Chia sẻ:

Cổ phiếu nông nghiệp hút vốn ngoại

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Cục đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/06/2017, cả nước có 23.594 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 306,3 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 162,57 tỷ USD, bằng 53% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 180,68 tỷ USD, chiếm 58,98% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 50,99 tỷ USD (chiếm 16,6% tổng vốn đầu tư), sản xuất, phân phối điện, khí nước với 18,83 tỷ USD (chiếm 6,14% tổng vốn đầu tư).

 

Trong khi đó, nông nghiệp vốn là lĩnh vực kinh doanh truyền thống của Việt Nam và đây cũng là hướng đi chủ đạo trong nền kinh tế thì lại không hút được nhiều vốn FDI. Tính lũy kế đến 20/6/2017, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp chỉ có 516 dự án, đạt 3.460,7 triệu USD tổng vốn đầu tư đăng ký; chỉ chiếm 2,2% trên tổng số dự án và hơn 1,1% tổng giá trị nguồn vốn FDI đăng ký vào Việt Nam.

 

Nguyên nhân được xác định là do hệ thống các văn bản chính sách pháp luật, chính sách đất đai, chính sách quy hoạch định hướng thu hút FDI vào lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp chưa được xác định rõ ràng và minh bạch.

 

Tuy không đầu tư trực tiếp nhiều vì còn vướng mắc nhưng các nhà đầu tư ngoại vẫn không bỏ qua cơ hội đầu tư vào lĩnh vực đang được Chính phủ Việt Nam coi trọng hiện nay thông qua đầu tư gián tiếp vào cổ phiếu các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp, đặc biệt là những đơn vị đầu tư nông nghiệp một cách bài bản và quy mô lớn.

 

Điển hình như CTCP Tập đoàn PAN (HOSE: PAN) tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room) đã gần kín với khoảng 45,83%, trong đó các cổ đông lớn là các tổ chức tầm cỡ quốc tế như IFC, GIC, Tael Two Partners Ltd (20,67%), Mutual Fund Elite (8,75%)…

 

Được biết, tầm nhìn của PAN là mong muốn phát huy thế mạnh quốc gia với nền nông nghiệp lâu đời, hướng tới trở thành tập đoàn hàng đầu khu vực trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm. PAN Group chia làm ba mũi nhọn chính gồm PAN Farm (giải pháp nông nghiệp và nuôi trồng), PAN Food (thực phẩm và bánh kẹo), PAN Retail (phân phối và bán lẻ). Tập đoàn đang theo đuổi mô hình Farm – Food – Family với chuỗi giá trị khép kín, đồng thời tìm kiếm việc liên doanh để sản xuất hành nông sản, thực phẩm với các đối tác uy tín nước ngoài nhằm mở rộng khả năng sản xuất và tìm kiếm thị trường.

 

CTCP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) mới lên giao dịch trên sàn Upcom ngày 24/7 cũng gần kín room ngoại với tỷ lệ trên 44%. Cụ thể, tính đến 31/03/2017, Tập đoàn có 5 nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 44,04% vốn, tương đương 29,58 triệu cổ phiếu. Các cổ đông lớn nước ngoài của LTG cũng gồm các quỹ lớn có uy tín như Marina Viet Pte. Ltd (25,21% vốn), Standard Chartered Private Equity (Singapore) Pte. Ltd (8,18%) và Vietnam Azalea Fund Limited (6,07%).

 

Lộc Trời với định hướng trở thành tập đoàn nông nghiệp tỷ USD của Việt Nam với chuỗi giá trị bền vững từ giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật và dinh dưỡng cây trồng kết hợp với chuỗi sản xuất lương thực bao gồm gạo và cà phê.

 

Hiện giá trị sổ sách của Lộc Trời ở mức 32.400 đồng/cp, với mức giá giao dịch hiện tại, vốn hoá thị trường của Lộc Trời ở mức 3.626 tỷ đồng và cổ phiếu LTG của Lộc Trời đang giao dịch ở PE 11, thấp đáng kể so với mức trung bình ngành. EPS năm 2016 của Lộc Trời đạt 4.392 đồng/cp, EPS 2017 dự kiến đạt 5.822 đồng/cp.

 

Lộc Trời đang quay trở lại đà tăng trưởng trước đây sau 3 năm tái cơ cấu. Báo cáo kiểm toán 6 tháng đầu năm cho thấy Tập đoàn đạt 4.245 tỷ đồng, tăng 17% và lợi nhuận sau thuế đạt 196 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Lộc Trời là doanh nghiệp nông nghiệp hiếm hoi hiện nay duy trì được mức cổ tức 30% bằng tiền mặt đều hàng năm.

 

Hay CTCP Nafoods Group (HOSE: NAF), đơn vị chuyên kinh doanh và sản xuất các loại sản phẩm nước ép hoa quả, sản phẩm rau củ quả đông lạnh và kinh doanh giống cây trồng cũng có thu hút được một quỹ ngoại là Vietnam Holding Limited rót vốn vào. Tổ chức này đầu tư vào Nafoods ngay từ khi doanh nghiệp vừa đưa cổ phiếu lên giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán TPHCM và duy trì tỷ lệ sở hữu 8,41% cho đến nay.

 

Tầm nhìn của Nafoods Group là trở thành tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam và khu vực châu Á trong lĩnh vực sản xuất chuỗi giá trị nông nghiệp cạnh tranh toàn cầu bằng chiến lược phát triển khép kín từ giống, trồng, chăm sóc, chế biến, xuất khẩu và phân phối – bán lẻ. Sản phẩm của Nafoods đã được xuất khẩu sang 60 quốc gia trên thế giới với hai loại trái cây chủ đạo là chanh leo và gấc.

Ngọc Điểm


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.