Chia sẻ:

Khả năng lớn thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ nâng hạng

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một năm 2017 tăng trưởng ngoạn mục. Tổng giá trị giao dịch trên sàn HSX đạt xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2016.

 

2017 cũng là năm mua ròng kỷ lục của khối ngoại với hơn 1 tỷ USD, xấp xỉ lượng mua ròng trong 10 năm tại HSX.

 

Với hơn 20 năm kinh nghiệm trên các thị trường quốc tế như Mỹ, EU, Hong Kong (Trung Quốc), ông Thomas Felix Baden, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ UniCap bày tỏ sự lạc quan về cơ hội trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.

 

“Thị trường chứng khoán Việt Nam đang tăng trưởng rất ấn tượng. Khối lượng giao dịch ngày càng cao. Nếu như 4 năm trước thanh khoản vào khoảng 50 triệu USD mỗi ngày, còn thấp hơn nhiều so với Phillipines, thì hiện nay Việt Nam đã vượt Philippines.

 

Chúng ta cũng thấy có nhiều cổ phiếu lớn hơn trên thị trường. Để tiếp tục cải thiện tính hấp dẫn và phát triển thị trường, tôi nghĩ nhiều công ty cần phải tiến hành IPO hơn nữa, thu hút dòng thêm vốn ngoại”, ông nói.

 

Ông có đánh giá như thế nào về câu chuyện thoái vốn của Việt Nam?

 

Đây là bước đi đúng đắn của Chính phủ Việt Nam với kế hoạch cổ phần hóa trong các năm tới.

 

Không chỉ góp phần giải phóng nguồn vốn để Chính phủ tái đầu tư vào các dự án khác như hạ tầng, y tế, mà bước đi này sẽ còn tạo thêm sức hấp dẫn cho thị trường, tạo ra các cơ hội đầu tư mới cho cả khối nội và ngoại.

 

Như trường hợp Vinamilk, sức tăng của cổ phiếu lớn này đã góp phần đáng kể giúp chỉ số chính của thị trường đi lên trong vài tháng vừa qua. Sabeco cũng có thể là một thương vụ đáng chú ý tương tự trong thời gian này.

 

Theo ông, khả năng Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi có cao?

 

Khi cân nhắc các tiêu chí của thị trường cận biên, Việt Nam đều đáp ứng được. Môi trường vĩ mô không có bất ổn chính trị, lạm phát cũng ở mức trung bình, thanh khoản thị trường tăng đều qua các năm. Đây là dấu hiệu tốt để hỗ trợ việc nâng hạng thị trường.

 

Tuy nhiên về thời điểm cụ thể, chúng ta chưa thể khẳng định, vì đây là quyết định cần sự đồng thuận từ nhiều phía. Tuy nhiên, với các tiêu chí mà các bạn đã đạt được, tôi nghĩ khả năng là rất lớn.

 

Vậy khoảng cách giữa thị trường Việt Nam và các nước phát triển trong khu vực có lớn không? Và có điều gì Việt Nam có thể học hỏi từ các quốc gia này?

 

Tôi cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang tiệm cận giai đoạn của thị trường chứng khoán Trung Quốc 10 năm về trước, hơn nữa lại có lơi thế của người đi sau.

 

Các bạn vừa có thể học hỏi những cái được mà các thị trường như Thượng Hải, Hồng Kông đã đạt được, cùng lúc vừa có thể nhìn vào các sai lầm của họ trong quá khứ để tránh.

 

Một vấn đề cũng cần phải xem xét, đó là có nên hay không cân nhắc đầu tư nguồn vốn Việt Nam ra nước ngoài, như Trung Quốc đã làm 10 năm trước, hoặc Nhật Bản trước đó, để qua đó mang về các giá trị cho đất nước và phát triển thị trường nội địa. Việt Nam cũng có thể là một trong các quốc gia tiếp theo trong trào lưu này.

VĂN CAO


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.