Chia sẻ:

Cuộc đua các quỹ nội đang đến hồi kết

Năm 2017 là năm thành công nhất của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong 1 thập kỷ trở lại đây. Càng về cuối năm, thị trường chứng kiến sự tăng trưởng thần tốc nhờ hiệu ứng từ làn sóng thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước, hấp dẫn dòng vốn ngoại và những chính sách vĩ mô của Chính Phủ hỗ trợ nền kinh tế.

 

Tới cuối tháng 11, VN-Index đã tăng 44,3% so với đầu năm, dừng ở mức 949,9 điểm. Đến phiên 04/12, VN-Index đã chinh phục thành công mức 970 điểm, thu hẹp khoảng cách đến mốc 1.000 điểm. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, chỉ số sẽ chạm mức lịch sử trước khi bước sang năm 2018.

 

Cùng sự hưng phấn của thị trường, các quỹ đầu tư nội địa cũng “ăn nên làm ra” với mức tăng trưởng tải sản ròng (NAV) tăng mạnh sau 11 tháng. Tuy nhiên, hầu hết đều không vượt được mức tăng ấn tượng của chỉ số. ETF SSIAM VNX50 là một trong số ít quỹ có thể chiến thắng VN-Index, trong khi một số quỹ khác lần lượt bị “qua mặt”.

 

 

Quỹ ETF SSIAM VNX50 tiền thân là Quỹ ETF SSIAM HNX30 được thành lập vào năm 2014 và được quản lý bởi Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM). Khi mới đi vào hoạt động, quỹ mô phỏng chỉ số HNX30 của HNX, sau này đã chuyển sang lấy VNX50 làm chỉ số mô phỏng nhằm tăng tính hấp dẫn.

 

Cuối tháng 10, chứng chỉ quỹ (CCQ) của ETF SSIAM VNX50 đã niêm yết trên HOSE với mã FUESSV50, giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên là 10.650 đồng/cp. Đến 04/12, thị giá của CCQ tăng 12%, dừng ở mức 12.000 đồng/cp.

 

Tới cuối tháng 11, giá trị tài sản ròng của ETF SSIAM VNX50 đạt hơn 120 tỷ đồng, tương đương 12.414 đồng/CCQ, tăng 52,5% so với đầu năm, vượt qua mức 46,4% của VN-Index và hàng loạt quỹ nội khác như TVGF, VCBF-BCF…

 

Kết quả của ETF SSIAM VNX50 có được nhờ nhiều cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục đều tăng giá mạnh trong 3 tháng trở lại đây như: VIC (chiếm 11,78% NAV), VNM (chiếm 9,81% NAV), SAB (chiếm 6,75% NAV), ACB (chiếm 5,17% NAV), MSN chiếm (5,34% NAV)…

 

Danh mục đầu tư của ETF SSIAM VNX50

 

 

Top 3 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất danh mục của ETF SSIAM VNX50 là VIC, VNM và SAB liên tục tăng giá từ đầu quý III, trong đó thị giá VIC tăng hơn 83%, VNM tăng 31%, SAB tăng 58%…

 

Không thành công như ETF SSIAM VNX50, TVGF của QLQ Thiên Việt, từng dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm (37,6%), nhưng sau 11 tháng, quỹ này đã bị bỏ lại phía sau. Số liệu đến ngày 30/11, tài sản ròng của TVGF ở mức 210,2 tỷ đồng, tương đương 13.537 đồng/CCQ, tăng 41% so với đầu năm.

 

Một số cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục của quỹ là FPT (chiếm 14,03% NAV), HCM (10,84% NAV) và VSC (chiếm 6,32% NAV, GMD (chiếm 6,28% NAV)… Tuy nhiên, ngoài FPT có sự tăng giá từ cuối tháng 6 (tăng 29%), những cổ phiếu còn lại chỉ tăng khá chậm (HCM tăng 10%, GMD tăng 2%…), hoặc giảm mạnh (VSC giảm 15%..) đây chính là lý do kìm đà tăng của TVGF.

 

Dù không đạt vượt qua VN-Index, một số quỹ khác cũng ghi nhận những con số ấn tượng. Trong đó, quỹ VFMVF4 tăng trưởng NAV cao nhất trong số quỹ mở ở mức 40,8%, theo sau là VFMVF1 tăng trưởng 39%.

 

Danh mục quỹ VFMVF4

 

 

Quỹ mở SSI-SCA được quản lý bởi công ty TNHH quản lý quỹ SSI (SSAM) cũng là 1 trong những quỹ có kết quả khởi sắc, giá trị NAV trên mỗi cổ phiếu đạt 18.779 đồng/CCQ, tăng 31% so với đầu năm, vượt qua quỹ VCBF-BCF (chỉ tăng 29,42%) và VCBF-TBF (tăng 24,7%) của Công Ty Quản Lý Quỹ Vietcombank. Danh mục của SSI-SCA vẫn tập trung vào một số blue- chip tiềm năng tăng trưởng dài hạn như HPG, CTD, MBB, ACB , FPT…

 

Nhìn chung, trong danh mục hầu hết các quỹ đều sở hữu những cổ phiếu lớn dẫn dắt thị trường, trong đó VNM, MWG, ACB, MBB, VIC, HPG… là các mã được “ưa chuộng” nhất.

 

 

Năm 2017 chỉ còn lại 1 tháng sẽ kết thúc và các quỹ nội vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Với tốc độ tăng trưởng NAV gấp 4-5 lần so với tiền gửi tiết kiệm, hy vọng trong thời gian tới các quỹ nội sẽ thu hút được nhiều dòng vốn nhàn rỗi hơn vào thị trường.

PHAN TÙNG


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.