Chia sẻ:

TTCK sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ

TTCK đã có bước tăng trưởng “thần kỳ” khi liên tục phá vỡ các mốc kháng cự để tiến lên các mốc cao hơn, sự phục hồi của TTCK trong giai đoạn vừa qua mang tính chất bền vững khi mà nhiều CP cơ bản đã có những bước đột phá về giá so với những năm trước đây.

 Thị trường chứng khoán đã có bước tăng trưởng được cho là “ thần kỳ” trong giai đoạn vừa qua, nhất là trong quý 3 khi chỉ số đạt trên 680 điểm.

Các thông tin vĩ mô về phát triển kinh tế như tăng trưởng, thoái vốn, nới room…đã hỗ trợ cho sự tăng trưởng này, tuy nhiên ngoài những thuận lợi thì cũng không tránh khỏi những khó khăn nhất định.

 Cơ hội lớn cho thị trường cuối năm

Thị trường chứng khoán đã có bước tăng trưởng “thần kỳ” khi liên tục phá vỡ các mốc kháng cự để tiến lên các mốc cao hơn, sự phục hồi của thị trường chứng khoán trong giai đoạn vừa qua mang tính chất của tăng trưởng bền vững khi mà nhiều cổ phiếu cơ bản đã có những bước đột phá về giá so với những năm trước đây.

Mặc dù thị trường luôn tiền ẩn những rủi ro nhất định nhưng song song với điều đó là cơ hội lớn để thị trường tiếp tục chinh phục những mốc cao hơn, và sự tăng trưởng chung của nền kinh tế cũng như ngành tài chính sẽ giúp thị trường chứng khoán cuối năm cũng như các năm tiếp theo được cho là sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.

Trước hết phải nói đến việc điều hành các chính sách vĩ mô của Chính phủ, của NHNN đối với chính sách tỷ giá. Năm 2015, khi Trung Quốc liên tục phá giá đồng nhân dân tệ thì NHNN cũng chủ động nới biên độ tỷ giá, không neo tỷ giá để hạ nhiệt ở thị trường tiền tệ vốn rất nhạy cảm với nền kinh tế. Song với chính sách điều tiết linh hoạt đã tránh được việc “tỷ giá căng như dây đàn” hay nhảy múa của tỷ giá trên thị trường tiền tệ, điều đó giúp cho thị trường này ổn định hơn.

Trong năm 2016 vấn đề tỷ giá được giải quyết triệt để và luôn đảm bảo được sự ổn định thì giá vàng cũng khiến cho NHNN phải có các chính sách linh động để tránh ảnh hưởng đến thị trường tài chính nói chung. Như vậy, có thể thấy chính sách điều hành vĩ mô của NHNN về lãi suất, tỷ giá…là rất phù hợp với thực tế biến động của thị trường, không chỉ ở trong nước mà còn có các tác động của bên ngoài, để từ đó tạo tiền đề để xây dựng thị trường chứng khoán minh bạch, phát triển nhằm thu hút tốt hơn nguồn vốn từ các đối tác nước ngoài.

Trong hai năm qua và đặc biệt là năm 2016, cơ hội lớn cho thương mại của Việt Nam là việc giá nhập các hiệp định thương mại như ký kết FTA hay việc Quốc hội đã thông qua việc gia nhập TPP cuối năm ngoái mở ra thời kỳ mới cho thương mại Việt Nam. Có thể coi TPP là cánh của mở toang cho thương mại nước ta đặc biệt là giao thương với nhiều nước phát triển như Mỹ, Nhật, Úc…điều đó có tác động mạnh mẽ đến những ngành xuất khẩu nói riêng như may mặc, thủy sản, cao su…

Với việc giá dầu giảm, đồng nhân dân tệ giảm…thì việc nhập khẩu chủ yếu các nguyên liệu máy móc của Việt Nam chủ yếu từ Trung Quốc sẽ tiết giảm được chi phí đầu vào qua đó hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm góp phần lớn vào tăng trưởng kinh tế. Dự báo kinh tế Việt Nam năm 2016 tăng trưởng có thể đạt được mức 6,7% như Chính phủ đề ra ngay cả khi biến động của giá dầu. Trong khi đó, giá dầu trong thời gian qua đã có bước tăng trở lại đáng kể khi giá dầu tăng từ mốc dưới 30$/thùng đến giai đoạn hiện tại đạt mốc 45$-47$/thùng và đang được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trưởng.

Một cơ hội lớn mở ra cho thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn từ nay đến cuối năm và các năm tiếp theo đó là việc các quỹ, các tổ chức định chế tài chính nước ngoài sẽ tham gia sâu rộng hơn vào thị trường khi Chính phủ đồng ý cho nới room đối với các doanh nghiệp trên sàn niêm yết. Dòng tiền đầu tư của khối ngoại sẽ tăng mạnh từ nay đến cuối năm và các năm tiếp theo khi các tổ chức tài chính thế giới nhìn nhận thị trường Việt Nam hiện hấp dẫn nhất khi vực Châu Á, Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao, ổn chính trị ổn định, kiềm chế tốt lạm phát và tham gia hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Hiện nay, Chính phủ đã có chương trình cải cách doanh nghiệp Nhà nước và cổ phần hóa rất quyết liệt, táo bạo. Hành động này cũng phù hợp với tiến trình xúc tiến đầu tư và mở room cho nhà đầu tư nước ngoài.

Trước đây, các nhà đầu tư nước ngoài không bao giờ nghĩ rằng chúng ta sẽ có những công ty của Nhà nước bán 100% vốn, cũng như Nhà nước sẽ giao quyền cho hội đồng quản trị của công ty đó quyết định mở room bán cho các doanh nghiệp nước ngoài là bao nhiêu. Đơn cử của việc nới room cho khối ngoại là việc các doanh nghiệp lớn trên sàn niêm yết như VNM, DMC, FPT …đều đã được cho nới tối đa room cho khối ngoại. Ngoài ra, một số đơn vị sẽ sớm được niêm yết cũng thu hút lượng tiền lớn như HABECO, SABECO…

Việc Chính phủ chỉ đạo điều tiết thị trường tiền tệ như lãi suất, tỷ giá hối đoái linh hoạt theo cơ chế thị trường cùng với việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được cho là những điểm sáng cho điều hành vĩ mô giai đoạn vừa qua và sẽ tiếp tục tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, mua bán nợ xấu để tạo cho thị trường tài chính minh bạch, phát triển bền vững và an toàn hệ thống.

Việt Nam cũng sắp đưa thị trường chứng khoán phái sinh đi vào hoạt động qua đó giảm thiểu được rủi ro cho thị trường và tạo ra nhiều lợi ích cho nhà đầu tư. Dự kiến thị trường phái sinh được đưa vào hoạt động vào 1/1/2017 tạo cho nhà đầu tư được quyền lựa chọn các sản phẩm tốt nhất để tránh được các rủi ro khi tham gia thị trường chứng khoán.

Hiện nền kinh tế Việt Nam được cho là an toàn và là một nền kinh tế khỏe, có triển vọng lớn cho tăng trưởng trung dài hạn. Do vậy, TTCK là hàn thử biểu đo sự “nóng lạnh” của nền kinh tế, tấm gương khổng lồ phản ánh các yếu tố kinh tế vĩ mô như tỷ giá, cán cân thanh toán quốc tế, thâm hụt thương mại… nên chỉ số chứng khoán luôn nhạy cảm trước các diễn biến về chính sách tiền tệ, tài khóa.

Để ổn định kinh tế và TTCK thì mục tiêu và chính sách quản lý nên có sự nhất quán, đặc biệt là giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, chính sách thay đổi liên tục giữa các thái cực sẽ khiến DN bị động và TTCK không ổn định. Thời gian tới, các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô sẽ ảnh hưởng lớn đến xu hướng TTCK.

Trên cơ sở phát triển nền kinh tế chủ động ứng phó với các diễn biến xấu của tình hình thế giới, người viết cho rằng Việt Nam luôn chủ động các yếu tố, diễn biến phức tạp và lường trước các diễn biến xấu như giá dầu giảm, Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, FED có thể tăng lãi suất, biến động của giá vàng thế giới .…hoặc chủ động tham gia đàm phán đối với các hiệp định thương mại như FTA, TPP…để nền kinh tế phát triển bền vững và đi theo đúng hướng, ngoài việc đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế GDP thì việc thu hút vốn đầu tư của nước ngoài, thu hút ngoại tệ đầu tư tạo bước đệm phát triển nền kinh tế cũng là nhiệm vụ quan trọng.

Ngoài ra, việc cổ phần hóa các DNNN đang được khẩn trương, tìm phương án tối ưu để tiến hành quá trình CPH về đúng đích cũng như việc thoái vốn của nhà nước đối với các đơn vị cổ phần cũng như các đơn vị niêm yết được thuận lợi nhất, đạt hiệu quả cao nhất.

Trên cơ sở các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế nói chung, chúng ta có thể thấy cơ hội phát triển cho TTCK từ nay đến cuối năm 2016 và các năm tiếp theo là rất lớn. Các yếu tố đó sẽ giúp cho thị trường chứng khoán đạt quy mô lớn hơn hiện tại rất nhiều, quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam sau 16 năm hoạt động và phát triển chỉ đạt khoảng 32% GDP nếu kể cả thị trường trái phiếu thì quy mô này đạt khoảng hơn 54% GDP, với quy mô hiện tại như vậy thì thực sự thấp. Do đó, theo chiến lược phát triển thị trường từ nay đến 2020 thì quy mô này phải đạt 70% GDP theo đúng mục tiêu Quốc hội đề ra.

Khó khăn và thách thức

Thị trường chứng khoán hiện tại đang đứng trước cơ hội tiếp tục tăng trưởng khi các chính sách như nới room cho nhà đầu tư ngoại đã được thông qua, hệ thống ngân hàng tiếp tục được tái cấu trúc, quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và quá trình thoái vốn nhà nước sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn từ nay đến cuối năm 2016. Tuy nhiên, việc nới room 100% cho khối ngoại đã được thông qua nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng được khối ngoại quan tâm và mua vào cũng như quá trình thoái vốn của nhà nước chưa có hướng dẫn cụ thể từ cụ thể từ cơ quan quản lý.

Thách thức tiếp theo là nền kinh tế của Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế có tính chất sâu hơn do vậy chúng ta cũng phải đạt được các tiêu chuẩn mà nước ngoài, các nước phát triển họ đưa ra. Rõ ràng, chúng ta có thị trường quy mô chưa đủ lớn, chưa đủ hấp dẫn mặc dù thị trường này có cơ hội tăng trưởng lớn và an toàn cho họ. Do vậy việc tăng các hàng hóa chất lượng cũng như tăng thanh khoản cho thị trường là việc mà các cơ quan quản lý cần phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa nhằm tăng quy mô thị trường nhằm thu hút các nguồn vốn từ nước ngoài.

Việc nới room cho khối ngoại cũng chỉ là một giải pháp để thu hút vốn nhưng nếu không có hàng hóa chất lượng, các doanh nghiệp quy mô lớn, sản phẩm không đủ hấp dẫn thì việc nới room cũng không đáp ứng triệt để nhu cầu của khối ngoại.

Mặc dù thị trường còn quá nhiều rủi ro và thách thức song về mặt trung dài hạn thị trường chứng khoán Việt Nam có cơ hội tăng trưởng vượt bậc khi sự điều hành chính sách vĩ mô của Chính phủ, của các đơn vị quản lý thị trường như UBCK, NHNN… cùng với các hoạt động ngày càng minh bạch của doanh nghiệp niêm yết sẽ ngày càng thu hút được lượng vốn lớn không chỉ trong nước mà còn là các đối tác lớn nước ngoài.

Ngoài ra, thị trường tài chính mà chủ yếu là việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, sáp nhập hệ thống ngân hàng yếu kém mà NHNN đưa ra sẽ tạo được bước phát triển bền vững và minh bạch. Cũng qua đó, dòng tiền lưu thông vào nền kinh tế hiệu quả hơn, tỷ lệ nợ xấu được đưa về mốc an toàn, nguồn tiền cho kênh đầu tư chứng khoán cũng như các biện pháp, giải pháp phát triển thị trường cho giai đoạn 2015-2020 nhằm tăng quy mô thị trường sẽ tạo động lực lớn cho sự phát triển của thị trường từ nay đến cuối năm 2016.

 

Phạm Tuyến

 

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc