Chia sẻ:

Sau “chấn thương”, hai trụ cột của thị trường sẽ trở lại trong năm 2017?

Năm 2016 chứng kiến vị thế của 2 nhóm ngành được xem là trụ cột của thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn trước ngày càng mờ nhạt. Liệu rằng, năm 2017 sẽ có sự trỗi dậy của 2 nhóm ngành này?

 Trong năm 2016, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những tín hiệu tăng trưởng tích cực nhất trong nhiều năm trở lại đây. Chỉ số VN Index lần đầu tiên tăng vượt ngưỡng đỉnh 8 năm và duy trì ở mức trên 660 điểm trong những phiên giao dịch cuối năm 2016. Kết thúc năm 2016, chỉ số VN Index tăng khoảng 14%.

Dù vậy, năm 2016 tiếp tục chứng kiến vị thế của 2 nhóm ngành được xem là trụ cột của thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn trước ngày càng mờ nhạt.

Riêng nhóm ngân hàng đóng góp khoảng 320.000 tỷ đồng, gần 25% tổng vốn hóa VN Index. Trong khi nhóm dầu khí, chỉ riêng cổ phiếu GAS góp đến 115.000 tỷ đồng, chưa kể PVS, PVD…Tuy nhiên, hầu hết những cổ phiếu của 2 nhóm này đều ghi nhận sự sụt giảm so với năm trước đó.

Nợ xấu “đè” cổ phiếu ngân hàng

Về nhóm cổ phiếu ngân hàng, đầu tiên phải kể đến cổ phiếu BID của Ngân hàng BIDV, ngân hàng niêm yết tổng tài sản gần chạm ngưỡng 1 triệu tỷ đồng, lớn nhất trong các ngân hàng niêm yết đã không có sự vận động tích cực trong năm 2016.

Mở cửa phiên giao dịch đầu tiên của năm 2016 với mức giá 19.800 đồng/cổ phiếu. Tính đến nay, cổ phiếu BID chỉ còn 14.500 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức mất giá 27% trong năm. Dù BID 1 lần trả cổ tức cho cổ đông trong năm nay với mức 850 đồng/cổ phiếu, nhưng vẫn quá ít ỏi để bù đắp lại mức giảm giá của cổ phiếu này.

Không khá hơn BID bao nhiêu là CTG của Vietinbank. Diễn biến giá cổ phiếu của ngân hàng xếp thứ 2 về tổng tài sản này cũng không mấy sán lạn. Cổ phiếu CTG đã giảm từ mức giá gần 19.000 đồng/cổ phiếu cuối năm 2015 xuống còn 15.100 đồng/cổ phiếu trong năm nay.

Trong năm 2016, cổ đông CTG đã được nhận 1.000 đồng/cổ tức cho mỗi cổ phiếu, dù vậy, nếu trừ cổ tức nhận được, CTG vẫn giảm giá khoảng 13% so với năm trước.

 


 Sáng nhất trong số 3 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước là cổ phiếu VCB của ngân hàng Vietcombank. Dù chỉ đứng thứ 3 về quy mô tổng tài sản nhưng VCB mới là ngân hàng được thị trường đánh giá cao nhất với vốn hóa thị trường 128 nghìn tỷ đồng.

Nhưng dù là ngân hàng có các chỉ số hiệu quả và các an toàn vốn bậc nhất thị trường hiện nay, nhưng VCB chỉ có mức tăng giá khoảng 10% so với thời điểm cùng kỳ năm 2015. Hiện VCB đang được giao dịch tại mức giá 35.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó, VCB đã có giai đoạn tăng mạnh trên 30% vào cuối tháng 8/2016.

Về khối ngân hàng thương mại cổ phần, cặp đôi EIB và STB có mức sụt giảm tồi tệ nhất trong năm 2016. Dù có sự phục hồi trong trong khoảng thời ngắn gần đây với khối lượng tăng đột biến và những đồn đoán về việc ngân hàng này sẽ đổi chủ nhưng cổ phiếu STB vẫn có mức sụt giá 28% so với hồi đầu năm.

Với Eximbank,trong giai đoạn đầu năm 2016, cổ phiếu EIB đã bất ngờ tăng vọt lên gần 17%, nguyên nhân được cho là do sự tranh dành quyền lực. Tuy nhiên, cổ phiếu này nhanh chóng quay đầu giảm giá mạnh sau khi không thể tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016. Tính cả năm, cổ phiếu EIB giảm 14% so với hồi đầu năm.

Cổ phiếu SHB trên sàn cũng giảm giá 25% khi giảm từ vùng giá 6.000 đồng/cổ phiếu xuống mức giá 4.500 đồng.cổ phiếu ở thời điểm hiện tại.

Ngoài ra, 2 cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân Đội và ACB của ngân hàng Á Châu không có sự biến động quá mạnh về giá so với hồi đầu năm.

Cổ phiếu dầu khí “thấm đòn” với giá dầu thế giới

Không khá hơn nhóm ngân hàng bao nhiêu là nhóm cổ phiếu dầu khí. Ngoại trừ GAS, sau đợt giảm giá mạnh từ cuối năm 2014, cổ phiếu này đã có sự hồi phục với mức tăng gấp đôi so với thời điểm đầu năm 2016. Các cổ phiếu còn lại trong ngành đều sụt giảm giá trị.

Cổ phiếu của PVD của Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí tiếp tục mất 15% giá trị trong năm nay, tiến về vùng giá thấp nhất từ trước đến nay. Dù trước đó, PVD đã phải trải qua đợt giảm khủng khiếp nhất trong lịch sử kể từ quý III/2014.

Cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam trên sàn Hà Nội (HNX) cũng không mấy khá hơn. Dù có nền tảng tài chính mạnh khi nắm hơn 7.000 tỷ đồng tiền mặt nhưng cổ phiếu PVS cũng chỉ phục hồi được 5% trong năm 2016.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu còn lại như PVC của Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí giảm giá 43%, PVB của Công ty cổ phần Bọc ống Dầu khí Việt Nam sụt giá tới gần 60%…

 


 Hồi phục trong năm 2017?

Đầu năm 2016, khi đưa ra kế hoạch kinh doanh cho năm 2016, với kịch bản giá dầu khoảng 60 USD/thùng thì nhìn chung, các doanh nghiệp ngành dầu khí vẫn “sống khỏe”.

Tuy nhiên, do giá dầu thế giới giảm sâu đầu năm và duy trì mức bình quân chỉ xoay quanh 40 USD/thùng trong năm 2016 đã ảnh hưởng lớn đến nguồn công việc của các đại gia dầu khí trong nước, kéo theo sự suy giảm lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp trong ngành.

Theo đó, giá cổ phiếu nhóm này giảm sâu trong năm 2016 được nhiều nhà phân tích đánh giá là một sự phản ánh hợp lý trong bối cảnh giá dầu thấp.

Sự phục hồi của giá dầu trong tháng cuối năm 2016 đang mang đến tia hy vọng cho nhóm ngày này. Giá dầu đã có sự phục hồi và duy trì ổn định trên 50 USD/thùng trong tháng 12/2016 và chốt ở mức xấp xỉ 54USD/thùng vào phiên giao dịch cuối cùng của năm. Dù vậy, giá cổ phiếu nhóm dầu khí vẫn chưa có sự phản ứng tích cực đối với sự chuyển biến của giá dầu.

Nguyên nhân theo hầu hết các báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán là hoạt động của các doanh nghiệp liên quan đến khai thác dầu khí cần có độ trễ về thời gian để xác nhận ổn định của giá dầu và sự hoạt động trở lại của các đơn vị khai thác. Do vậy, nếu giá dầu vẫn duy trì được sự ổn định từ mức giá hiện tại và tiến về mức giá bình quân 60 – 70 USD/thùng trong năm nay như nhiều chuyên gia quốc tế và trong nước dự báo thì cơ hội cho sự phục hồi của nhóm cổ phiếu dầu khí là rất lớn.

Cơ hội cho ngân hàng “khỏe mạnh”

Đối với ngành ngân hàng, quá trình tăng giảm giá của các cổ phiếu ngân hàng trong năm nay hầu như vẫn chưa phản ánh đúng bản chất và tình hình hoạt động của các ngân hàng. Các chuyên gia đánh giá rằng nguyên nhân khách quan tác động đến nhóm ngành này là quá trình tái cơ cấu hoạt động ngân hàng cần có thời gian, nợ xấu cần thời gian để xử lý chưa triệt để.

Mới đây, theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UBGSTC ) đánh giá, nợ xấu chờ xử lý (nợ bán cho VAMC) và nợ xấu tiềm ẩn trong tái cơ cấu vẫn lớn. Tổng số nợ bán cho VAMC chưa xử lý được là 224 nghìn tỷ đồng (chiếm 85% nợ xấu bán cho VAMC, và chiếm khoảng 4,3% tổng tín dụng).

Ngoài ra, cũng theo UBGSTC, số dự phòng rủi ro cụ thể tăng 24,9%, cao hơn so với cùng kỳ 2015 (11,9%) và lãi dự thu gia tăng trong những năm gần đây cho thấy, nhiều ngân hàng đang phải ra sức khắc phục hậu quả của quá trình tăng tín dụng nóng những năm trước, kể cả ngân hàng niêm yết. Điều này dẫn đến rất nhiều ngân hàng khó có thể tăng trưởng đúng thực chất trong năm 2017.

Dù vậy, đối với một số ngân hàng nhóm “mạnh” lại có cơ hội trong năm 2017. Chẳng hạn như VCB, sau giai đoạn tập trung xử lý nợ xấu, ngân hàng này đã không còn dự phòng cho trái phiếu đặc biệt VAMC.

Quyết định số 2509/QĐ-NHNN vừa mới công bố về việc cho phép nhóm ngân hàng BID, CTG và VCB được nâng tỷ lệ cho vay/huy động từ 80% lên 90% là một động lực lớn giúp nhóm này tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận trong năm 2016. Đối với VCB, với tỷ lệ cho vay/huy động chỉ mới đạt con số 78,3% sau 9 tháng 2016, dư địa tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này cao hơn các ngân hàng còn lại.

Một vấn đề cũ vẫn đáng được quan tâm trong năm 2017 là nới room cho ngành ngân hàng. Mặc dù trước mắt, vẫn còn nhiều quan điểm e ngại về vấn đề này. Dù vậy, những động thái gần đây của Chính phủ về việc mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài cho thấy, có vẽ như con đường đến ngày ngân hàng được “nới room” đang ngày càng gần hơn.

 

Huy Nguyên

 

Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc .