Chia sẻ:

Vốn hóa TTCK đạt kỷ lục 2.260.000 tỷ đồng

Sáng nay 9-3, tại cuộc họp báo chuyên đề về TTCK, ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN cho biết đến thời điểm hiện nay, mức vốn hóa thị trường đạt 2.260.000 tỷ đồng, tương đương 50,3% GDP, tăng 16% so với cuối năm 2016 và là mức cao nhất kể từ khi thành lập TTCK.

Tính đến 6-3, chỉ số VN Index đóng cửa ở mức 716,29 điểm – cao nhất trong 10 năm qua, tăng 7,7% so với cuối năm 2016. Chỉ số HNX Index đóng cửa ở mức 86,55 điểm, tăng 8% so với cuối năm 2016.

Về niêm yết, tính đến cuối tháng 2, thị trường có 708 CP và chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sàn cùng 485 CP đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM, với tổng giá trị niêm yết đạt gần 778.000 tỷ đồng, tăng 7% so với cuối năm 2016. Thanh khoản thị trường được cải thiện với giao dịch bình quân phiên đạt 7.365 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2016 và tăng 6,6% so với bình quân năm 2016. Trong đó giao dịch trái phiếu chính phủ tăng 7%, giao dịch CP tăng 6% so với bình quân năm trước.

Trong 2 tháng đầu năm, huy động vốn trên TTCK đạt 40.700 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2016 nhưng giá trị huy động vốn tháng 2 đã tăng 79% so với tháng 1.

Theo ông Bằng, càng về cuối năm 2016, những kỳ vọng về việc Hoa Kỳ tăng lãi suất cũng như sự tăng giá của đồng USD đã khiến các quỹ đầu tư trên toàn cầu bắt đầu dịch chuyển vốn khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, NĐT nước ngoài đã liên tục mua ròng trên cả thị trường CP và trái phiếu. Cụ thể, khối ngoại đã mua ròng 1.545 tỷ đồng CP, chứng chỉ quỹ và 5.960 tỷ đồng trái phiếu.

Trong tháng đầu năm 2017, vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục vào ròng với giá trị danh mục đạt trên 18,4 tỷ USD – cao nhất từ trước đến nay. Nếu tính cả tiền sẵn sàng trên tài khoản gián tiếp xấp xỉ 20 tỷ USD.

 

Ngọc Quang

 

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc