Chia sẻ:

KQKD quý I các CTCK khả quan, thị phần của SSI có thể tăng lên 14%

HSC ước tính thị phần của SSI tăng từ 13,96% trong quý I/2016 lên 14% còn thị phần của HSC giảm từ 13,67% xuống còn 11,4%. HSC thấy thị phần của HSC giảm do năm nay không còn một số giao dịch lớn như trong cùng kỳ năm ngoái.

Bản tin chứng khoán của HSC hôm thứ hai, 21/3 đã có những phân tích cụ thể về triển vọng KQKD quý I/2017 của các công ty chứng khoán.

Theo đó, triển vọng KQKD quý I của các công ty chứng khoán có vẻ khả quan nhờ giá trị giao dịch (GTGD) tăng và thị phần của các công ty chứng khoán top đầu tiếp tục được cải thiện. Điều này có được là nhờ có 3 xu hướng gồm GTGD bình quân ngày tăng; dư nợ cho vay margin tăng và thị phần của các công ty chứng khoán top đầu tăng, nên HSC cho rằng triển vọng KQKD quý I của 3 công ty chứng khoán top đầu sẽ khả quan hơn so với cùng kỳ.

Cụ thể, trong quý I, GTGD bình quân ngày toàn thị trường tăng 25% so với cùng kỳ lên 3.346 tỷ đồng nhờ các nhà đầu tư trong nước giao dịch sôi động hơn. Khối ngoại cũng đã trở lại thị trường và mua ròng khoảng với giá trị 1.189,7 tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm. GTGD tăng mạnh hơn kỳ vọng (HSC đã giả định GTGD bình quân ngày tăng 10%).

Dư nợ cho vay margin tăng đáng kể trong đó nguồn vốn vay nợ đóng góp vai trò chính giúp KQKD của các CTCK trở nên khả quan. Dựa trên dư nợ cho vay margin có thể quan sát được, HSC ước tính dư nợ cho vay margin bình quân bình quân từ đầu năm vào khoảng 2.714 tỷ đồng (tăng 17%). Nếu lấy mức tăng này làm đại diện cho toàn thị trường, thì tổng dư nợ cho vay margin bình quân toàn thị trường ước tính khoảng 27.140 tỷ đồng (HSC ước tính dư nợ cho vay margin quan sát được kể trên chiếm thị phần 10% toàn thị trường).

Một lý do giải thích cho việc dư nợ cho vay margin tăng mạnh là do thanh khoản trong hệ thống dồi dào với một số công ty chứng khoán đã phát hành thành công trái phiếu doanh nghiệp trong năm ngoái. Bên cạnh đó các ngân hàng cũng rộng rãi hơn trong việc cho vay với mục đích để cho vay margin vì lãi suất cao trong khi rủi ro được coi là ở mức vừa phải. Trên thực tế trong những năm gần đây nguồn vốn huy động của các công ty chứng khoán đã tăng đáng kể dẫn đến dư nợ cho vay margin tăng mạnh kể từ năm 2015. Và điều này cũng xảy ra cùng lúc với sự tăng lên đáng kể của vốn hóa thị trường do nhiều công ty mới với quy mô lớn được niêm yết.

HSC cho biết 2 công ty chứng khoán top đầu đã giành thêm được thị phần kể từ đầu năm. Mặc dù chưa có số liệu chính thức về thị phần môi giới cho tháng 2 được công bố, HSC tiết lộ cả SSI và HSC nhiều khả năng đã gia tăng được thị phần so với quý I năm ngoái. HSC ước tính thị phần của SSI tăng từ 13,96% trong quý I/2016 lên 14% còn thị phần của HSC giảm từ 13,67% xuống còn 11,4%. HSC thấy thị phần của HSC giảm do năm nay không còn một số giao dịch lớn như trong cùng kỳ năm ngoái. Điều này củng cố thêm giả thuyết của chúng tôi là 2-3 công ty chứng khoán top đầu sẽ hưởng lợi chính từ quá trình tái cơ cấu ngành.

Bên cạnh đó, các sản phẩm mới như phái sinh và chứng quyền bảo đảm sẽ giúp cho công ty có thêm các nguồn thu nhập mới cũng như các loại chi phí mới. Việc giới thiệu sản phẩm phái sinh chỉ số VN30 và chứng quyền bảo đảm cho các loại cổ phiếu như chúng tôi đã nhận định trước khi kết thúc quý III sẽ giúp đẩy mạnh doanh thu trong năm nay. Tuy nhiên các loại chi phí mới cho việc giao dịch phái sinh cũng như chính quyền đảm bảo sẽ cần một lượng lớn đầu tư vào công nghệ thông tin cũng như nhân sự dẫn tới việc sẽ không có nguồn lợi nhuận nào lớn trong 12 tháng đầu này. Tuy vậy, chúng tôi cho rằng các chi phí này sẽ được bù đấp trong một thời gian hợp lí (chúng tôi giả định điểm hòa vốn sẽ đạt được sau 18 tháng) với dự báo tiềm năng của các sản phẩm mới này khi thị trường đã quen với chúng.

 

Bình An

 

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.