong thời gian tới cũng như tình hình thị trường chung.
Ông nhận định thế nào về thị trường năm 2016?
Nếu năm 2016 chúng ta kỳ vọng quá nhiều vào thị trường chứng khoán thì e là chúng ta hơi vội vàng, thị trường chứng khoán Việt Nam không thể tách rời khỏi nền kinh tế Việt Nam. Làm gì để chúng ta duy trì tăng trưởng, làm sao để cải thiện được ICOR, làm sao để giải quyết nợ xấu là những rủi ro chúng ta phải đối mặt.
Trong một tổ chức đầu tư có 2 bộ phận, bộ phận đề xuất đầu tư và bộ phận kiểm soát rủi ro. Bộ phận đề xuất đầu tư sẽ nói rằng thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều cơ hội nhất trong khu vực, bộ phận kiểm soát rủi ro sẽ nói rằng thị trường chứng khoán Việt Nam ít xấu nhất trong khu vực. Nghe 2 cách nói trên có chút khác nhau nhưng đều hàm ý đây là địa chỉ để đầu tư.
Khi tham dự hội thảo của Credit Suisse tại Hồng Kông vào đầu tháng 4 vừa qua, mọi người quan tâm đến Việt Nam rất đông, dù rằng từ lúc nghe đến lúc bỏ tiền ra đầu tư là cả chặng đường rất dài. Mình hay nói công ty này tốt, công ty kia tốt, nhưng để nhà đầu tư bỏ tiền vào VN thì điều đầu tiên phải trả lời là tại sao là Việt Nam, sau đó mới là tại sao ngành này, tại sao công ty này. Một trong những điều mà người ta quan tâm và chúng tôi cũng mang ra chào là những ngành liên quan đến cơ sở hạ tầng và nông nghiệp.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng vì sắp tới cơ sở hạ tầng không còn được hưởng nhiều vốn ODA. Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư hạ tầng lại rất cao, và đây chính là ngành duy trì tăng trưởng của nền kinh tế. Khi vốn ODA không còn nữa thì phải dùng vốn tư nhân, khi đó thì hiệu quả đầu tư sẽ tăng lên nhiều.
Đầu tư vào nông nghiệp, thực phẩm vì 90% dân số VN liên quan đến nông nghiệp. Đây là bài toán khó khăn nếu không đầu tư vào DN nghiêm túc thì mọi người sợ hãi với nền nông sản và thực phẩm như bây giờ.
Tôi cho rằng đã đến lúc buộc phải xây dựng thị trường tài chính trong đó thị trường tiền tệ và vốn phải song hành phát triển. Trước đây, vốn trên thị trường chủ yếu dựa vào đi vay, do đó chỉ cần Thông tư 36 siết vốn vào TTCK hay tin đồn bắt bớ thì thị trường chao đảo. Đáng lẽ thị trường không đến nỗi chao đảo như vậy.
Chúng ta hội nhập thì phải chấp nhận cuộc chơi, phải xây dựng một thị trường theo chuẩn chung, trong đó thị trường tài chính cung cấp vốn trung và dài hạn, thị trường tiền tệ cung cấp vốn ngắn hạn.
Cuối cùng, mọi người phải nhìn thấy tại sao SSI phát triển được, đó là vì SSI luôn chú trọng tăng trưởng bền vững. Một nền kinh tế cung vậy, phải chú trọng đào tạo chất lượng nguồn nhân lực.
Ông nghĩ sao khi các nhận định cho rằng TTCK Việt Nam vẫn được coi là rẻ?
Mọi thứ trên đời này định giá là do bên mua và bên bán định giá, nếu thấp mà nhiều người nghĩ rằng thấp thì nó sẽ lên, nhiều NĐT nghĩ cao thì nó sẽ xuống, thấp hay cao dựa trên một tiêu chí nào đấy và trong khu vực thường dựa vào PE để so sánh, nhưng tôi cho rằng định giá cổ phiếu còn dựa trên nhiều góc độ như tốc độ phát triển, khả năng tăng trưởng chứ không chỉ dựa vào PE.
Tôi cho rằng thị trường vẫn chưa đạt kỳ vọng vì đã có lúc độ nóng và thanh khoản của thị trường đã có thời điểm tốt hơn thời gian này rất nhiều, với kỳ vọng hiện nay quan trọng nhất là minh bạch, nếu thị trường tăng tính minh bạch thì sẽ thu hút được dòng vốn dài hạn nhiều hơn.
Ông đánh giá thế nào về thị trường thời gian qua khi các nhà đầu tư quay lưng lại với các cổ phiếu đầu cơ trong khi các cổ phiếu cơ bản tăng rất nhanh?
Cổ phiếu đầu cơ nếu người này được thì chắc chắn xung quanh phải có người mất vì tất cả những người đầu tư vào cổ phiếu đầu cơ không ai muốn giữ vĩnh cửu, nhà đầu tư đang dần rời xa các cổ phiếu đầu cơ, trước đây chỉ cần nhờ hiệu ứng họ mượn câu chuyện để nói để kích giá cổ phiếu. Và chưa chắc ai đấy lừa ai mà tự chúng ta lừa chúng ta, chúng ta ru ngủ chúng ta và nghĩ rằng chúng ta sẽ chay trước người khác một bước, khi nhà đầu tư mất tiền họ phải tìm chỗ trú ẩn và tìm địa chỉ lợi ích lâu dài. Đầu tư vào cổ phiếu đầu cơ như bán hàng đa cấp vậy.
Ông đánh giá như thế nào khi thị trường có những sản phẩm mới, trong đó có chứng khoán phái sinh?
Thị trường hấp dẫn là thị trường có nhiều người tham gia nhất. Thị trường phái sinh, giao dịch trong ngày ra đời sẽ thu hút nhiều người tham gia hơn, tác động tích cực đến các tổ chức phát hành, tổ chức trung gian. Một thị trường mà cả bên mua lẫn bên bán đều hào hứng tham gia thì thị trường đó sẽ phát triển. Khi mà một quyết định khiến cho thị trường mở rộng, tăng mạnh thì đây là một tín hiệu tốt, một tin vui mà thị trường đang chờ đón trong năm 2016.
Tuy nhiên, mọi điều không thể xảy ra sớm hơn cuối quý III, đầu quý IV, giống như năm 2000 khi chúng ta mở thị trường chứng khoán thì không thể lớn ngay được, nhưng không có thị trường năm 2000 khi sẽ không có thị trường hôm nay. Do đó, không có phái sinh, không có quy định mới được cởi bỏ năm nay thì sẽ không có câu chuyện của 5-10 năm nữa. Nhưng nếu chúng ta đặt kỳ vọng quá nhiều vào chính sách mới thì là quá sớm, tất cả các triển vọng sẽ được đặt vào kế hoạch kinh doanh năm 2016.
Trong kế hoạch kinh doanh 2016, ông có nhắc tới các thách thức xảy đến với KQKD của SSI có tỷ giá, lãi suất, dư nợ tín dụng, điều này ảnh hưởng thế nào đến SSI? SSI có tham gia tích cực vào tiến trình thoái vốn của DN như một nhà đầu tư?
Sứ mệnh SSI là kết nối vốn và cơ hội đầu tư, khi DN nới room ngoại hay SCIC thoái vốn cung cấp cho thị trường nhiều cơ hội. SSI là tổ chức tài chính trung gian, nếu chúng tôi kết nối được với nhiều nguồn vốn có nghĩa rằng chúng tôi tham gia các deal này, qua đấy người có vốn tiêu được tiền còn người có cơ hội thu được tiền thì SSI thành công.
Tất cả các vấn đề về lãi suất, tỷ giá đều ảnh hưởng đến nền kinh tế, nếu tỷ giá tăng NĐT nước ngoài sẽ rút vốn, nợ xấu tăng tín dụng quốc gia sẽ bị đông dòng máu ở đấy, thị trường chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế, kinh tế không tốt sẽ ảnh hưởng đến TTCK. SSI có tăng thị phần bao nhiêu đi nữa thì không thể đi ngược lại thị trường.
Hoạt động thu hút vốn ở công ty quản lý quỹ SSI đang tăng nhanh, ông có kỳ vọng trong năm 2016 sẽ tiếp tục thu hút được nguồn vốn ngoại?
Ngoài các khách hàng từ Daiwa ủy thác, công ty quản lý quỹ SSIAM đã đi huy động được nguồn vốn từ các quỹ tại Châu Âu, lượng tiền mang về tăng dần qua thời gian, hiện tổng tài sản do SSIAM quản lý đã lên tới 6.200 tỷ trong đó 2.200 tỷ của SSI. Tôi kỳ vọng dòng vốn ủy thác nước ngoài tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông.
Phương Mai
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.