Chia sẻ:

Dòng tiền đang trở lại nền kinh tế

Hơn 5 tháng đầu năm 2017, thị trường đã tăng nhanh với tổng mức tăng khoảng 12% nhưng dòng tiền chưa có xu hướng suy giảm. Khối ngoại tiếp tục tăng mạnh mua vào, mỗi phiên đều đạt vài trăm tỷ đồng. Quy mô vốn của thị trường cũng tăng vọt.

 

Nhiều thông tin hỗ trợ

 

Thị trường cổ phiếu trong tháng Năm đạt các kỷ lục về điểm số và giá trị giao dịch. Chỉ số VN Index đạt đỉnh cao mới trong 9 năm qua và hướng tới mốc 750 điểm.

 

Thị trường được hỗ trợ mạnh bởi thông tin Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp và cam kết đưa ra nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ cũng như tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

 

Đặc biệt trong thời gian Quốc hội họp bàn về Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu, rất nhiều đại biểu công khai bày tỏ quan điểm ủng hộ đã giúp cho cổ phiếu ngân hàng “trỗi dậy” mạnh mẽ, giúp giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu cuối tháng Năm tiếp tục tăng mạnh, đạt xấp xỉ 105 tỷ USD, tương đương 53,3% GDP (cuối tháng Tư là 51,2% GDP).

 

Thanh khoản thị trường tăng cao nhất từ trước tới nay, giá trị giao dịch bình quân trong tháng Năm đạt gần 5.800 tỷ đồng/phiên, tăng gần 60% so với bốn tháng đầu năm.

 

Dự báo, thanh khoản thị trường tiếp tục tăng trong thời gian tới do kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cải thiện hơn trong quý I/2017.

 

Đây là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước và giúp các ngân hàng thương mại tăng vốn đáp ứng yêu cầu Basel II.

 

Tháng 5 cũng ghi nhận sự quan tâm trở lại của các nhà đầu tư đối với Trái phiếu Chính phủ (TPCP) ở các kỳ hạn 5 năm, 7 năm, với lượng đặt thầu lớn dù lãi suất giảm nhẹ (từ 0,08 đến 0,17 điểm phần trăm).

 

Điều này cho thấy thanh khoản của các ngân hàng cải thiện và thị trường vẫn thuận lợi cho nhà phát hành. Lãi suất trúng thầu TPCP dự báo có thể tiếp tục giảm nhẹ.

 

Thanh khoản trên thị trường thứ cấp cải thiện, giá trị giao dịch bình quân đạt 4.200 tỷ đồng/phiên (tăng 14% so với tháng trước).

Chỉ số CDS (kỳ hạn 5 năm) tháng 5 giảm xuống 154 điểm, mức thấp kỷ lục trong vòng 5 năm qua, cho thấy mức độ tín nhiệm của Việt Nam đang ở mức khả quan. Điều này hỗ trợ tích cực cho việc thu hút luồng vốn đầu tư nước ngoài.

 

Trong 5 tháng đầu năm 2017, Việt Nam tiếp tục trở thành một trong những điểm sáng của khu vực về thu hút dòng vốn ngoại, khi nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đã mua ròng hơn 23,54 tỷ USD, tăng 15,3% so với cuối năm 2016. Trước đó, năm 2016 với nhiều lo ngại dòng vốn ĐTNN sẽ bị rút ra, lượng mua ròng vẫn đạt hơn 1,2 tỷ USD.

 

Chỉ số CDS (kỳ hạn 5 năm) tháng 5 giảm xuống 154 điểm, mức thấp kỷ lục trong vòng 5 năm qua, cho thấy mức độ tín nhiệm của Việt Nam đang ở mức khả quan. Điều này hỗ trợ tích cực cho việc thu hút luồng vốn đầu tư nước ngoài.

 

Chứng khoán “hút” vốn ngoại

 

Tính riêng trong tháng 5/2017, nhà ĐTNN mua ròng khoảng 50 triệu USD trên TTCK. Trong đó, mua ròng 65 triệu USD cổ phiếu và bán ròng 15 triệu USD trái phiếu.

 

Nhà ĐTNN cơ cấu lại danh mục khi lần đầu tiên bán ròng xấp xỉ 15 triệu USD trái phiếu. Lũy kế từ đầu năm 2017, nhà ĐTNN vẫn rất tích cực mua ròng trên TTCK, giá trị mua ròng là 885 triệu USD với 540 triệu USD trái phiếu, 345 triệu USD cổ phiếu.

 

Tổng giá trị thị trường danh mục nắm giữ của ĐTNN ước đạt 23,54 tỷ USD, tăng 15,3% so với cuối năm 2016. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường cổ phiếu ước đạt 18,5% và trên thị trường trái phiếu ước đạt 6,2%.

 

Riêng thị trường trái phiếu, tính đến hết ngày 19/5/2017, khối ngoại mua ròng hơn 11.000 tỷ đồng trên thị trường TPCP. Tuy nhiên, tỷ trọng giao dịch ở mức 4 – 5% trên thị trường thứ cấp và giá trị trúng thầu sơ cấp chiếm khoảng hơn 5% cho thấy sự tham gia của khối ngoại, dù đang trong chiều hướng tích cực, vẫn còn khá khiêm tốn trên thị trường TPCP.

 

Theo các chuyên gia chứng khoán, thị trường minh bạch hơn, dòng tiền thực chất hơn, phần lớn là tiền mặt, thay vì là tiền đi vay, margin cầm cố với tỷ lệ rất cao như trước đây, là những yếu tố khiến các nhà đầu tư không thể quay lưng với TTCK Việt Nam.

 

Đặc biệt, tới đây, khi TTCK phái sinh chính thức khởi động, sẽ có nhiều sản phẩm tốt hơn, nắm bắt cơ hội này, các nhà ĐTNN đang “đi trước đón đầu”.

 

Việc ra đời các sản phẩm chứng khoán phái sinh sẽ tạo luồng gió mới cho thị trường, thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là với các nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài cần có công cụ quản trị rủi ro cho các danh mục đầu tư với quy mô lớn tại Việt Nam.

 

Như vậy, thời gian tới, khi TTCK phái sinh chính thức hoạt động sẽ hút được lượng lớn nguồn vốn vào thị trường, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh và sức cầu của thị trường.

Huyền Anh

 


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.