Đến thời điểm hiện tại, DRH là cổ đông lớn nhất và đã nắm 15% vốn tại KSB, như vậy người nhà Ông Võ Trường Thành hiện đã nắm giữ khoảng 60% vốn tại công ty này.
Cổ phiếu ngành khai thác đá xây dựng vốn là một ngành khai thác tài nguyên được đánh giá là ngành có lợi nhuận ổn định và ít chịu rủi ro. Cũng vì lẽ đó mà nhóm cổ phiếu này ít tạo ra sức hút dòng vốn nóng trên thị trường do hoạt động kinh doanh ít có sự tăng trưởng đột biến.
Tuy nhiên, kể từ đầu năm nay, nhóm cổ phiếu này đồng loạt tăng mạnh và tạo sức hút lớn đối với nhà đầu tư. Đáng chú ý trong số đó là sự trỗi dậy khá bất ngờ của Công Ty Cổ Phần Khoáng Sản và Xây Dựng Bình Dương (HOSE: KSB).
Dù niêm yết từ đầu năm 2010, nhưng mãi đến cuối năm 2015, cổ phiếu này mới bắt đầu rục rịch tăng mạnh cả về giá thị trường lẫn khối lượng giao dịch.
Không những thế, song song với sự tăng giá cổ phiếu và sự đột biến khối lượng, là sự xuất hiện với tần suất dày đặc của những thông tin về nội tình doanh nghiệp này.
Trên khắp các diễn đàn chứng khoán, chủ đề nói về mối liên hệ của KSB với một số công ty khác cũng đang có đà tăng giá mạnh trên sàn thời gian qua như Dream House (HOSE: DRH) hay Gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) thậm chí là cả Vingroup (HOSE: VIC) đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm.
Tại đại hội đồng cổ đông của Công ty Gỗ Trường Thành (HOSE:TTF), cổ đông tại TTF đã đặt ra câu hỏi về khoản đầu tư vào KSB của chủ tịch đương nhiệm Võ Trường Thành. Khi đó, câu trả lời của vị chủ tịch này là “đó chỉ là một khoản đầu tư nhỏ vì có sự quen biết và hiểu về doanh nghiệp”.
Tuy nhiên, đến kỳ đại hội cổ đông của KSB thì Ông Thành bất ngờ được bầu vào vị trí chủ tịch hội đồng quản trị KSB. Liệu có sợi dây liên hệ nào giữa nhóm cổ phiếu đang “hot” trên sàn như những lời đồn thổi ?
Đường đến chiếc ghế chủ tịch KSB
Trao đổi với chúng tôi với NDH về sự việc khá đột ngột này, Ông Thành cho biết, Ông chỉ đầu tư ít nhưng các con của Ông thì đầu tư nhiều. Ông Thành cũng không ngại bật mí rằng Cô con gái út của Ông là Võ Diệp Cẩm Vân theo học ngành thời trang ở nước ngoài, sau khi lấy chồng thì về nước đầu tư lớn vào Dream House (HOSE:DRH). Đến thời điểm hiện tại, DRH là cổ đông lớn nhất và đã nắm 15% vốn tại KSB.
“Trước đó, các con tôi cũng đã đầu tư vào KSB nhưng đó chỉ là đầu tư tài chính vào các công ty có nền tảng tốt. Cho đến khi nghe thông tin SCIC muốn bán toàn bộ phần vốn tại KSB, các con tôi thấy thích công ty này nên dồn tiền lại mua thêm. Riêng với DRH thì thực chất công ty này đầu tư vào nhiều nơi chứ không chỉ riêng gì KSB” Ông Thành cho biết thêm.
Nói về lý do vì sao mình được bầu làm hội đồng quản trị công ty này, Ông Thành cho biết “khi hai ba anh em xúm lại mua thì câu hỏi đặt ra là ai sẽ làm chủ tịch?” Đặc biệt là chủ tịch KSB lúc đó là anh Trần Đình Hải – đã đứng ra muốn nhờ tôi nhận giùm chức này.
Ông Thành kể: “Lúc đó, anh Hải cũng chưa biết là các con tôi đã mua gom và nắm phần lớn vốn tại công ty mà chỉ nói rằng các cổ đông mới từ DRH còn trẻ tuổi quá thì tôi cũng khó làm, bây giờ nhờ tôi nhận giùm chức vị này để anh ấy chỉ làm chức tổng giám đốc thôi”
“Như vậy là Anh Hải đã đề cử tôi ra hội đồng quản trị và trình đại hội thông qua tôi làm chủ tịch HĐQT. Khi đó tôi cũng không nghĩ là mình sẽ được bầu nhưng anh Hải nói là tôi bầu, mọi người bầu thì chắc chắn sẽ được. Và như vậy, khi đưa ra hội đồng cổ đông đã thông qua việc bầu tôi làm chủ tịch HĐQT KSB với tỷ lệ trên 99%”
Ông Thành chia sẽ “Tôi thực sự không có tiên liệu làm chủ tịch hội đồng quản trị ở đó. Bên phía lãnh đạo KSB cũng rất chân tình, họ cho rằng đây là chuyện sớm muộn khi nhóm cổ đông lớn tham gia đầu tư vào KSB. Trong bối cảnh những người mới xuất hiện thì chỉ có tôi là quen biết cả hai bên, do đó họ muốn tôi làm chủ tịch thì bộ máy công ty dễ làm việc hơn.”
Kế hoạch mới ở KSB
“Mọi người cứ đồn rằng VIC và TTF, KSB, DRH có mối liên hệ, nhưng thực tế chẳng có liên quan gì ngoài chuyện đầu tư vốn. Nếu có sự liên hệ thì đó là quan hệ kết nối cá nhân. Chẳng hạn như việc quen biết với VIC có thể sẽ giúp cho các sản phẩm mới của KSB trong tương lai có thể bán dễ hơn một chút khi đưa ra thị trường tiêu thụ sản phẩm đá xây dựng” Ông Thành tiết lộ về những kế hoạch kinh doanh sắp tới của KSB.
Theo Ông Thành thì từ trước tới nay, lợi nhuận hàng năm của KSB cũng tương đối khả quan, hàng năm cở gần trăm tỷ, năm 2015 là 125 tỷ và kế hoạch 2016 là 144 tỷ đồng. Với việc có nguồn lợi nhuận khá ổn định nên KSB hầu như không có động lực mở rộng hoạt động kinh doanh.
Một đặc điểm của KSB và cả ngành khai thác đá hiện nay đó là sự lãng phí tài nguyên. Ông Thành cho biết ông đã tính đến giải pháp để giải quyết vấn đề đó. “Với các mối quan hệ với bạn bè là các chuyên gia trong ngành của Ông, KSB sẽ hợp tác, đóng vai trò kết nối và nhập máy móc về chế biến sâu hơn nhằm tận dụng hết tài nguyên đang bị lãng phí và tạo thêm giá trị gia tăng”
“Theo tôi nhận thấy đối với lĩnh vực khai thác đá hiện nay đang có thời cơ trong khai thác mỏ và chế biến. Theo các mối quan hệ xã hội của tôi thì tôi có nhiều nguồn để có thể kết nối tạo ra giá trị. Sắp tới có kế hoạch bổ sung vào kế hoạch kinh doanh là phát triển đá ốp lát. Chúng tôi sẽ đưa VIC xem các mẫu đá, nếu VIC duyệt mẫu đá nào thì có thể gắn vào KSB một ngành mở rộng sản phẩm”
“Ngoài ra, thì KSB đang đầu tư vào khu công nghiệp cũng là một lĩnh vực tiềm năng và tôi rất thích lĩnh vực này”. Ông Thành tự tin với các mối quan hệ xã hội và nhiều năm làm ngành xuất khẩu gỗ, Ông có thể xúc tiến việc nhiều doanh nghiệp hơn vào khu công nghiệp này để mở nhà máy. Được biết, khu công nghiệp Đất Quốc của KSB có diện tích 212 hecta tại Tân Uyên, tỉnh Bình Dương được đầu tư từ năm 2014. Đến năm 2015, KSB đã có 12,9 hecta được thuê sử dụng, năm 2016 này con số dự kiến sẽ tăng lên 20 ha.
Nói về khoản đầu tư vào cổ phiếu KSB, Ông Thành đánh giá rằng, việc giá cổ phiếu KSB đã tăng mạnh từ đầu năm đến nay nếu so với mức lợi nhuận kế hoạch của năm nay khoảng 144 tỷ cũng là tương xứng. Tuy vậy, với việc giá cổ phiếu đã xác lập mức giá cao mới, để kỳ vọng cổ phiếu KSB có sự tăng trưởng mạnh hơn trong tương lai thì các kế hoạch kinh doanh mới cần phải mang lại hiệu quả, như vậy từ việc triển khai đến khi thu lời cần khoảng 2 đến 3 năm nữa chứ không phải chuyện của một sớm một chiều.
Hoàng Trung
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.