Chia sẻ:

Vụ Sabeco và Habeco 8 năm trốn niêm yết

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có công văn gửi đến Bộ Công Thương. Trong đó, ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch VAFI cho rằng “cần chấm dứt ngay lập tức tình trạng trốn niêm yết tại Sabeco & Habeco”. Đại diện VAFI cho biết việc Bộ Công thương cử cán bộ kinh doanh thua lỗ hàng trăm tỉ từ một doanh nghiệp khác về làm thành viên HĐQT và cán bộ nòng cốt trong ban điều hành tại Sabeco khiến các nhà đầu tư đặt dấu hỏi.

8 năm trốn niêm yết trên sàn chứng khoán

Nói về thực trạng hiện nay của hai công ty này, VAFI cho rằng hiện nay Bộ Công thương đang đại diện tới gần 90% và 82% vốn điều lệ của Sabeco và Habeco. Mặc dù đã thực hiện việc cổ phần hóa được hơn 8 năm, nhưng Sabeco và Habeco đã nhiều lần tìm cách trốn tránh việc niêm yết.

Ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch VAFI dẫn chứng tại điểm 2 Điều 14 của QĐ 51 quy định: “ Đối với doanh nghiệp đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần trước ngày quyết định này có hiệu lực thi hành, đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo người đại diện phối hợp, đôn đốc doanh nghiệp hoàn tất việc thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết theo quy định tại khoản 1 Điều 14 quyết định này trong thời hạn tối đa 1 năm kể từ ngày quyết định này có hiệu lực”.

Đối chiếu quy định trên và nhiều chủ trương chính sách trước đó thì những người quản lý vốn trực tiếp và gián tiếp tại Sabeco và Habeco đã không thực hiện chủ trương của Chính phủ, không hoàn thành nhiệm vụ mà nhà nước giao phó .

Vậy ai là người quản lý vốn nhà nước gián tiếp và trực tiếp tại Sabeco và Habeco? VAFI cho biết “đó là thứ trưởng được giao quản lý vốn nhà nước tại Sabeco, Habeco, là cán bộ lãnh đạo tại vụ tổ chức, ban đổi mới doanh nghiệp tại Bộ Công thương, là thành viên HĐQT được giao nhiệm vụ quản lý vốn”.

Theo VAFI, trường hợp ông Vũ Quang Hải từng đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc Công ty tài chính Công đoàn Dầu khí (PVFI) từ năm 2011 khi mới 25 tuổi. Trong quá trình làm việc tại PVFI, ông Hải đã để lại “thành tích” như sau: Năm 2011, lỗ 155 tỉ đồng, năm 2012 lỗ 67 tỉ đồng. Điều đáng nói là trước đó PVFI đều kinh doanh có lãi. Sau đó ông Hải bị miễn nhiệm tại PVFI và nhận nhiệm vụ mới với chức danh Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu tại Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương. Ông Hải tiếp tục được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Sabeco.

Tiếp đến, đại diện VAFI cho rằng việc Bộ Công thương bổ nhiệm ông Võ Thanh Hà – Chánh Văn phòng Bộ Công thương làm Chủ tịch HĐQT là một điều nguy hiểm vì “ông Hà chỉ giỏi nghiệp vụ thư ký chứ không có kinh nghiệm và thành tích gì về quản trị doanh nghiệp”.

Bàn về nguyên nhân Sabeco và Habeco nhiều lần trốn tránh niêm yết, đại diện VAFI cho rằng: “Những người quản lý vốn không thích sự minh bạch. Có khả năng vì lợi ích cục bộ. Chưa hết, việc Bộ Công thương cử cán bộ kinh doanh thua lỗ hàng trăm tỉ từ một doanh nghiệp khác về làm thành viên HĐQT và cán bộ nòng cốt trong ban điều hành tại Sabeco khiến các nhà đầu tư đặt dấu hỏi. Việc cử người không đủ năng lực làm người quản lý vốn nhà nước hay lợi ích cục bộ… làm yếu kém công tác quản trị doanh nghiệp và làm giảm giá trị doanh nghiệp, tệ hại hơn là đẩy dần doanh nghiệp vào tình trạng kinh doanh kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ”.

Và đề xuất bán hết cổ phần nhà nước tại Sabeco và Habeco

VAFI đề xuất Bộ Công thương nhanh chóng đề nghị Chính phủ cho phép bán toàn bộ vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco theo hình thức đấu giá công khai tại Sở Giao dịch chứng khoán. Đấu giá toàn bộ cổ phần nhà nước tại một lần đấu giá nhằm gia tăng tối đa giá trị tại Sabeco và Habeco. Không áp dụng việc mua bán thỏa thuận nhằm tránh tiêu cực, đồng thời tạo sân chơi cho nhiều nhà đầu tư lớn tham gia cạnh tranh giá. VAFI cho rằng hành động chống đối niêm yết là xâm phạm lợi ích của tất cả các cổ đông, tước đi quyền và lợi ích các cổ đông và hạ thấp giá trị của chứng khoán.

Đại diện VAFI cho rằng nếu bán hết cổ phần nhà nước tại Sabeco và Habeco, số tiền thu được dự tính trên 3 tỉ USD.

 

LAN HƯƠNG

 


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.