Theo số liệu của của Công ty chứng khoán (CTCK) VPBank, mặt bằng định giá của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam hiện đang đứng thứ 4 về hệ số PE, trong khi dẫn đầu về hệ số PB so với các nước trong khu vực và mặt bằng chung của các thị trường cận biên, thậm chí cả thị trường mới nổi.
Tuy nhiên, câu chuyện của TTCK Việt Nam rẻ hay đắt so với khu vực cần phải được đánh giá khách quan. Theo Chứng khoán VPBank cần loại bỏ các trường hợp cổ phiếu vốn hóa lớn tăng bất thường và đánh giá hết tiềm năng các đợt thoái vốn lớn sắp tới của nhà nước để có bức tranh trung thực hơn về tương quan định giá.
Thời điểm cuối năm 2017 và năm 2018, hoạt động thoái vốn Nhà nước sẽ là trung tâm và sẽ là động lực đẩy vốn hóa thị trường. Sự tăng trưởng liên tục của vốn hoá và số doanh nghiệp tỷ đô giúp TTCK Việt Nam tiến gần hơn đến câu chuyện nâng hạng. Thị trường Việt Nam có thể sẽ tiếp bước Pakistan với khả năng tăng trưởng khoảng 30-35% sau khi chính thức được nâng hạng.
Trong 1 năm trở lại đây, vốn hóa thị trường Việt Nam đã tăng 60% và hiện ở mức 2.665 ngàn tỷ đồng tại thời điểm 20/11/2017 và từng đạt mốc 2.731 ngàn tỷ đồng vào thời điểm cuối quý III, dư nợ cho vay ký quỹ 22.987 tỷ đồng.
Số liệu giao dịch các quý
Nguồn: VPBanks
Chất lượng dòng tiền cũng có sự thay đổi, bên cạnh động lực thúc đẩy từ khối ngoại, dòng tiền nội trong nước cũng liên tục tăng trưởng. Đáng nói hơn là sự tăng trưởng không phải đến từ dư nợ cho vay của CTCK. Trong quý III, giao dịch cá nhân trong nước chiếm 81% tổng giá trị giao dịch, tổ chức trong nước chiếm 7,79%, trong khi đó tổ chức và cá nhân nước ngoài chỉ chiếm 11,31%.
Tuy nhiên, bước sang tháng 11 tỷ trọng khối ngoại tăng mạnh làm tỷ trọng cá nhân trong nước giảm đi tương ứng do diễn biến thoái vốn của SCIC tại VNM. Cũng cần đề cập là Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ thị trường bằng cách bơm ròng lượng tiền rất lớn qua OMO để hỗ trợ vốn cho thị trường trong tháng 11.
Trong tháng 11, TTCK có sự tăng trưởng mạnh mẽ. tính đến phiên 24/11, TTCK VN-Index đã tăng 38,7% so với thời điểm đầu năm và chứng kiến nhiều cổ phiếu vượt đỉnh lịch sử. Tính đến hết phiên giao dịch ngày 22/11/2017, thị trường ghi nhận 13 cổ phiếu ở mức giá cao nhất lịch sử (đã loại trừ VRE vì vừa niêm yết trên HOSE thời gian ngắn). Trong danh sách này có hàng loạt các cổ phiếu vốn hóa lớn là VJC, VCB, SAB, MBB, MWG…
Diễn biến giao dịch các chỉ số từ đầu năm 2017
PHAN TÙNG
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.