Theo báo cáo của BVSC, tình hình thời tiết bất lợi kéo dài đã làm cho diễn biến giá không khả quan như năm trước. Xu hướng này đã được phản ánh rõ nét vào kế hoạch kinh doanh của DN niêm yết hoạt động ở lĩnh vực xuất khẩu thủy sản trong năm 2016…
Mới đây, Hệ thống cảnh báo nhanh (RASFF) của Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm, Ủy ban châu Âu cho biết, từ tháng 1 đến tháng 9/2016, đã phát hiện 11 lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU bị cảnh báo dư lượng kim loại nặng vượt mức giới hạn tối đa cho phép.
Thông tin này cộng với những khó khăn hiện hữu về thiên tai từ đầu năm đến nay đã dường như “nhấn chìm” nhiều DN thuỷ sản trong nước. Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tình hình thời tiết bất lợi kéo dài đã làm cho diễn biến giá không khả quan như năm trước. Xu hướng này đã được phản ánh rõ nét vào kế hoạch kinh doanh của DN niêm yết hoạt động ở lĩnh vực xuất khẩu thủy sản trong năm 2016.
Ông Trần Thiện Hải, Tổng giám đốc CTCP Thủy sản Minh Hải cho biết, nguồn cung thủy sản ở các nước có thế mạnh xuất khẩu đang tăng, trong khi nhu cầu tiêu thụ của các thị trường lớn như EU và Mỹ lại giảm.
Cụ thể, mặt hàng tôm đang trong tình trạng dư cung, còn mặt hàng cá tra của Việt Nam bị sức ép cạnh tranh từ sản phẩm thay thế là các loại cá thịt trắng ở các nước khác. Nhiều DN Ấn Độ, Indonesia tham gia các kỳ hội chợ quốc tế đã chào giá giảm để sớm ký được hợp đồng, gây khó khăn cho các DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Đó cũng là lý do vì sao Minh Hải phải điều chỉnh tăng trưởng chậm lại trong kế hoạch kinh doanh của 2016.
Theo dự báo của CTCK BIDV, năm 2016, dù vẫn còn dư địa tăng trưởng, nhưng vì không còn lợi thế về giá xuất khẩu, cũng như không đảm bảo chỉ tiêu chất lượng sản phẩm, các DN thuỷ sản trong nước đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Với môi trường kinh doanh không mấy thuận lợi, giá trị cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán của một số DN cũng từ đó giảm theo.
Theo thông tin từ CTCP Vĩnh Hoàn (VHC), quý II vừa qua, công ty đạt doanh thu trên 2.100 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế tăng 134% so với cùng kỳ 2015 và tăng gấp đôi so với quý trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận sau thuế của VHC đạt 306 tỷ đồng, đạt gần 87% kế hoạch mà ĐHCĐ giao.
Với kết quả này, VHC tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu ngành cá tra, với việc đóng góp 16% với giá trị xuất khẩu cả nước (đạt gần 140 triệu USD) và dẫn đầu ngành thủy sản Việt Nam, tỷ lệ tính đến tháng 5/2016.
Tuy nhiên, giai đoạn này, giá trị cổ phiếu của VHC liên tục giảm điểm trên thị trường, nhất là từ sau khi River Holding đăng ký bán ra toàn bộ 7,86 triệu cổ phiếu VHC, tương ứng 8,62% số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành của Vĩnh Hoàn.
Trước đó, Red River Holding vừa mới hoàn tất bán ra 2 triệu cổ phiếu VHC trong khoảng thời gian từ ngày 8/9 đến 26/9. Hiện tại, mức giảm giá của VHC không nhiều, song giới phân tích đánh giá cổ phiếu này đi ngược với sóng tăng của các chỉ số nên NĐT cũng cần phải để ý.
Rõ ràng, dù có nhiều yếu tố hỗ trợ, song với những dữ liệu có được, giới phân tích khuyên NĐT còn nắm giữ cổ phiếu ngành thuỷ sản, ít nhất phải luôn theo dõi 2 yếu tố: thứ nhất, sản lượng thủy sản của Thái Lan trong năm sau ước sẽ tăng hơn năm trước; thứ hai, rào cản kỹ thuật đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng sau những lần bị “tuýt còi” gần đây…
Kim
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc