Chia sẻ:

24.000 tỷ đồng và phân bổ margin

Tính đến đầu quý IV năm nay, lượng cho vay margin của 15 CTCK hàng đầu đạt hơn 24.000 tỷ đồng, trong khi GTGD trung bình của toàn thị trường khoảng 3.000 tỷ đồng/phiên. Như vậy, dư nợ của thị trường gấp 7-8 lần 1 phiên giao dịch. Xung quanh điều này không ít chi tiết thú vị.

Đồng biến với thị trường

Margin và thị trường vẫn đang “đồng biến” với nhau, có thể lập luận thị trường tăng margin cũng tăng hoặc ngược lại. Trong thời gian tới, nếu lượng margin tiếp tục gia tăng, có thể kỳ vọng một xu hướng khả quan cho thị trường.

 

Xác định được lượng tiền margin không đơn giản, vì thực tế các con số chỉ được thấy vào thời điểm cuối quý, trong khi thị trường lại biến động hàng ngày. TTCK diễn biến thuận lợi phần lớn trong cả quý, nhưng đến cuối quý xuất hiện vài phiên bán tháo, buộc CTCK phải giải chấp thu hồi margin, khi đó con số cuối quý chưa phản ánh hết bức tranh margin của cả quý.

Điều này phát xuất từ việc thời gian qua một loạt CTCK đã tiến hành hoặc có ý định huy động vốn từ trái phiếu với lãi suất tương đối thấp, như SSI đã huy động 200 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 7%/năm. Ngoài ra, việc những ông lớn như Sabeco, Habeco lên sàn đã khiến nhu cầu hàng hóa lớn hơn, dòng tiền cũng gia tăng hơn, nên lượng margin cũng phải tăng theo là điều không tránh khỏi. Mặt khác, nếu doanh nghiệp (DN) vẫn hoạt động hiệu quả, chia cổ tức cao, việc sử dụng margin để mua CP cũng không có gì là bất thường. Chừng nào thị trường còn tốt, hàng hóa vẫn gia tăng, NĐT vẫn “có cái để mua”, thì chuyện margin nhiều hay ít không phải là vấn đề hệ trọng.

 

Tuy nhiên, điều quan trọng là sự phân bổ của margin trên thị trường đối với từng nhóm CP như thế nào. Đơn cử, một số NĐT cá nhân có xu hướng mua lượng lớn CP có nền tảng cơ bản tốt và giữ dài hạn, sau đó lại dùng những CP này làm tài sản đảm bảo để “lướt” những CP có “tính thị trường” hơn. Với cách thức này, áp lực giảm giá, thua lỗ hoặc giải chấp có thể được hạn chế phần nào. Điều này sẽ bớt đi rủi ro so với việc dồn tất cả vốn tự có lẫn margin vào CP đầu cơ. Nhìn rộng hơn, nếu dòng vốn margin của toàn thị trường được phân bổ một cách hợp lý vào các nhóm CP ngắn hoặc dài hạn, những áp lực giải chấp, bán tháo, những phiên giảm mạnh cũng sẽ được hạn chế. Kỳ vọng là vậy, nhưng để có sự cân đối trong việc phân bổ margin không đơn giản.

Giai đoạn 2009-2010, margin chưa được luật hóa đã dẫn đến việc các CTCK cho vay vô tội vạ, một số CTCK thua lỗ, thậm chí mất thanh khoản. Cách đây 2 năm, đã có thời điểm NĐT kháo nhau về việc một số CTCK hết tiền cho vay margin vì đã dồn hết vào một số CP nóng. Đây là 2 trong số những câu chuyện phổ biến liên quan đến sự mất cân đối trong hoạt động margin.

Rủi ro mất cân đối

Song phải thừa nhận có một thực tế là việc mất cân đối vẫn xảy ra và không phải CTCK nào cũng có thể chủ động. Thí dụ, CTCK này có chính sách hấp dẫn cho khách hàng trong việc một CP “hot”, trong đó có margin, nhờ vậy có thể thu hút thêm được nhiều khách hàng. CTCK khác cũng phải tính đến những biện pháp tương tự để kéo khách về cho mình. Do vậy tìm được CTCK nào đứng ngoài trào lưu này cũng không đơn giản. Và khi CTCK dồn tiền vào cho vay margin một nhóm CP, có thể sẽ hết tiền để cho vay những CP còn lại, dù hiện nay các quy định của cơ quan quản lý về số tiền cho vay cụ thể CP nào, tỷ lệ bao nhiêu rất rõ ràng.

Một CP cho dù có giá trị đến đâu, nhưng nếu tích tụ margin quá nhiều, đến khi không thể tăng sẽ giảm mạnh, tạo ra áp lực bán tháo. Thông thường, một hay vài CP đầu cơ bị giảm, cộng với những thông tin “phong thanh” kiểu như áp lực giải chấp sẽ rất dễ tạo ra tâm lý hoang mang trong ngắn hạn cho NĐT. Nghĩa là một người sử dụng margin mua CP tốt, khi CP chưa tăng giá cũng sẽ có xu hướng bán ra thu tiền về nếu không vững tâm lý trước những tin đồn. Giả sử có nhiều người như vậy, làn sóng bán tháo, giải chấp có thể xuất hiện vài phiên. Áp lực giải chấp, bán tháo có thể đến từ áp lực thật của thị trường, chẳng hạn giá quá cao, cần phải điều chỉnh; nhưng cũng có khi đến từ tâm lý lo ngại do margin đã tích tụ quá nhiều ở nhóm CP đầu cơ.

Ngoài câu chuyện CP đầu cơ và nhu cầu lướt sóng của NĐT, chính sách margin của một số CTCK cũng góp phần tạo ra sự mất cân đối về cơ cấu margin. Đơn cử tỷ lệ cho vay margin tối đa hiện nay là 50%, tuy nhiên vẫn có một số CP “đặc biệt” theo tính toán của từng CTCK, chẳng hạn thanh khoản lớn, nhiều sức hút… tỷ lệ cho vay có thể tăng thành 60-70%. Tất nhiên, đòn bẩy lớn cũng kèm thêm nhiều điều kiện, chẳng hạn chỉ được vay đến T+3, nghĩa là hàng về phải bán ngay, hay có thể vay với tỷ lệ lớn khi hàng đã có sẵn, vay buổi sáng buổi chiều phải bán để cân đối lại cơ cấu tài sản. Thoạt nhìn, những động thái này có vẻ khá an toàn trong phạm vi của một CTCK, tuy nhiên khi có nhiều CTCK, hoặc chỉ cần một vài CTCK nhưng tần suất diễn ra liên tục và nhiều NĐT, câu chuyện có thể rẽ sang hướng khác. Hệ quả có thể CP sẽ nóng hơn, đi kèm với rủi ro cao hơn. CTCK khi thấy có biến cố xảy ra sẽ lập tức chuyển từ trạng thái “mở” sang “siết” margin, lúc này có thể khiến NĐT phải bán tháo để thu lại vốn, trả nợ margin cho CTCK.

Chính sách mở và siết với margin theo diễn biến thị trường thoạt nhìn có vẻ an toàn. Nhưng việc đoán định thị trường chưa bao giờ là đơn giản, đôi khi có những rủi ro không thể dự báo, chẳng hạn có những CP, CTCK đã mở margin quá mức nhưng chưa kịp siết đã đảo chiều giảm mạnh và phải “mướt mồ hôi” để thu hồi vốn.


MINH TRANG

 

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc