Thị trường về cuối phiên giao dịch diễn ra có phần không được tich cực. Khá nhiều cổ phiếu trụ cột đã đảo chiều giảm trở lại trở và điều này làm tăng đáng kể áp lực lên hai chỉ số mà đặc biệt là tại sàn HOSE. Phiên hôm nay, các mã như BID, BVH, CTG, GAS, VJC, LAS, NTP… đều đồng loạt giảm giá. Trong đó, ROS vẫn là ‘tội đồ’ đối với chỉ số VN-Index. Khép phiên giao dịch, ROS giảm sàn xuống 105.400 đồng/CP và khớp lệnh được trên 2,6 triệu cổ phiếu.
Việc ROS tiếp tục giảm sàn chính là nguyên nhân chủ chốt đẩy chỉ số VN-Index giảm điểm bất chấp lực đẩy đến từ nhiều cổ phiếu trụ cột khác. Trong đó, các cổ phiếu như PLX, VIC, VCB, FPT, EIB, ACB, DBC… vẫn duy trì được sự tích cực đáng kể. DBC chốt phiên tăng 2.200 đồng lên 31.200 đồng/CP. STB tăng 700 đồng lên 16.100 đồng/CP và khớp lệnh hơn 8,2 triệu cổ phiếu. VCB tăng 500 đồng lên 38.400 đồng/CP và khớp lệnh hơn 1,9 triệu cổ phiếu.
Tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, AMD có phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp, với khối lượng khớp lệnh gần 2,8 triệu cổ phiếu. Không như các phiên trước, AMD phiên hôm nay không có thời điểm nào chạm được vào mức giá trần, mức giá cao nhất chỉ là 22.250 đồng/CP. Trong khi đó, TNI cũng giảm mạnh 590 đồng xuống 8.550 đồng/CP.
Giao dịch trên thị trường không còn quá sôi động như phiên trước. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 239 triệu cổ phiếu, trị giá trên 4.400 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 500 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-index giảm 0,41 điểm (-0,05%) xuống 749,72 điểm. Toàn sàn có 112 mã tăng, 125 mã giảm và 68 mã đứng giá.
Trong khi đó, chỉ số HNX-Index tăng 0,11 điểm (0,11%) lên 97,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 60,6 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 629 tỷ đồng.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 1,42 điểm (0,19%) lên 751,55 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 104,5 triệu cổ phiếu, trị giá gần 2.200 tỷ đồng. HNX-Index tăng 0,64 điểm (0,66%) lên 97,9 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 36,35 triệu cổ phiếu, trị giá trên 381 tỷ đồng. Hai sàn giao dịch trong sắc xanh ở phần lớn phiên sáng.
Nhóm cổ phiếu ngành tài chính tiếp tục là động lực chính thúc đẩy đà tăng của thị trường. EIB sau phiên giao dịch thỏa thuận khối lượng khủng ngày hôm qua với 4,29% vốn được sang tay đã tiếp tục gây ấn tượng, có thời điểm tăng kịch trần trong phiên sáng. Phần lớn các cổ phiếu ngân hàng, trừ VIB, đều tăng điểm trong sáng nay. Cổ phiếu chứng khoán cũng tăng mạnh. SSI tăng 400 đồng lên 26.450 đồng/cp.
Cổ phiếu ROS tiếp tục giảm kịch sàn tuy nhiên thanh khoản được cải thiện đáng kể với 2,62 triệu cổ phiếu được sang tay. Hiện khối lượng dư bán sàn giảm còn 105 nghìn cổ phiếu.
STB hiện đang đứng đầu về thanh khoản trên hai sàn với gần 6 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Tính đến cuối giờ sáng cổ phiếu của Sacombank tăng 3,26% lên 14.250 đồng/cp. Hiện có nhiều thông tin xung quanh nhân sự HĐQT mới của Sacombank. Hai ứng cử viên bầu vào HĐQT ngân hàng này mới đây đã xin rút. Sacombank sẽ phải tìm kiếm 2 ứng viên khác và trình NHNN thông qua. ĐHĐCĐ của Sacombank theo lịch dự kiến là vào 30/6 tới.
Thị trường chứng khoán mở cửa phiên giao dịch cuối tuần với khá nhiều diễn biến đáng chú ý. Đầu tiên phải kể đến sự bứt phá mạnh mẽ đến từ cổ phiếu EIB. Sau phiên giao dịch thỏa thuận ‘khủng’ hôm qua, EIB bất ngờ được kéo lên mức giá trần ngay từ đầu phiên giao dịch và giao dịch tương đối sôi động.
Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu trụ cột khác trên thị trường là FPT, SSI, MSN, VCB, VIC, VJC… cũng đồng loạt tăng giá và góp phần đẩy cả hai chỉ số lên trên mốc tham chiếu. Trong đó, sau khi tiếp tục phá đáy lịch sử ở phiên trước, PVD đang tăng trở lại 200 đồng lên 14.700 đồng/CP. Tuy nhiên, hiện tại, nhóm cổ phiếu dầu khí đang phải chịu những thông tin tiêu cực về tình hình giá dầu thế giới. Giá dầu tiếp tục giảm sau khi chạm đáy 1 tháng do trữ lượng dầu Mỹ bất ngờ nhảy vọt và dầu thô của Nigeria quay lại thị trường. AAA tăng 500 đồng lên 32.500 đồng/CP sau thông tin điều chỉnh tăng 10% kế hoạch lợi nhuận 2016.
Một cổ phiếu cũng đang nhận được sự chú ý lớn của giới đầu tư là ROS. Hiện tại, ROS vẫn bị kéo xuống mức giá sàn ngay từ đầu phiên giao dịch (105.400 đồng/CP), tuy nhiên, khác với phiên trước, ROS đã có giao dịch mạnh trở lại với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 1,4 triệu cổ phiếu, nhưng vẫn còn dư bán giá sàn hơn 1,2 triệu cổ phiếu.
Sau khoảng 30 phút giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 0,5 điểm (0,07%) lên 750,63 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 24,5 triệu cổ phiếu, trị giá trên 579 tỷ đồng.
Chỉ số HNX-Index tăng 0,52 điểm (0,54%) lên 97,77 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 9,9 triệu cổ phiếu, trị giá trên 85,85 tỷ đồng.
SSI Retail Research cho rằng hai chỉ số có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh và hướng về các mức hỗ trợ gần nhất 747.0 điểm của chỉ số VN-Index và 95.5 điểm của chỉ số HNX-Index. Đồng thời, SSI Retail Research đánh giá rủi ro ngắn hạn vẫn còn rất cao và hai chỉ số có thể sẽ tiếp tục bước vào giai đoạn điều chỉnh trong những phiên giao dịch tới. Ngoài ra, dòng tiền tiếp tục có xu hướng suy yếu và tâm lý nhà đầu tư vẫn còn trong xu hướng thận trọng.
Hệ thống chỉ báo xu hướng của SSI Retail Research vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên hai chỉ số và nâng mức cắt lỗ của hệ thống lên mức 741.91 điểm của chỉ số VN-Index và 94.50 điểm của chỉ số HNX-Index. Do đó, SSI Retail Research khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn vẫn nên tận dụng các nhịp hồi phục để hạ tỷ trọng cổ phiếu về mức 40% danh mục và nếu tham gia mua mới thì chỉ nên dành tỷ trọng thấp và hạn chế mua đuổi ở các nhịp tăng.
Bình An
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.