Chia sẻ:

Hấp lực nhưng thiếu sức

Hơn 1 tháng trước, CTCP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát công bố việc đã mua gần 72,2 triệu CP của Gỗ Trường Thành (TTF) để trở thành cổ đông lớn nắm giữ 49,9% cổ phần. Mới tuần rồi, liên danh giữa quỹ VOF (do VinaCapital quản lý) và quỹ DEG, thành viên của Tập đoàn KfW (Đức), đã công bố khoản đầu tư 30 triệu USD vào Gỗ An Cường. Những thương vụ này đã gợi ra khả năng về những thương vụ M&A, những khoản đầu tư lớn vào ngành gỗ.

Đầu tư win-win

Nhìn vào tên công ty có thể thấy Tân Liên Phát hoạt động trong ngành xây dựng và sở hữu cổ phần tại một công ty gỗ có tên tuổi, vị thế và năng lực trên thị trường sẽ giúp cho Tân Liên Phát có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong hoạt động kinh doanh. Các công ty gỗ khi kết hợp với các công ty xây dựng, bất động sản có thể cung cấp nội thất cho các dự án, một bên chủ động nguồn nguyên vật liệu đầu vào, bên sản xuất lại tiêu thụ được hàng hóa với sản phẩm lớn. An Cường hiện là tên tuổi lớn trong ngành nội thất với thị phần lớn tại những dòng sản phẩm như ván MFC (chiếm trên 50%) và ván laminate (chiếm 70%). Trong khi đó, đầu tư bất động sản lại là thế mạnh của VinaCapital và người ta có thể mường tượng ra việc công ty quản lý quỹ này sẽ kết nối An Cường với các dự án mình đang sở hữu.

Với số vốn VinaCapital lẫn DEG rót vào, An Cường cũng có điều kiện để nâng cấp hệ thống sản xuất, kinh doanh cũng như hoạt động quản trị của mình theo hướng hiệu quả, bền vững hơn. Mỗi đơn vị sẽ có thêm những cơ hội trong kinh doanh, còn xét về mặt tổng thể danh mục đầu tư của VinaCapital cũng có lợi nếu các công ty có thể liên kết và nâng cao giá trị cho nhau. Chẳng hạn, mua một căn hộ với giá tầm 2 tỷ đồng, số tiền bỏ ra cho đồ nội thất cũng vào tầm 200 triệu đồng, tức khoảng 10%. Nghĩa là nếu sở hữu một công ty nội thất nói chung, hay công ty gỗ nói riêng khả năng các chủ đầu tư cũng sẽ có cơ hội gia tăng nguồn thu cho mình một khoản đáng kể. Đó là chưa nói đến việc một căn hộ với nội thất đẹp hơn, có thể thu hút nhiều khách hàng cũng như có giá bán tốt nhất. Và tất nhiên công ty gỗ cung cấp nội thất tốt cho các dự án “trong nhà” cũng không lo thiếu các đơn hàng ở bên ngoài. Nhìn chung, việc các quỹ đầu tư bất động sản hay các ông lớn trong ngành bất động sản đầu tư vào ngành gỗ sẽ đem lại lợi ích cho cả đôi bên.

Rất ít DN lớn

Bà Đặng Phạm Minh Loan, Phó Giám đốc Điều hành VinaCapital, nhận định: “Đúng là việc các tập đoàn bất động sản đầu tư vào ngành gỗ, nội thất có thể đem lại nhiều lợi ích nhưng khả năng xảy ra một làn sóng tương đối khó khi điểm nghẽn nằm ở vấn đề hàng hóa. Có nhiều doanh nghiệp gỗ, nhưng lại có rất ít đơn vị có quy mô đủ lớn để các NĐT tổ chức có thể rót hàng chục triệu USD”. Nhận định của bà Đặng Phạm Minh Loan đã được minh chứng thông qua các doanh nghiệp gỗ đang niêm yết trên TTCK. Niêm yết hồi năm 2007 đến giờ Gỗ Thuận An (GTA) đã có gần chục năm trên sàn HOSE nhưng vốn điều lệ của công ty chỉ mới đạt 104 tỷ đồng, mức thấp so với các công ty niêm yết tại sàn này. Với mức giá đóng cửa cuối tuần qua đạt 16.700 đồng/CP, giá trị vốn hóa của GTA đạt khoảng 174 tỷ đồng. Trong khi vốn hóa của TTF đạt khoảng 3.833 tỷ đồng, tức gấp 22 lần vốn hóa của GTA. Trong 4 năm gần nhất, doanh thu của GTA đạt trong khoảng 480 tỷ đồng/năm, lãi sau thuế nằm trong vùng 12-13 tỷ đồng/năm. Những con số này chỉ ra khả năng tăng trưởng của ngành gỗ không hề đơn giản.

Lý do thứ nhất nằm ở đặc tính của nhiều công ty gỗ mang tính chất công ty gia đình và thường có xu hướng thận trọng, khó có những yếu tố đột phá trong quản trị cũng như sản xuất kinh doanh. Để tạo những bước đột phá trong ngành gỗ cần những sáng tạo đặc biệt về mẫu mã, sản phẩm, chất lượng dịch vụ, điều này đôi khi lại hơi quá tầm với nhiều doanh nghiệp trong ngành vốn chú trọng gia công theo đơn đặt hàng, hoặc nếu có sáng tạo đầu tư cho R&D chưa đủ. Điều nữa cũng phải nói đến là ngành gỗ thường không có nhiều “sóng” giống như các ngành khác như sắt thép, xi măng nên cũng khó lòng tạo ra những kết quả kinh doanh vượt trội tại một số thời điểm. Những lý do này chỉ ra khả năng tăng trưởng của các công ty gỗ, nội thất hiện tại, với quy mô nhỏ và vừa là chủ yếu, sẽ rất khó xảy ra. Không tăng trưởng mạnh sẽ khó lòng thu hút được dòng vốn đầu tư vốn ưa thích và kỳ vọng vào câu chuyện tăng trưởng.

Trong ngắn hạn sẽ có rất ít doanh nghiệp gỗ có quy mô lớn để thu hút dòng vốn đầu tư. Như vậy, sẽ khó có khả năng các doanh nghiệp gỗ lớn nhanh mà thường sẽ phải lớn từ từ, thậm chí nếu không có chiến lược còn không lớn nổi. Khả năng các doanh nghiệp ngành gỗ có quy mô nhỏ tiến hành M&A cũng có thể được tính đến nhưng cũng khó xảy ra bởi nói đơn giản nếu có những doanh nghiệp dám nghĩ như vậy ngành gỗ và nội thất đã có thể huy động được rất nhiều vốn từ TTCK.

Gỗ Đức Thành (GDT) cũng từng là cái tên được quan tâm nhiều trên TTCK khi lãnh đạo của doanh nghiệp này ít nhiều cho thấy sự năng động, những sản phẩm như đồ chơi bằng gỗ của GDT cũng được đánh giá khá cao trên thị trường bên cạnh hàng hóa nội thất. Vấn đề là sau 7 năm niêm yết trên TTCK, GDT cũng chỉ mới có vốn điều lệ gần 130 tỷ đồng, cao hơn so với GTA đôi chút và đương nhiên cũng khó lòng để đuổi kịp TTF. Trong 4 năm qua, GDT đạt tỷ lệ tăng trưởng doanh thu trung bình 10%/năm, một con số tương đối khả quan. Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế tầm 10-20%/năm trong vài năm qua cũng tạo nên những điểm thú vị cho GDT. Nhưng thách thức ở đây vốn điều lệ công ty còn tương đối nhỏ nên việc các tổ chức có thể đầu tư gói lớn đồng thời dung hòa giữa quyền và lợi ích của mỗi bên sẽ mất nhiều thời gian. Và quan trọng hơn cả liệu lãnh đạo doanh nghiệp có sẵn sàng kêu gọi vốn lớn từ bên ngoài tham gia để công ty có thêm lợi thế cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh hay không?

 

THY NHÃ

 

 


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.