Chính Phủ đã đặt mục tiêu niêm yết cổ phiếu 10 ngân hàng trong giai đoạn 2013-2016. Tuy nhiên, hiện nay tiến trình này đang triển khai chậm.Trên thị trường chứng khoán có 13 trong số 35 ngân hàng thương mại Việt Nam đã đăng ký giao dịch cổ phiếu.
Ngân Hàng TMCP Phát Triển TPHCM (OTC: HDBank), một trong những ngân hàng thương mại lớn của Việt Nam, dự kiến sẽ niêm yết trên sàn HOSE vào tháng 1/2018. Cho đến nay, chỉ 4 nhà băng đã niêm yết trong 3 năm qua.
Nếu HDBank có thể lên HOSE, nhà băng này sẽ là đơn vị đầu tiên trong số 8 ngân hàng thương mại hiện thực hóa kế hoạch niêm yết cổ phiếu trong năm 2018. Các ngân hàng khác là Ngân hàng Phương Đông, Techcombank, Ngân hàng Nam Á, VietABank, TPBank, Maritime Bank và SeABank.
HDBank hướng đến đối tượng là khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong 5 năm trở lại đây, nhà băng này có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trung bình 35%/năm.
Ngân hàng được cho là đang đàm phán với các nhà đầu tư nước ngoài, nhằm huy động 300 triệu USD từ việc bán 20% vốn trước khi chính thức niêm yết. Moody’s Investors Service cho rằng, việc tăng vốn sẽ giúp ngân hàng tăng cường tài sản cơ sở và tăng khả năng xử lý rủi ro trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng toàn ngành đang ở mức cao.
Theo Nikkei, nhìn chung, tiến trình niêm yết đang diễn ra khá chậm ở Việt Nam. Năm 2017, chỉ có bốn ngân hàng đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán tập trung. Chỉ duy nhất VPBank niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE, trong khi các ngân hàng khác như: Kienlongbank và LienVietPostBank, VIB đăng ký giao dịch trên UPCoM. Việt Nam đã bỏ lỡ mục tiêu niêm yết cổ phiếu của 10 ngân hàng thương mại vào cuối năm 2016.
Mục đích của Chính phủ khi bắt buộc các ngân hàng thương mại phải niêm yết cổ phiếu nhằm thanh lọc các tổ chức yếu kém, khuyến khích sự minh bạch trong ngành ngân hàng và xây dựng môi trường ngành đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Hiện nay, Chính phủ dự kiến sẽ kéo dài thời hạn niêm yết của các ngân hàng đến năm 2020.
Việc niêm yết cổ phiếu các ngân hàng là một trong những biện pháp của Chính Phủ để cơ cấu lại ngành ngân hàng Việt Nam sau giai đoạn tồn tại các khoản cho vay kém hiệu quả.
Phan Tùng/Neikei Asia
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.