Chia sẻ:

Nhiều cổ phiếu lớn giảm sâu, nhóm dầu khí giữ nhịp thị trường

Giao dịch trên thị trường về cuối phiên sáng diễn ra vẫn không có quá nhiều thay đổi so với đầu phiên. Các cổ phiếu vốn hóa lớn như ROS, VJC, MSN… vẫn là nhân tố chủ đạo khiến chỉ số VN-Index giảm điểm. ROS tuy thoát khỏi mức giá sàn nhưng vẫn còn giảm đến 7.500 đồng xuống 112.800 đồng/CP. MSN giảm 1.000 đồng xuống 53.500 đồng/CP. Các cổ phiếu trụ cột khác như BVH, VCB, SAB, PLX, KDC… cũng đều chìm trong sắc đỏ.

 

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục là điểm sáng của thị trường giúp phần nào kìm hãm lại đà giảm của chỉ số VN-Index cũng như duy trì sắc xanh của chỉ số HNX-Index. Các mã như PVD, GAS, PVS, PVC… vẫn đồng loạt tăng mạnh. GAS tăng 1.200 đồng lên 69.700 đồng/CP. PVD tăng kịch trần lên 14.800 đồng/CP và khớp lệnh 7 triệu cổ phiếu. PVS tăng 600 đồng lên 17.300 đồng/CP và khớp lệnh cũng hơn 8,4 triệu cổ phiếu.

 

Cặp đôi cổ phiếu FIT và KLF phiên sáng nay đều bị kéo xuống mức giá sàn, trong đó, KLF khớp lệnh 14,48 triệu cổ phiếu, còn FIT khớp lệnh 4,4 triệu cổ phiếu. Trong khi đó, HDG tăng trần lên 35.700 đồng/CP nhờ thông tin Bộ Quốc Phòng đã đăng ký bán toàn bộ gần 7,6 triệu cp, tương đương 9,94% vốn của CTCP Tập Đoàn Hà Đô (HOSE: HDG) theo phương thức khớp lệch hoặc thỏa thuận trong 3 ngày từ 27-30/09.

 

Tạm dừng phiên sáng, chỉ số VN-Index giảm 1,92 điểm (-0,24%) xuống 803,66 điểm. Toàn sàn có 73 mã tăng, 164 mã giảm và 92 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 96 triệu cổ phiếu, trị giá 1.979 tỷ đồng.

 

Chỉ số HNX-Index tăng 0,34 điểm (0,32%) lên 107,68 điểm. Toàn sàn có 52 mã tăng, 84 mã giảm và 223 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 53,3 triệu cổ phiếu, trị giá 585 tỷ đồng.

 

Thị trường ngày từ đầu phiên giao dịch đã chứng kiến sự trỗi dậy của nhóm cổ phiếu dầu khí. Cụ thể, các mã như PVD, GAS, PVS, PVC, PGS… đều đồng loạt tăng giá. PVD đang được kéo lên mức giá trần 14.800 đồng/CP và khớp lệnh hơn 2,2 triệu cổ phiếu. PVS tăng 400 đồng lên 17.100 đồng/CP và khớp lệnh 3,9 triệu cổ phiếu. Được biết, giới giao dịch dầu lửa đang ngày càng lạc quan, nếu năm ngoái, các nhà giao dịch nói về mức giá 50 USD/thùng, thì năm nay, họ bắt đầu nói về mức giá 60 USD/thùng. Bên cạnh đó, giá dầu thô tăng vào hôm thứ 2 do thị trường kỳ vọng nhiều hơn vào khả năng các nước sẽ kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

 

Một vài cổ phiếu trụ cột như STB, VPB, ACB, VCG… vẫn duy trì được sắc xanh. STB tăng 350 đồng lên 12.650 đồng/CP và khớp lệnh 1,55 triệu cổ phiếu nhờ thông tin ông Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT đăng ký mua 18 triệu cổ phiếu.

 

Mặc dù có lực đỡ khá tốt từ nhóm cổ phiếu dầu khí và một vài mã vốn hóa lớn nói trên nhưng chỉ số VN-Index tiếp tục giảm điểm do áp lực quá mạnh đến từ các cổ phiếu như ROS, VJC, MSN… Trong đó, ROS bị bán xuống mức giá sàn 111.900 đồng/CP và khớp lệnh 1,4 triệu cổ phiếu. VJC giảm 1.100 đồng xuống 108.300 đồng/CP. MSN giảm 1.000 đồng xuống 53.500 đồng/CP.

 

Tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, KLF tiếp tục giảm sàn xuống 5.100 đồng/CP và khớp lệnh trên 9,5 triệu cổ phiếu

 

Sau khoảng 40 phút giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 2,2 điểm (-0,27%) xuống còn 803,38 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 32,8 triệu cổ phiếu, trị giá 736 tỷ đồng.

 

Chỉ số HNX-Index tăng 0,25 điểm (0,23%) lên 107,58 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 29,5 triệu cổ phiếu, trị giá 276 tỷ đồng.

 

VCBS cho biết, áp lực điều chỉnh tại VN-Index vẫn diễn ra trong phiên hôm qua nhưng chỉ cục bộ tại một số cố phiếu vốn hóa lớn. Sự sụt giảm yếu tố thanh khoản chỉ ra áp lực trên khó có thể kéo dài. Xét trong trung và dài hạn, xu hướng tăng của chỉ số vẫn được duy trì. Theo đó, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục, với trọng tâm là các cổ phiếu cơ bản có triển vọng kết quả kinh doanh tốt khi mùa công bố kết quả kinh doanh Quý 3 đang tới gần.

BÌNH AN


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.