Chia sẻ:

Giật mình với tỷ suất lợi nhuận từ các cổ phiếu vốn hóa lớn

Thị trường chứng khoán 9 tháng đầu năm 2017 đã chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của hai chỉ số VN-Index và HNX-Index. Chốt phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9, chỉ số VN-Index dừng ở mức 804,42 điểm, tăng 139,55 điểm (21%) so với thời điểm cuối năm 2016, tương tự, chỉ số HNX-Index tăng 27,54 điểm (34,4%) lên 107,66 điểm.

 

Trong 9 tháng qua, thị trường ghi nhận những mã cổ phiếu tăng giá rất mạnh, đặc biệt có cổ phiếu tăng đến 451%. Tuy nhiên, đa số các cổ phiếu tăng giá mạnh như vậy đều thuộc nhóm có yếu tố đầu cơ cao và chắc có rất ít nhà đầu tư đủ bản lĩnh để nắm giữ những cổ phiếu này trong thời gian 9 tháng.

 

Với những nhà đầu tư không ưu thích sự mạo hiểm và chọn đầu tư vào các cổ phiếu an toàn, thường tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng tại các cổ phiếu này chỉ khoảng 10-15%/năm, nhưng thực tế trên TTCK Việt Nam, các nhà đầu tư có thể “kiếm bộn” khi nắm giữ các cổ phiếu vốn hóa lớn.

 

Thống kê khoảng 20 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường (ba sàn HOSE, HNX và UPCoM) thì có đến 17 cổ phiếu tăng giá, trong đó 14 cổ phiếu có tỷ suất lợi nhuận lớn hơn lãi suất ngân hàng (8%).

 

 

Đáng chú ý, trong số 3 cổ phiếu ở top 20 vốn hóa trên thị trường chứng khoán có tăng trưởng âm trong 9 tháng đầu năm 2017 thì có cổ phiếu VPB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (HOSE) chỉ mới lên sàn trong tháng 8 nên chúng ta chưa thể nhìn nhận được chính xác được. Trong khi đó, cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (UPCoM) có lẽ là gây thất vọng nhất khi giảm 7,27% từ 27.329 đồng/CP xuống còn 25.343 đồng/CP.

 

Còn về phía ngược lại, cổ phiếu ACB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (HNX) có lẽ gây ấn tượng mạnh mẽ nhất khi tăng đến gần 74% so với thời điểm cuối năm 2016.

 

 

Diễn biến giá cổ phiếu ACB trong 9 tháng đầu năm

 

Cùng với ACB thì ba cổ phiếu nhóm ngân hàng khác cũng lọt vào top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn tăng giá mạnh nhất thị trường là MBB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội, BID của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam và CTG của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam, với mức tăng lần lượt là 70%, 42,4% và 33%.

 

 

Diễn biến giá cổ phiếu BID trong 9 tháng đầu năm

 

 

Diễn biến giá cổ phiếu CTG trong 9 tháng đầu năm

 

Ngoại trừ VPB thì các ‘tân binh’ như VJC của Công ty cổ phần Hàng không VietJet (HOSE) và PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (HOSE) ghi nhận mức tăng giá khá tích cực.

 

 

Diễn biến giá cổ phiếu VJC kể từ khi lên sàn

 

VJC niêm yết trên HOSE từ ngày 28/2/2017 và tính đến hết tháng 9, cổ phiếu này tăng 72,34% – đứng thứ hai về mức tăng giá trong số 20 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường. PLX niêm yết từ ngày 21/4 và cũng có được mức tăng trên 53%.

 

 

Diễn biến giá cổ phiếu PLX kể từ khi lên sàn

 

Nhóm các cổ phiếu vốn hóa lớn tăng giá mạnh đã góp phần giúp thị trường vượt mức 800 điểm. Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch kiêm TGĐ CTCP Chứng khoán Sài Gòn nhận định, cùng với quá trình IPO và thoái vốn của Chính phủ trong các DNNN, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chứng kiến một dòng vốn ngoại bình ổn và vững chắc hơn.

 

Trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm cổ phần hoá và thoái vốn tại các DNNN lớn, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có nhiều lựa chọn hơn để đầu tư vào thị trường Việt Nam. Dòng tiền vào cổ phiếu luôn “rất ấn tượng” và sẽ tiếp tục tăng. TTCK Việt Nam dự kiến ​​sẽ duy trì đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm và xu hướng này sẽ tiếp tục vào năm 2018.

BÌNH AN


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.