TTCK tháng 5 khởi đầu với sự lo ngại về hiệu ứng “Sell in May and go away” (tháng 5 bán và đi chơi) nhưng VN Index đã lần lượt chinh phục các đỉnh 600 rồi 610, 620 điểm một cách dễ dàng. Có người đã đề cập thị trường đang diễn biến theo “sóng O”, tức là sóng… Obama (nhại theo sóng Elliott trong phân tích kỹ thuật).
Dữ liệu lịch sử
Thống kê cho thấy cả 2 lần Tổng thống Hoa Kỳ trước đây là Bill Clinton và George W. Bush có chuyến thăm Việt Nam, TTCK Việt Nam đều tăng sau đó. Mặc dù tỷ lệ tăng khác nhau, nhưng dữ liệu lịch sử này tạo ra kỳ vọng chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama cũng sẽ tạo nên những hứng khởi cho TTCK. Mấu chốt nằm ở những kỳ vọng về sự hợp tác về mặt kinh tế giữa 2 nước sẽ đem lại những hiệu ứng tích cực. Ở đây, nếu lý giải thị trường theo kiểu “sóng O” dường như sự kỳ vọng đã đến sớm, nghĩa là TTCK đã tăng trước khi ông Obama chính thức thăm Việt Nam. Nhưng sau đó, VN Index đã có 4 phiên điều chỉnh từ 18-5 đến 23-5 để từ 625 điểm xuống còn 610 điểm. Điều đáng nói là vào ngày 23-5, ngày đầu tiên ông Obama thăm và làm việc tại Việt Nam, VN Index tưởng như có lúc sẽ xuyên thủng ngưỡng 610 điểm và thanh khoản tại riêng sàn HOSE giảm xuống dưới mốc 2.000 tỷ đồng. Phiên 24-5, VN Index đã có lúc giảm xuống 608 điểm, nhưng lúc này lực mua đã mạnh trở lại và VN Index kết thúc phiên tăng nhẹ 0,6 điểm lên 611,6 điểm, GTGD đạt hơn 2.000 tỷ đồng.
Thị trường nếu chững lại lúc này cũng là điều hợp lý bởi đã trải qua một thời gian dài tích cực và cần có một nhịp để nghỉ ngơi và tích lũy. Cơ hội sẽ xuất hiện nhiều hơn tại một số CP mid cap và penny, tuy nhiên sự phân hóa sẽ ở mức cao và NĐT phải hội tụ đủ 2 khả năng đó là lựa chọn đúng CP đồng thời có khả năng nắm giữ trong thời gian dài. |
Sự nghi ngờ lúc này vẫn hiện diện về khả năng thị trường tiếp tục tăng điểm. Tình hình có khả quan hơn trong phiên sáng ngày 25-5, tức ngày cuối cùng ông Obama ở Việt Nam. VN Index đã có lúc tăng khoảng 5 điểm lên 616 điểm. Dù vậy, sang đến phiên chiều, việc một loạt CP vốn hóa lớn như VNM, MSN, BVH điều chỉnh, BID và CTG đứng giá đã khiến VN Index kết thúc phiên chỉ tăng 0,27 điểm lên gần 612 điểm, thậm chí chỉ số VN30 còn giảm gần 2 điểm xuống hơn 612 điểm. Một trong những kỳ vọng trực tiếp liên quan đến chuyến thăm của ông Obama là việc thúc đẩy TPP. Tuy nhiên, nhóm CP có liên quan đến TPP như thủy sản hay dệt may cũng có diễn biến không mấy ấn tượng. Trong khi nhiều CP dệt may đã có giai đoạn bùng nổ mạnh, một số công ty thủy sản đang gặp thách thức nên giá CP cũng khó lòng chạy mạnh.
Những diễn biến nói trên có thể gợi ra suy nghĩ về một xu hướng không mấy tích cực cho TTCK trong ngắn hạn, nhưng nếu nhìn một cách chi tiết hơn sẽ thấy những khác biệt. Phiên 25-5, mặc dù nhóm CP vốn hóa lớn chững lại nhưng nhóm CP mid cap và penny lại có dấu hiệu hồi phục. Đây vốn là điều nhiều NĐT mong chờ cách đây khoảng 2 tuần. Khi đó mặc dù điểm số của thị trường rất tích cực, nhưng chỉ những NĐT nắm giữ CP dầu khí hoặc ngân hàng (NH) mới có lãi, các nhóm CP còn lại chỉ tăng nhẹ theo xu hướng chung và giảm mạnh khi thị trường điều chỉnh. Như vậy, nếu đà tăng của nhóm mid cap và penny được giữ trong khoảng 2-3 phiên tới, quy luật chung cho mỗi đợt tăng giá là “thị trường chung ai cũng có quà” lại diễn ra.
2 kịch bản
Nhưng cũng cần nói thêm, với diễn biến của thị trường chung trong 1 tuần qua, những ai đã mua vào, nắm giữ CP mid cap và penny sẽ không dễ gì thi gan với xu hướng chung. Bởi có không ít phiên, diễn biến của nhiều nhóm CP khiến NĐT cảm thấy phải bán lấy lãi non hoặc cắt lỗ, nếu không thực hiện sẽ bị giảm mạnh. Càng có nhiều người rớt hàng penny, cho dù sóng của nhóm CP này có trở lại sẽ không dễ gì để có lợi nhuận. Lúc này, thị trường lại tiếp tục tiềm ẩn rủi ro: CP có thể tăng nóng trong phiên và dòng tiền lại tham gia một cách vội vã với margin đẩy lên mức cao nhất. Nhưng nếu đà tăng chỉ dừng lại ở ngày T+1 hoặc T+2, dòng tiền có thể trở nên dè dặt và qua đó sức hút thị trường trở nên kém đi. Giả thiết này có khả năng xảy ra nhưng xác suất không cao, bởi nhóm mid cap và penny thời gian qua tăng giá không nhiều, sóng chủ yếu tập trung ở CP lớn. Chính vì vậy, khi dòng tiền tạm nghỉ tại blue chip, nhiều khả năng sẽ dịch chuyển sang mid cap. Điều này có thể dẫn đến 2 kịch bản dành cho TTCK trong thời gian tới:
Kịch bản thứ nhất, nếu mốc 610 điểm bị xuyên thủng, nhiều khả năng VN Index có thể quay về mốc 580 điểm rồi sau đó mới bật tăng trở lại. Trường hợp này có thể xảy ra nếu các blue chip bị bán mạnh. Đồng thời cần lưu ý đến một chi tiết là margin của các CTCK. Thông thường, đòn bẩy của TTCK sẽ đạt đỉnh trong trường hợp thanh khoản trên cả 2 sàn có một thời gian dài dao động trong tầm 3.000-4.000 tỷ đồng kèm theo đó là việc dòng tiền margin bị ứ đọng tại một số CP nhất định. Theo phỏng đoán, lượng tiền margin thời gian qua được CTCK bơm ra khá nhiều nhưng thanh khoản chưa bị đẩy lên mức cao bởi dòng tiền margin đang “nằm vùng” tại những CP chưa tăng giá. Thông thường mốc 600 điểm không dễ để vượt qua, nhưng khi thị trường điều chỉnh vùng 600 điểm lại mang tính hỗ trợ không quá cao mà lại nằm ở khu vực 580-590 điểm. Tuy nhiên, khả năng kịch bản này xảy ra tương đối thấp.
Kịch bản thứ hai, nếu VN Index tiếp tục biến động quanh vùng 610 điểm, cơ hội có thể đến nhiều hơn với nhóm mid cap và một số blue chip. Thời gian qua kỳ vọng của thị trường đổ vào nhóm CP NH và dầu khí cùng các mã riêng lẻ như BVH, VNM. Đối với CP NH, tỷ lệ tăng trung bình tính đến thời điểm này chỉ vào tầm 5-10%, mức độ chưa lớn nên khả năng điều chỉnh mạnh sẽ khó xảy ra. So với CP dầu khí vốn có biến động phụ thuộc nhiều vào giá dầu, biến động của CP NH khó đoán định hơn nhưng lại tương đối ổn định. Quan trọng hơn là giữa các nhóm CP có sự luân phiên tăng giá thay vì tăng đồng loạt, vì vậy dòng tiền cũng có thể luân chuyển một cách đều đặn hơn.
Đại Ngàn
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.