Trong phiên chiều, thị trường chứng kiến những giao dịch thỏa thuận với khối lượng rất lớn đến từ các cổ phiếu như VIC, EIB… Trong đó, VIC có giao dịch thỏa thuận lên đến 17,2 triệu cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị giao dịch là trên 705,7 tỷ đồng. Tương tự, EIB cũng giao dịch thỏa thuận được trên 53,6 triệu cổ phiếu và đều ở mức giá trần, trị giá 686,4 tỷ đồng. Khép phiên giao dịch, VIC tăng 300 đồng lên 41.300 đồng/CP, còn EIB giảm 200 đồng xuống 11.800 đồng/CP. Như vậy, chỉ riêng giao dịch của hai cổ phiếu VIC và EIB đã đạt được trên 1.392 tỷ đồng, trong tổng giá trị giao dịch thỏa thuận toàn thị trường là hơn 2.100 tỷ đồng.
Việc giao dịch thỏa thuận đột biến đã giúp thanh khoản thị trường tăng mạnh lên mức cao với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 337 triệu cổ phiếu, trị giá gần 6.000 tỷ đồng.
Về mặt điểm số của hai sàn, nhiều cổ phiếu trụ cột trên thị trường đã đồng loạt giảm giá và điều này khiến cả hai chỉ số kết thúc phiên giao dịch trong sắc đỏ. Nhóm cổ phiếu ngân hàng phiên hôm nay giao dịch có phần tiêu cực, các mã như BID, CTG, MBB, VCB… đều đã giảm giá. STB là cổ phiếu ngân hàng hiếm hoi còn duy trì được sắc xanh. Khép phiên giao dịch, STB tăng 350 đồng lên 13.800 đồng/CP và khớp lệnh hơn 3,6 triệu cổ phiếu.
ROS chính là ‘tội đồ’ của thị trường, cổ phiếu này đã giảm kịch sàn xuyên suốt phiên xuống 113.300 đồng/CP và chỉ khớp lệnh vỏn vẹn gần 100.000 cổ phiếu – điều khá hiếm thấy ở cổ phiếu này.
Tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cặp đôi HAG và HNG lại bị bán mạnh. HAG giảm 350 đồng xuống 8.220 đồng/CP còn HNG giảm sàn xuống 9.490 đồng/CP.
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 3,33 điểm (-0,44%) xuống 750,13 điểm. Toàn sàn có 105 mã tăng, 140 mã giảm và 58 mã đứng giá.
Chỉ số HNX-Index giảm 0,21 điểm (-0,22%) xuống 97,25 điểm. Toàn sàn có 98 mã tăng, 83 mã giảm và 171 mã đứng giá.
Thị trường về cuối phiên sáng diễn ra có phần khởi sắc hơn trước, nhiều cổ phiếu lớn trên thị trường như FPT, STB, SSI, KDC, VJC, NTP, DBC… đã đồng loạt tăng giá và điều này tạo lực đỡ giúp kìm hãm lại đà giảm của chỉ số VN-Index trong khi giúp chỉ số HNX-Index bật tăng trở lại. Khép phiên sáng, VJC tăng 500 đồng lên 128.000 đồng/CP. Mới đây, HĐQT của VJC đã thông qua việc tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2017, tỷ lệ 20% bằng tiền. Ngày chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức dự kiến trong tháng 7/2017.
Mặc dù vậy, chỉ số VN-Index phiên sáng nay không thể bật tăng trở lại do còn quá nhiều cổ phiếu trụ cột khác giảm giá. Đáng chú ý nhất phải kể đến ROS, cổ phiếu này đã giảm kịch sàn ngay từ đầu phiên giao dịch xuống 113.300 đồng/CP và khớp lệnh chỉ vỏn vẹn hơn 94.000 cổ phiếu, trong khi còn dư bán giá sàn hơn 2,3 triệu cổ phiếu. Bên cạnh đó, các cổ phiếu như CTG, VNM, VCB, SAB… vẫn tiếp tục giảm giá.
Tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các cổ phiếu như AMD, KSA, FLC, HQC… vẫn là những cái tên có khối lượng khớp lệnh mạnh nhất thị trường. Trong đó, AMD giảm sàn xuống 21.850 đồng/CP và khớp lệnh gần 7,5 triệu cổ phiếu. Diễn biến giá cổ phiếu trong một 2 phiên gần đây là khá khó chịu, cổ phiếu này tăng trần giảm sàn chỉ trong chớp mắt.
Giao dịch trên thị trường phiên sáng nay diễn ra có phần ảm đạm hơn phiên trước, tổng gí trị giao dịch đạt khoảng 2.400 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ chiếm hơn 130 tỷ đồng.
Tạm dừng phiên sáng, chỉ số VN-Index giảm 2 điểm (-0,27%) xuống 751,46 điểm. Toàn sàn có 96 mã tăng, 124 mã giảm và 90 mã đứng giá.
Chỉ số HNX-Index tăng 0,12 điểm (0,12%) lên 97,59 điểm. Toàn sàn có 78 mã tăng, 74 mã giảm và 214 mã đứng giá.
Trước khi bước vào phiên giao dịch mới, thị trường đã đón nhận tin không vui liên quan đến tình hình giá dầu thế giới. Cụ thể, Giá dầu giảm gần 5% vào hôm thứ 4 sau khi báo cáo của chính phủ Mỹ cho thấy trữ lượng dầu thô tăng mạnh dấy lên mối quan ngại rằng nỗ lực của các quốc gia trong và ngoài OPEC vẫn chưa đủ để khắc phục tình trạng thừa dầu trên thị trường. Giá dầu Brent giảm 1,85 USD, tương đương 3,7% xuống còn 48,27 USD/thùng. Giá dầu thô Mỹ giảm tới 5,1% xuống còn 45,72 USD/thùng.
Các cổ phiếu dầu khí trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã phản ứng tiêu cực trước thông tin này. Hiện giờ, GAS giảm 900 đồng xuống 54.600 đồng/CP. PVD giảm 500 đồng xuống 14.700 đồng/CP.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng sau một vài phiên tăng trưởng tích cực cũng đã đảo chiều giảm trở lại nhưu BID, CTG, MBB, STB, ACB… chính điều này đã đẩy cả hai chỉ số lùi xuống dưới mốc tham chiếu.
Ngoài ra, một số cổ phiếu trụ cột khác cũng đang giảm giá rất mạnh. ROS bất ngờ bị kéo xuống mức giá sàn ngay từ đầu phiên giao dịch và dư bán giá sàn hơn 1,65 triệu cổ phiếu.
Tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, AMD đang bị bán mạnh sau khi có ít phút chạm giá trần. Hiện giờ, AMD giảm 1.450 đồng xuống 22.000 đồng/CP. Trước đó, AMD đã có 8 phiên tăng trần liên tiếp.
Sau khoảng 30 phút giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 4,25 điểm (-0,57%) xuống 749,21 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 20 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 332 tỷ đồng.
Chỉ số HNX-Index giảm 0,26 điểm (-0,27%) xuống 97,2 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 14,8 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 109 tỷ đồng.
SSI Retail Research cho rằng áp lực điều chỉnh của hai chỉ số vẫn còn khá lớn và khả năng cao nhịp điều chỉnh sẽ xảy ra trong vài phiên tới. Điểm tiêu cực SSI Retail Research nhận thấy là dòng tiền chưa có dấu hiệu tăng trở lại và tâm lý nhà đầu tư vẫn còn ở mức rất yếu cho thấy rủi ro ngắn hạn vẫn còn rất lớn.
Hệ thống chỉ báo xu hướng của SSI Retail Research vẫn duy trì mức TĂNG xu hướng ngắn hạn trên hai chỉ số và giữ mức cắt lỗ của chỉ số VN-Index ở mức 736.26 điểm và nâng mức cắt lỗ của chỉ số HNX-Index lên mức 93.25 điểm. Do đó, SSI Retail Research khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn không nên mua đuổi hoặc hạn chế mua mới và nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng hoặc có thể xem xét chốt lời đưa tỷ trọng cổ phiếu về mức 40% danh mục.
Bình An
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.