Từ đầu năm đến nay, nhiều DNNN tiến hành cổ phần hóa nhưng không phải DN nào cũng đấu giá thành công. Bởi, trước khi mua, NĐT đã bắt đầu so sánh về năng lực vận hành của DNNN với DNTN, thay vì ồ ạt mua vào cổ phiếu DNNN như trước đây.
6 tháng đầu năm, 40 DNNN đã được cổ phần hóa, trong đó có hai đơn vị sự nghiệp. Một số bộ, ngành, địa phương đã thành lập ban chỉ đạo cổ phần hóa tại 63 công ty, công bố giá trị của 28 công ty và đang xác định giá trị DN của 77 công ty.
Từ những thành tích đạt được, Bộ Tài chính cho biết đang xúc tiến sửa đổi Nghị định 59 liên quan đến quy định mới về cách thức tìm kiếm nhà tư vấn có chất lượng. Đồng thời bán tối đa cổ phần ra bên ngoài đối với các DN không nằm trong danh mục Nhà nước cần nắm giữ.
Với tiến trình hiện tại, dự kiến hoạt động bán vốn Nhà nước và cổ phần hóa được thúc đẩy lên cao hơn nữa trong nửa cuối năm. Theo giới phân tích, đây được xem là cơ hội rất lớn để NĐT có thể tìm kiếm nắm giữ cổ phiếu lớn nhiều tiềm năng.
Lý thuyết là vậy, song nếu xét thực tế thì mọi chuyện không quá tích cực như số liệu đưa ra. Thậm chí, khi được hỏi, một số NĐT lớn tỏ ra khá thờ ơ với những lần bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) DNNN. Nói như lãnh đạo của một Quỹ đầu tư: DNNN nhìn thì tiềm năng nhưng thực chất là không phải, thế nên NĐT không mặn mà với các cổ phiếu này. Điều đó giải thích vì sao những lần IPO DNNN gần đây dù rất rầm rộ truyền thông nhưng phần lớn là không thành công.
Cụ thể, tính đến 23/5, có 31 DN IPO trên sàn Hà Nội và 4 DN trên sàn TP. Hồ Chí Minh, trong đó chỉ có 14 DN đạt tỷ lệ bán hết 100%. Tổng giá trị cổ phần bán được trên cả hai sàn là 1.740 tỷ đồng.
Nhìn lại số liệu, Bộ Giao thông – Vận tải có số lượng DN cổ phần hoá nhiều nhất với 9 DN, tiếp đó là 4 Tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng. DN có vốn điều lệ lớn nhất là Công ty TNHH MTV cảng Hải Phòng, vốn điều lệ 3.270 tỷ đồng, tỷ lệ trúng đấu giá 46,95%; đứng thứ hai là Tổng công ty Viglacera, vốn điều lệ 3.070 tỷ đồng, tỷ lệ trúng đấu giá 25,31%. Duy nhất chỉ có Viglacera bán được 10.100.000 cổ phần cho NĐT nước ngoài, chiếm 52% số cổ phần bán được. Ngoại trừ những điểm sáng đó, còn lại khá nhiều công ty đại chúng có kết quả IPO được coi là không thành công.
Lý do các NĐT lớn ngán cổ phiếu DNNN vì họ đã nhìn thấy mục tiêu IPO của khối này không đứng về lợi ích của cổ đông. Chẳng hạn, một quỹ đầu tư chia sẻ thông tin rằng, họ dựa vào thống kê của GSO thấy rằng, thu NSNN so với dự toán năm đạt thấp hơn cùng kỳ trong tất cả các nguồn thu, ước đạt 346,2 ngàn tỷ đồng, bằng 34,1% dự toán (cùng kỳ đạt 37,4% dự toán năm). Ba nguồn thu giảm mạnh gồm: thu từ DNNN (giảm 19% so với cùng kỳ), thu từ dầu thô (giảm 47% so với cùng kỳ) và thu từ xuất nhập khẩu (giảm 19% so với cùng kỳ).
Trong khi đó, tổng chi NSNN ước đạt 412,6 ngàn tỷ đồng, bằng 32,4% dự toán năm. Lũy kế từ đầu năm đến nay, thâm hụt ngân sách đã lên đến 66.400 tỷ đồng (khoảng 43% dự toán năm). Mặc dù hoạt động huy động trái phiếu Chính phủ từ đầu năm nay khá tích cực (khoảng 157.000 tỷ đồng), tuy nhiên, nếu cứ tiếp diễn đà vay nợ để bù đắp thâm hụt ngân sách, Việt Nam sẽ sớm chạm ngưỡng nợ công. Vì vậy, việc thúc đẩy IPO DNNN thời điểm này chỉ phục vụ cho mục đích tìm nguồn thu bù đắp và tiết giảm chi tiêu của nhà điều hành.
Về phía chi, chi đầu tư phát triển trong 5 tháng chỉ đạt 25,2% dự toán năm, đồng nghĩa với việc giải ngân vốn đầu tư từ NSNN diễn ra khá chậm trong thời gian qua. Việc hạn chế về nguồn thu đã kìm hãm khả năng hỗ trợ của chính sách tài khóa trong tăng trưởng kinh tế, đồng thời chuyển phần trách nhiệm cho chính sách tiền tệ và khả năng tự vận động của khu vực tư nhân.
Trong thời gian còn lại của năm, nhu cầu chi trả nợ và viện trợ là khá lớn (khoảng 100.000 tỷ đồng). Do đó, khó khăn trong ngân sách sẽ chưa được tháo gỡ. Để bù đắp nguồn chi, nhà điều hành đang tìm cách để cải thiện nguồn thu từ khối DNNN. Công văn đề nghị BIDV và VietinBank chi cổ tức tiền mặt mới đây là một ví dụ điển hình.
Cũng có cùng lý do, nhưng một số NĐT cá nhân thì nghĩ đơn giản hơn, họ chỉ nghĩ rằng với năng lực hiện tại của khối DNNN, việc đưa ra mức giá khởi điểm để IPO chưa hợp lý, bản cáo bạch chưa rõ ràng… Hay nói cách khác khối DNNN chưa làm cho NĐT tin tưởng nên họ không lựa chọn mua các cổ phiếu này.
Nhìn tổng quan thị trường, lãnh đạo CTCK KIS Việt Nam cũng thừa nhận phần lớn những DNNN dù là các công ty có mức vốn điều lệ lớn, có tên tuổi, nhưng yếu tố nội tại của DN không xuất sắc nên không thu hút được sự quan tâm của NĐT.
Ngoài ra, một số DNNN dù đã thực hiện tiến trình IPO nhưng nhìn vào bản báo cáo tài chính vẫn chưa có công ty kiểm toán chứng thực bản cáo bạch của đơn vị phát hành. Đặc biệt là đối với các DN quy mô lớn, cơ cấu hoạt động phức tạp và một số DN chưa muốn cổ phần hóa hoặc niêm yết cổ phiếu bởi ý chí chủ quan của ban lãnh đạo DN. Đây là điều tối kỵ đối với các cổ đông có vốn nước ngoài.
Lam Anh
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.