Chia sẻ:

Làm rõ những nguyên nhân chính Việt Nam chưa được MSCI nâng hạng

Đầu tiên, SSI xem xét Độ mở với sở hữu nước ngoài. MSCI cho rằng Việt Nam cần cải thiện vấn đề Giới hạn sở hữu nước ngoài do có “một số ngành và lĩnh vực nhạy cảm vẫn bị giới hạn về sở hữu nước ngoài”. Trong khi đó MSCI cũng đánh giá China A và Saudi Arabia cần cải thiện do đang ấn định room cho NĐTNN lần lượt là 30% và 49%.

 

Về Room còn lại cho nhà đầu tư nước ngoài, MSCI nhận xét Việt Nam và Saudi Arabia hoàn toàn giống nhau. Đó là “thị trường cổ phiếu chịu ảnh hướng lớn từ vấn đề room nước ngoài”.

 

Theo danh sách của MSCI, số lượng công ty có vốn hóa trên 1 tỷ USD của China A là 169 với công ty có vốn hóa cao nhất là 64,9 tỷ USD; của Saudi Arabia là 32 với công ty có vốn hóa cao nhất là 79 tỷ USD (chưa tính Saudi Aramco, công ty dự tính IPO với vốn hóa ước tính 2 nghìn tỷ USD). Việt Nam được xác định có 19 công ty vốn hóa trên 1 tỷ USD, trong đó lớn nhất là Vinamilk với vốn hóa 9,7 tỷ USD. 

 

Như vậy có thể thấy dù room của China A hay Saudi Arabia là 30% hay 49%, quy mô có thể đầu tư cho NĐTNN ở các thị trường này lớn hơn nhiều so với Việt Nam. Do số lượng cũng như vốn hóa các công ty Việt Nam nhỏ, việc nới room hơn 49% là một cách để tăng quy mô có thể đầu tư cho NĐTNN.

 

Nhưng vẫn còn cách khác để MSCI thay đổi quan điểm như niêm yết các doanh nghiệp lớn và tăng tỷ lệ tự do chuyển nhượng thông qua giảm tỷ lệ sỡ hữu nhà nước. Việc tăng quy mô có thể đầu tư là vô cùng quan trọng bởi nó không chỉ giúp thỏa mãn điều kiện nâng hạng mà còn là yếu tố quyết định đến tỷ trọng của Việt Nam bộ chỉ số, ảnh hưởng trực tiếp đến lượng tiền nước ngoài mua cổ phiếu Việt Nam.

 

 

Trong mục Quyền bình đẳng với NĐTNN, China A bị MSCI đánh giá thấp về tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp (corporate governance). Việc can thiệp vào giá cổ phiếu tại Trung Quốc không chỉ xảy ra từ phía doanh nghiệp và còn từ Chính phủ, thể hiện rõ nhất vào năm 2015 khi bong bóng chứng khoán vỡ. Việc công bố thông tin bằng tiếng Anh là vấn đề với cả China A và Việt Nam. Điểm MSCI nêu bật về phía Việt Nam đó là giới hạn sở hữu với từng nhà đầu tư. Tuy nhiên với giới hạn room 30% hay 49%, quyền bình đẳng của NĐTNN ở China A và Saudi Arabia cũng không cao hơn nhiều so với Việt Nam. 

 

Việt Nam có thể chú ý nhiều hơn đến việc công bố thông tin bằng tiếng Anh cũng như nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp.

 

Về Mức độ dễ dàng luân chuyển dòng vốn vào/ra thị trường, Việt Nam là nước duy nhất trong 4 nước bị đánh giá cần cải thiện trong mục Mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối. Việt Nam là nước duy nhất bị nhận xét “thanh khoản thị trường ngoại hối trong nước tương đối thấp”.

 

 

Về nội lực, Việt Nam có thể so sánh với Pakistan, nước có dự trữ ngoại hối 21 tỷ USD, tương đương 4 tháng nhập khẩu và cán cân thương mại thường âm. Tuy nhiên Pakistan có độ mở của thị trường ngoại hối lớn hơn, một ví dụ là thanh khoản thị trường ngoại tệ của Pakistan cao hơn và đồng PKR được thả nổi có kiểm soát, khác với đồng VND được giao dịch trong biên độ +-3% theo tỷ giá tham chiếu.

 

Việc cải thiện Mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối của Việt Nam sẽ cần một thời gian dài để tích lũy nội lực nhằm hạn chế rủi ro khi độ mở của thị trường lớn hơn.

 

Về Hiệu quả của hệ thống vận hành, mặc dù đây là phần Việt Nam có nhiều điểm cần cải thiện nhất nhưng khi so sánh với 3 nước còn lại thì đa phần không có ảnh hưởng lớn đến việc xem xét nâng hạng.

Tài liệu bằng tiếng anh được nhắc lại trong mục Đăng ký đầu tư & mở tài khoản và Luồng thông tin thị trường. Đây là một vấn đề không quá khó khăn đối với Việt Nam.

 

Có 2 điểm tương đối quan trọng ảnh hưởng đến việc đánh giá là (i) chuẩn mực kế toán và (ii) công cụ thanh toán.

 

Việt Nam đang sử dụng chuẩn mực kế toán VAS, khác biệt với chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS. Trung Quốc dù đang sử dụng chuẩn mực kế toán CAS nhưng các chuẩn mực này đã được hướng theo IFRS trong một thời gian dài. Mức độ tương thích của CAS với IFRS đã đạt tới 90-95%, có tác động tốt tới chất lượng báo cáo tài chính theo quan điểm của MSCI. Saudi Arabia quy định áp dụng IFRS cho toàn bộ báo cáo của công ty niêm yết kể từ 2017 và đây là yếu tố quan trọng giúp MSCI nâng từ mức cần cải thiện (-/?) lên không có vấn đề lớn (+) trong kỳ đánh giá 2017.

 

 

 

Trong Thanh toán và bù trừ chứng khoán, Việt Nam chưa có công cụ cho vay thấu chi và yêu cầu phải có tiền trước khi thực hiện giao dịch. Saudi Arabia đã loại bỏ quy định phải có tiền trước khi giao dịch kể từ tháng 4/2017 và đây là yếu tố được MSCI đánh giá tích cực. So với China A, Việt Nam tốt hơn ở điểm đã áp dụng nguyên tắc DVP nhờ vậy giảm thiểu rủi ro thanh toán.

 

Ngoài các điểm đánh giá chi tiết như trên, MSCI cũng đánh giá việc sáp nhập các sàn chứng khoán là một chuyển biến tích cực. Cụ thể, MSCI ghi nhận việc Pakistan sáp nhập 3 sàn chứng khoán trong kỳ đánh giá năm 2016, đây cũng chính là các năm Pakistan được nâng hạng. Tuy nhiên việc sáp nhập không phải là điều kiện tiên quyết bởi trước đó Pakistan đã từng được xếp hạng là thị trường mới nổi và bị hạ bậc vào năm 2008. Với trường hợp của Việt Nam, việc sáp nhập các sàn chứng khoán sẽ có tác động tích cực đến cách nhìn nhận của NĐTNN do thống nhất được các tiêu chí minh bạch và quản trị doanh nghiệp, đồng thời tăng quy mô có thể đầu tư.

 

Theo tổng kết của SSI, cơ quan quản lý và cả Chính phủ cập tập trung giải quyết được 4 vấn đề nêu trên cùng với việc sáp nhập các sàn chứng khoán (gọi chung lại là “4+1”) thì chắc chắn Việt Nam sẽ được nâng hạng. 

 

Ngay cả khi chưa thể cải thiện được toàn bộ “4+1” điểm trên, thiện chí cải thiện và tiến trình thực thi cải thiện sẽ có tác động tích cực đến tâm lý chung của TTCK. Nâng hạng là đích cuối của con đường, quá trình đi trên con đường đó bản thân nó cũng đã mang lại nhiều lợi ích cho TTCK Việt Nam.

 

MAI HƯƠNG / Theo SSI Research


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.