Dù khối lượng giao dịch chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng hoạt động bán ròng của NĐTNN trong khoảng 2 tháng trở lại đã tạo nên tâm lý lo lắng cho NĐT nội. Tuy nhiên, để giải mã hiện tượng này không hề đơn giản.
Bán ròng kỷ lục
Theo thống kê, giao dịch của NĐTNN chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ 15-20%, nhưng không thể phủ nhận các giao dịch của khối ngoại luôn được thị trường quan tâm, có thể tạo ra những ảnh hưởng lớn đến triển vọng của thị trường. Giai đoạn từ đầu tháng 8 đến nay là thời điểm bán ròng mạnh tay nhất của khối ngoại kể từ đầu năm 2016. Thống kê cho thấy giá trị bán ròng tính riêng tại HOSE đạt hơn 5.000 tỷ đồng. Đặc biệt, kể từ đầu tháng 9 đến nay, khối ngoại đã có 15 phiên bán ròng liên tiếp trên sàn HOSE.
Giai đoạn từ đầu tháng 8 đến nay cũng là khoảng thời gian không tích cực của TTCK toàn cầu. Sự tương quan giữa các TTCK toàn cầu cũng là diễn biến có ảnh hưởng nhất định đến TTCK Việt Nam trong ngắn hạn gần 2 tháng qua. |
Lý giải về động thái bán ròng mạnh của khối ngoại trong thời gian này, giới phân tích có cùng nhận định, cho rằng sức ép từ đợt tái cơ cấu quý III của các quỹ ETF khiến NĐTNN đẩy mạnh bán ra. Trong đợt tái cơ cấu này, 2 quỹ ETF bán ròng tại 29/32 mã. Đặc biệt, dù được 2 quỹ ETF thêm vào rổ chỉ số, nhưng VNM (CTCP Sữa Việt Nam) vẫn bị bán ròng trước và sau ngày tái cơ cấu cuối cùng của các quỹ ETF.
Thực tế, áp lực bán ròng của NĐTNN chỉ suy giảm sau đợt tái cơ cấu của các quỹ ETF nhưng chưa có dấu hiệu kết thúc. Điều này cho thấy động thái bán ròng của khối ngoại không chỉ xuất phát từ các ETF, mà còn đến từ lo ngại về khả năng Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) nâng lãi suất trong kỳ họp diễn ra trong 2 ngày 20 và 21-9(*). Theo nhận định của CTCK Maybank KimEng (MBKE), những đánh giá gần nhất cho thấy xác suất cho khả năng FED quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp này vẫn ở mức thấp (dù có nhích tăng so với một số đánh giá ở tháng trước đó). Phần lớn hơn các dự báo cho rằng điều này có thể xảy ra trong kỳ họp cuối cùng của năm 2016, sau khi bầu cử Tổng thống tại Hoa Kỳ chính thức có kết quả. Trường hợp nếu không có bất ngờ xảy ra (FED giữ nguyên lãi suất trong kỳ họp tháng 9) sẽ là thông tin tốt trong ngắn hạn dành cho TTCK Việt Nam, ít nhất về mặt tâm lý. Dù vậy, ở một kịch bản ngược lại, điều này có thể tạo ra cú sốc không nhỏ và khiến thị trường lựa chọn các kịch bản tồi tệ hơn.
Vẫn còn hấp dẫn?
Theo MBKE, nếu xét về tương quan định giá của TTCK Việt Nam so với các quốc gia lân cận trong khu vực, vị trí của Việt Nam vẫn tạo ra điểm nhấn hấp dẫn nhất định, nhưng độ hấp dẫn có vẻ đã giảm hơn so với các lần xem xét trước đó. Cụ thể, trong nhóm ASEAN – 5 (không tính Singapore), TTCK tại nhóm này đang duy trì mức P/E dự phóng trung bình cho 2016 quanh ngưỡng 22x, còn thông số này dành cho TTCK Việt Nam khoảng gần 16x. Trong khi đó, tại lần thống kê trong tháng 7, con số này chỉ 14x và khoảng cách định giá vào lúc đó tạo ra sự hấp dẫn lớn hơn cho TTCK Việt Nam so với phần còn lại. Dù mức hấp dẫn có giảm, thực tế định giá dựa trên P/E dự phóng trung bình cho năm 2016 của Việt Nam vẫn tạo ra lợi thế.
Sẽ là khập khiễng nếu đánh đồng TTCK Việt Nam (vốn dĩ vẫn đang nằm ở nhóm thị trường cận biên) so với các TTCK lớn hơn (đa phần trong nhóm thị trường mới nổi). Dù vậy, ngay cả khi đưa vào mức chiết khấu khoảng 20%, mức P/E này vẫn còn tương dối hấp dẫn nếu kỳ vọng P/E của TTCK Việt Nam có thể tăng lên và xoay quanh mức 18x, tương đương với kỳ vọng tăng trưởng về mặt điểm số thêm khoảng 12,5%, tức VN Index đạt khoảng 730 điểm. Với một mức định giá PE vào loại trung bình thấp, đi kèm tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết ở mức cao trong khu vực, sẽ không quá đáng khi cho rằng Việt Nam vẫn còn là điểm sáng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Kỳ vọng tăng room ngoại tại doanh nghiệp dược?
Trước đây, ngành dược dường như không được thị trường kỳ vọng nhiều về chuyện nới room ngoại, do các ràng buộc về ngành nghề kinh doanh và điều khoản liên quan đến phân phối dược phẩm trong cam kết giữa Việt Nam với Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO). Tuy nhiên, sau sự kiện CTCP Xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC) thành công trong việc nâng giới hạn sở hữu của NĐTNN từ 49% lên 100%, đã tạo nên sức hút đặc biệt cho các doanh nghiệp dược trong nước. Hiệu quả rõ ràng nhất là tốc độ tăng giá CP trên TTCK. Theo thống kê, top 4 công ty sản xuất dược niêm yết lớn nhất (tính theo quy mô doanh số) từ đầu năm 2016 đến nay như CTCP Dược Hậu Giang (DHG) tăng 65%, CTCP Traphaco (TRA) tăng 79%, CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP) tăng 65%, còn DMC tăng đến 191%. Giá CP tăng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp bán CP quỹ để chốt lãi. Đơn cử, DHG vừa công bố đã bán hết toàn bộ 222.380 CP quỹ trong khoảng thời gian từ 18-8 đến 16-9 với giá bán bình quân 102.977 đồng/CP, thu về 22,9 tỷ đồng. Dù tăng giá mạnh so với đầu năm, nhưng theo thống kê P/E bình quân của ngành dược Việt Nam hiện nay chỉ đang ở mức 15x, so với mức 30x của khu vực.
Tuy vậy, nới room ngoại hiện tại chỉ có ý nghĩa tích cực về mặt cải thiện giao dịch cho NĐTNN, nhưng hầu như chưa có ảnh hưởng đáng kể nào đến các yếu tố cơ bản của ngành cũng như từng doanh nghiệp. Ngoại trừ những tiềm năng dài hạn hơn có thể đến từ các đối tác chiến lược mới, hoặc cổ đông lớn khi họ có thể gia tăng sở hữu đến tỷ lệ chi phối công ty, như trường hợp CFR International SPA (công ty con của Abbott) có ý định gia tăng tỷ lệ sở hữu tại DMC. Những lợi ích có thể thấy là việc hợp tác mở rộng danh mục sản phẩm cũng như thị trường tiêu thụ; nâng cao năng lực sản xuất và quản lý, cải tiến trình độ công nghệ, tiêu chuẩn chất lượng. Tuy nhiên, mặt trái của nới room ngoại lên 100% sẽ dẫn đến lo ngại các doanh nghiệp dược trong nước sẽ bị thâu tóm bởi các đối tác nước ngoài.
Tính đến hiện tại, cả 4 doanh nghệp dược hàng đầu trên vẫn thuộc danh sách đầu tư và nắm giữ dài hạn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm). Cả 2 tổng công ty này đều có kế hoạch nắm giữ dài hạn và tạm thời chưa có kế hoạch thoái vốn. Do vậy, còn quá sớm để cổ đông có thể kỳ vọng nâng tỷ lệ sở hữu của NĐTNN tại các công ty dược lên 100%.
(*) Khi bài viết này đến tay bạn đọc, cuộc họp của FED vẫn chưa kết thúc, nên chưa có kết quả cuối cùng về việc FED có nâng lãi suất hay không.
Kim Giang
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc