Giá cổ phiếu tăng mạnh trở lại theo đà tăng của giá dầu, tuy nhiên nhiều cổ phiếu ngành dầu khí khó đạt được thu nhập tương ứng khi giá dầu được dự báo khó có khả năng tăng cao hơn vùng giá hiện tại.
Tính từ mức giá thấp nhất 26 USD/thùng vào ngày 11/02, giá dầu đã tăng 89% tại mức giá chốt ngày 30/05, theo đó hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu dầu khí tăng mạnh.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, những công ty dầu khí lớn nhất niêm yết trên sàn NYSE đã ghi nhận những diễn biến tích cực với đà tăng khá mạnh kể từ mức thấp ghi nhận vào đầu năm 2016. Cụ thể, Exxon Mobil đã tăng 23% lên mức 90 USD/cổ phiếu kể từ mức giá thấp nhất 73 USD ghi nhận hồi tháng 1, Chevron đã tăng gần 30% kể từ mức gần 79 USD/cp lên 102 USD, Schlumberger tăng 26% kể từ mức giá 61 USD lên 77 USD, Pioneer Natural Resources tăng 46% kể từ mức 110 USD lên 161 USD, Conoco Philips tăng 38% kể từ mức 32 USD lên trên 44 USD vào ngày 30/05/2016.
Trong nước, nhóm cổ phiếu ngành dầu khí cũng đã có thời gian tăng giá khá mạnh thời gian ngắn. Tăng mạnh nhất trong nhóm cổ phiếu dầu khí là PV Gas (GAS) với mức tăng hơn 100%, từ mức 29.000 đồng lên 60.000 đồng/cp.
PV Drilling (PVD) là cổ phiếu tăng mạnh thứ hai khi tăng 72% từ mức giá thấp nhất 18.300 đồng lên 31.600 đồng/cp. PTSC (PVS) cũng tăng gần 50% kể từ mức 12.500 đồng lên 18.200 đồng/cp.
Một số cổ phiếu khác cũng tăng đáng kể, như PVC tăng 43%, PGS tăng 31%, PVG tăng 28% kể từ mức giá thấp nhất đầu năm đến ngày 31/05.
Trong nhóm cổ phiếu dầu khí, Bọc Ống Dầu Khí (PVB) không tăng do ghi nhận lỗ trong quý 4/2015 và tiếp tục lỗ trong quý 1/2016. Một cổ phiếu khác có sự sụt giảm giá là Hóa Dầu Petrolimex (PLC) do lợi nhuận quý 1/2016 không đạt kỳ vọng.
Dự báo giá dầu của World Bank.
Giá dầu được dự báo thiếu tích cực
Sự tăng giá mạnh trở lại từ mức đáy 13 năm đã giúp nhóm cổ phiếu dầu khí tăng cao. Một số nhà phân tích cho rằng sự bật tăng trở lại có nguyên nhân chủ yếu từ sự gián đoạn nguồn cung tại một số khu vực và sản lượng dầu thô của Mỹ giảm và một phần từ việc các đầu tư bán khống thực hiện chốt lời khi giá xuống thấp.
Theo đó, các chuyên gia dự đoán sự gián đoạn nguồn cung tại một số khu vực chỉ mang tính nhất thời và nguồn cung dầu tại đây sẽ sớm hồi phục. Sản lượng dầu thô của các nước thành viên OPEC cũng đang tăng. Các nhà phân tích của UBS dự báo sản lượng dầu của OPEC sẽ vượt 33 triệu thùng/ngày trong mùa hè này.
Sự phục hồi của nguồn cung dầu và lo ngại về khả năng cuộc họp tới đây của OPEC vào ngày 2/6 tại Vienna nhiều khả năng sẽ không giải quyết được vấn đề thắt chặt nguồn cung vốn đang kìm hảm đà tăng của giá dầu. Các chuyên gia cho rằng, việc các nước có sự đồng thuận trong việc thắt chặt nguồn cung là khó xảy ra khi mà các nước đều đang gặp phải những khó khăn về ngân sách và không thể giảm lượng khai thác.
Hãng tin FT dẫn lời chuyên gia Ole Hansen, giám đốc chiến lược về hàng hóa tại Saxo Bank, cho biết mức giá 50 USD/ thùng thúc đẩy bên bán mạnh hơn, điều này sẽ tạo lực cản lớn cho giá dầu.
Hãng tin The Guardian dẫn lời chuyên gia Julian Jessop nhận định rằng: “Giá dầu ở mức 50-60 USD là đủ cao để giải tỏa áp lực cho các nhà sản xuất, trong khi mức này vẫn đủ thấp để thúc đẩy chi tiêu hàng hóa và các dịch vụ khác”.
Một yếu tố có thể kéo giá dầu giảm trở lại đó là việc FED chuẩn bị tăng lãi suất lần thứ hai, theo đó sẽ tạo ra áp lực giảm giá hàng hóa rất lớn. Các nhà phân tích tại Bank of America Merrill Lynch cảnh báo việc đồng USD tiếp tục tăng giá có thể kích hoạt hàng loạt những yếu tố khiến giá dầu quay đầu giảm.
Còn nhớ, vào cuối năm 2015, ngay sau khi Fed tăng lãi suất, giá dầu thô đã giảm giá mạnh trong suốt gần 2 tháng, xuống mức đáy 26 USD/thùng vào ngày 11/02/2016. Điều này hoàn toàn có thể lặp lại vào tháng 6 tới khi mà FED tăng lãi suất lần thứ 2 kể từ sau khi đưa lãi suất về gần 0% khi khủng hoảng kinh tế nổ ra từ năm 2008.
Về mặt kỹ thuật, nhà phân tích Chris Verrone của Strategas Research Partners trong cuộc phỏng vấn với CNBC cho rằng giá dầu đang đứng trước áp lực quay lại vùng 40 USD/thùng sau khi đã vượt đường trung bình 200 ngày 20% chỉ trong hơn 2 tháng.
Trước đó, các báo cáo phân tích của nhiều tổ chức lớn đã đưa ra những kịch bản không mấy lạc quan cho giá dầu trong vài năm tới.
Mô hình dự báo ARIMA của hãng Tradingeconomics đưa ra dự báo giá dầu sẽ trượt về mức 35 USD/thùng vào cuối năm 2016 và chốt ở mức 33 USD/thùng năm 2017 và quay trở lại mức giá 50 USD/thùng vào năm 2020.
Hoạt động kinh doanh tiếp tục khó khăn
Tại mùa đại hội thường niên năm nay, nhiều đơn vị thuộc ngành dầu khí đã cho biết tình hình kinh doanh thụt lùi khi giá dầu ở mức thấp, đồng thời nêu ra những khó khăn của doanh nghiệp nếu giá dầu không hồi phục lên trên 60 USD/thùng.
Tại đại hội cổ đông mới đây, PV Drilling (PVD) đưa ra kế hoạch kinh doanh 2016 với kịch bản giá dầu dưới 60 USD/thùng. PVD dự kiến mức doanh số cho năm 2016 là 5.000 tỷ đồng, giảm 65%; lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng, giảm 94% so với thực hiện năm 2015.
Petro Vietnam GAS (GAS) cũng tiếp tục đưa ra những dự báo khó khăn trong năm 2016. Với kịch bản giá dầu 60 USD/thùng, doanh thu hợp nhất dự kiến 54.751 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 7.085 tỷ đồng. Kế hoạch hợp nhất này giảm lần lượt 15% và 20% so với kết quả thực hiện năm trước.
PTSC (PVS) cũng đặt mục tiêu nếu giá dầu bình quân 60 USD/thùng thì doanh thu và lợi nhuận đều giảm. Cụ thể, doanh thu 2016 dự kiến ở mức 22.000 tỷ đồng, giảm 6%, nhưng lợi nhuận giảm 36% so với năm 2015.
Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí (PVC) đặt kế hoạch tổng doanh thu năm 2016 đạt 3.000 tỷ đồng, LNTT 103,4 tỷ đồng, LNST 82,7 tỷ đồng. Như vậy, so với thực hiện năm 2015 thì kế hoạch lợi nhuận năm nay đặt ra giảm gần 60%.
Kết quả kinh doanh quý 1/2016 vừa mới công bố, đa phần các doanh nghiệp khai thác dầu đều sụt giảm. PVD lợi nhuận chỉ còn 56 tỷ đồng, giảm hơn 88% so với cùng kỳ năm trước; PVC chỉ lãi 200 triệu đồng, giảm mạnh so với mức 40 tỷ đồng của cùng kỳ.
GAS cũng công bố lãi ròng gần 1.479 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ, trong đó LNST thuộc về công ty mẹ là 1.315 tỷ đồng, giảm hơn 49% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm là do giá dầu Brent bình quân quý 1/2016 chỉ đạt 34 USD/thùng, giảm 20 USD so với cùng kỳ năm ngoái, làm cho giá bán các sản phẩm của PV Gas cũng giảm theo tương ứng.
Nhìn chung, các kế hoạch kinh doanh của các công ty dầu khí trên sàn hầu hết đều dựa theo giá dầu bình quân 60 USD/thùng. Mặc dù đã hạ các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận, nhưng nhiều khả năng các con số thực hiện sẽ khó đạt được kế hoạch đề ra nếu giá dầu vẫn giao dịch dưới 50 USD/thùng đến cuối năm nay.
Huy Nguyên
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.