Chia sẻ:

Vì sao dù không lên hạng MSCI, chứng khoán Việt vẫn “lên hương” so với Pakistan?

Kể từ khi Pakistan gia nhập nhóm các thị trường mới nổi theo phân loại của MSCI vào tháng trước, thị trường này chưa đón nhận dòng vốn hàng trăm triệu USD như dự báo. Chỉ số KSE100 của nước này đã sụt 13% kể từ khi Pakistan được thăng hạng, trong khi chỉ số VN-Index của Việt Nam đã tăng 5% trong thời gian đó, nâng tổng mức tăng trưởng từ đầu năm đến nay lên 17%.

 

 

Diễn biến trái chiều của thị trường chứng khoán Việt Nam và Pakistan kể từ khi MSCI công bố xếp hạng thường niên. Biểu đồ: Bloomberg

 

Theo Bloomberg, áp lực chốt lời của nhà đầu tư có thể là một nguyên nhân khiến thị trường Pakistan lao dốc. Điều này là dễ hiểu khi chứng khoán nước này đã tăng trong 18 tháng trước khi được nâng hạng, và chỉ số KSE100 hiện vẫn tăng 14% so với khi MSCI công bố tin vui cho thị trường Pakistan cách đây 1 năm.

 

Pakistan chiếm tỷ trọng 8,9% trong Chỉ số Thị trường cận biên của MSCI, nhưng hiện chỉ chiếm 0,1% tỷ trọng của chỉ số theo dõi các thị trường mới nổi. Bởi vậy, các quỹ ETF đầu tư vào thị trường cận biên bán ra cổ phiếu của Pakistan để giảm vị thế tương ứng, trong khi các quỹ săn cơ hội ở thị trường mới nổi chưa vội mua vào.

 

Dù thế, Bloomberg cho rằng vấn đề của Pakistan còn nằm sâu hơn sau các dòng vốn đầu tư gián tiếp.

Cả Pakistan và Việt Nam cùng neo đồng nội tệ theo đồng đô la Mỹ. Tuy nhiên, trong khi Việt Nam đạt thặng dư tài khoản vãng lai thì Pakistan lại bị thâm hụt. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đồng VND đang bị định giá thấp hơn giá trị thực 10,3%, còn đồng rupee của Pakistan lại cao hơn giá trị thực đến 20%.

 

Đối với các “tay chơi” ngoại vốn đầu tư theo các chỉ số của MSCI, một nước có đồng nội tệ chịu áp lực mất giá hiển hiện là một nơi không an toàn để rót tiền. Ngày 5/7, đồng rupee mất giá 3,1%, đây là mức giảm mạnh nhất trong vòng 9 năm.

 

Động thái phá giá đồng tiền của ngân hàng trung ương nước này được cho là do các khó khăn kinh tế trước khi diễn ra bầu cử vào năm sau. Giới đầu tư đang bất an khi Tòa án Tối cao Pakistan mở một cuộc điều tra tham nhũng đối với Thủ tướng Nawaz Sharif, hệ quả của vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama”.

 

Ngày 6/7, Thủ tướng Sharif bổ nhiệm một cựu bộ trưởng tài chính làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pakistan. Ngân hàng trung ương của nước này không độc lập với chính phủ, thể hiện ở việc phát hành trái phiếu USD trên thị trường quốc tế để làm lợi cho ngân khố.

 

Khi MSCI xem xét xếp hạng một nước là cận biên hay mới nổi, hãng này chú trọng vào thanh khoản trên thị trường.

 

Chính phủ Việt Nam vẫn sở hữu nhiều công ty giao dịch trên sàn, trong khi Chính phủ Pakistan thể hiện quyết tâm rõ ràng hơn trong việc thoái vốn. Đơn cử như vụ thoái vốn trị giá 1 tỷ USD khỏi ngân hàng Habib, nhà băng lớn nhất nước này. Trong khi tại Việt Nam, room ngoại đồng nghĩa với việc nhà đầu tư nước ngoài chỉ được giao dịch nội khối khi chạm trần sở hữu.

 

Bloomberg đặt ra câu hỏi: Liệu định nghĩa thanh khoản của MSCI có nghĩa lý gì không? Tại Pakistan, chỉ có 19 công ty có giá trị giao dịch cổ phiến vượt mốc 1 triệu USD/ngày, trong khi tại Việt Nam có đến 45 công ty đáp ứng được điều kiện trên. Chính phủ Việt Nam đang dần nới room ngoại. Ví dụ rõ ràng là Vinamilk (VNM) đã bỏ trần sở hữu nước ngoài cách đây 1 năm.

 

Lịch sử chứng khoán của Pakistan cũng có thăng trầm. Quốc gia này đã nằm trong nhóm thị trường mới nổi của MSCI khi đột ngột dừng giao dịch chứng khoán trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khiến nước này bị hạ cấp xuống cận biên.

 

Đến tháng 3/2015, thị trường quốc gia Nam Á này giảm 10% trong 5 ngày chỉ bởi 1 nhà đầu tư, đó là quỹ Everest Capital có trụ sở tận Miami đã bán ra 70 triệu USD cổ phiếu để bù khoản lỗ khi đầu tư vào đồng franc Thụy Sỹ.

 

Tòa án Tối cao Pakistan dự kiến công bố kết luận về vụ điều tra tham nhũng nhắm vào Thủ tương Sharif ngày 17/6.

 

Trong bối cảnh đồng rupee mất giá và khối ngoại đang e dè, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể là lựa chọn an toàn hơn cổ phiếu Pakistan, Bloomberg nhận định.

MINH ANH


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.