Chia sẻ:

Nóng chuyện thoái vốn, nhóm cổ phiếu của SCIC có tái lập “sóng” tăng?

Thị trường đã ghi nhận đợt sóng tăng mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu SCIC thoái vốn hồi đầu tháng 10/2015. Mặc dù có những đánh giá tích cực trong dài hạn nhưng ý kiến từ chuyên gia cho rằng NĐT vẫn cần thận trọng trong ngắn hạn khi “đu theo” nhóm cổ phiếu này.

 Tái lập sóng tăng?

Phiên giao dịch ngày 17/8/2016, VN-Index tăng 2,40 điểm (+0,36%) lên 660,51 điểm, trong khi HNX-Index tăng 0,32 điểm (+0,38%) lên 83,76 điểm. Đóng góp chính vào sự tăng điểm của các chi số trong phiên hôm qua phải kể đến sự khởi sắc đến từ các cổ phiếu nằm trong diện thoái vốn của SCIC.

Ngay sau khi xuất hiện thông tin Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan sẽ họp về phương án thoái vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp lớn, nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp trong nhóm này… đã đồng loạt tăng giá mạnh.

Trước đó, ngày 08/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 1787/TTg-ĐMDN về 19 doanh nghiệp thuộc diện đầu tư, nắm giữ lâu dài trong đề án Chiến lược của SCIC, trong đó chỉ đạo: SCIC tiếp tục nắm giữ vốn, đầu tư dài hạn đối với 9 doanh nghiệp và chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc thoái hết vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp nhằm đạt lợi ích cao nhất. Nhiều doanh nghiệp trong số này được ví như những “con gà đẻ trứng vàng” của SCIC. Việc thoái vốn khỏi nhóm doanh nghiệp này nếu thành công, theo tính toán của giới đầu tư, sẽ giúp Nhà nước thu về khoảng 3 – 4 tỷ USD.

Sóng tăng đã diễn ra sau đó đối với cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp này. Trong vỏn vẹn một tháng, VNM, BMI, SGC đã tăng hơn 20%. Cổ phiếu BMP của Nhựa Bình Minh tăng “khiêm tốn” nhất, cũng đạt mức tăng 10,71%.

Trở lại phiên giao dịch ngày hôm qua, một số cổ phiếu đã tăng vọt sau thông tin, đặc biệt là hai cổ phiếu nhựa BMP và NTP. Cổ phiếu BMP đã có lúc giảm điểm nhưng sau đó bật tăng kịch trần. Đóng cửa phiên giao dịch, cổ phiếu BMP tăng 6,71%, khối lượng giao dịch đạt hơn 236 nghìn cổ phiếu, gấp gần 3 lần KLGD các phiên gần đây. Một số cổ phiếu khác cũng ghi nhận sự đột biến về KLGD như VNR (889.810 cp), BMI (359.710 cp),..

SGC là cổ phiếu duy nhất giảm điểm trong phiên hôm qua với mức giảm 9,42%. Cùng với HGM, đây là hai cổ phiếu thanh khoản rất thấp, thậm chí không có giao dịch ở nhiều phiên.

 

Diễn biến giá cổ phiếu nhóm SCIC thoái vốn


 Thận trọng trong ngắn hạn khi “đu theo” nhóm SCIC thoái vốn

Quyết định thoái vốn khỏi các doanh nghiệp này từ phía Chính phủ là khá rõ ràng. Nhưng vấn đề lớn nhất và quan trọng nhất đến nay vẫn chưa có câu trả lời, đó là SCIC bao giờ sẽ thoái vốn? Ngoại trừ FPT và SGC đã nằm trong danh sách thoái vốn năm 2016, số phận của 8 DN còn lại chưa được SCIC tuyên bố. Cuộc họp Chính phủ đang diễn ra được giới đầu tư kỳ vọng sẽ có được lộ trình cụ thể để thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp này.

Thị trường đã phản ứng khá tích cực trong phiên giao dịch vừa rồi. Tuy nhiên, chia sẻ với phóng viên NDH, ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô & Thị trường CTCK Ngân hàng ĐT&PT Việt Nam (BSC) đưa ra nhận định khá thận trọng trong ngắn hạn.

Theo vị chuyên gia phân tích của BSC, khi lộ trình chưa được rõ ràng, nhà đầu tư vẫn cần rất cẩn trọng khi ra quyết định đầu tư ngắn hạn. Mặc dù trên thị trường đã có những tin đồn khá tích cực về lộ trình thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp lớn này nhưng vẫn còn đó những khả năng việc thoái vốn ở một số doanh nghiệp bị điều chỉnh, trì hoãn vài tháng và kèm theo đó rủi ro thị trường có thể điều chỉnh thời gian tới.

Dù vậy, ông Khoa cũng cho rằng các cổ phiếu này có yếu tố cơ bản tốt thật sự. Đây là những lựa chọn tốt nếu đầu tư dài hạn. Các thông tin hỗ trợ về việc Nhà nước thoái vốn cũng sẽ tạo lực góp phần giúp giá cổ phiếu đi lên tích cực.

Kết quả kinh doanh của 9/10 doanh nghiệp này phần lớn đều ghi nhận mức tăng trưởng khá (riêng VIID hiện chưa công bố thông tin về KQKD). Tổng lợi nhuận của 10 doanh nghiệp trên đạt gần 7.083 tỷ đồng, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Vinamilk, con gà đẻ trứng vàng của SCIC, góp tới 4.973 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 33% so với cùng kỳ. Các năm trở lại đây, doanh nghiệp đứng đầu ngành sữa này đều duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận khá. Sa Giang (SGC), Bảo hiểm Bảo Minh (BMI), hai doanh nghiệp nhựa Tiền Phong và Bình Minh đều tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm 2016.

 


 Cùng với đó, giới hạn trần đối với tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài đã được một số doanh nghiệp “rục rịch” gỡ bỏ. Vinamilk hiện đã chính thức mở room tối đa lên 100%. BMP cũng đã được cổ đông chấp thuận phương án nới room.

Điều này tạo điều kiện cho phép cầu từ khối ngoại hấp thụ phần vốn góp mà SCIC dự kiến thóai vốn trong tương lai. Tỷ lệ sở hữu NĐTNN tại một số doanh nghiệp trong nhóm này thường xuyên đạt tỷ lệ 49%.

 

Tỷ lệ sở hữu của SCIC và NĐTNN tính đến thời điểm 17/8

 

Thanh Thủy

 


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.