Chia sẻ:

Các quỹ nội ‘thắng đậm’ trong năm 2017

Kết thúc năm 2017, VN-Index tăng 46,5% dừng ở mức 984,24 điểm và đã chính thức vượt mốc 1.000 điểm trong phiên ngày 03/01/2018.

 

Với sự tăng trưởng mạnh của thị trường trong năm 2017, các quỹ đầu tư nội địa cũng ghi nhận kết quả khởi sắc, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, trong đó cá biệt có quỹ đã vượt xa VN-Index về tốc độ tăng trưởng.

 

Cái tên đầu tiên phải nhắc đến là quỹ ETF SSIAM VNX50 do Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) quản lý. Năm 2017, quỹ này ghi nhận kết quả cao nhất trong lịch sử và đánh bại VN-Index.

 

Tính đến cuối tháng 12, giá trị tài sản ròng (NAV) của ETF SSIAM VNX50 đạt gần 127 tỷ đồng, tương đương 13.076 đồng/CCQ, tăng 60,34% so với đầu năm, vượt qua mức 46,5% của VN-Index và hàng loạt quỹ nội khác.

 

Kết quả của ETF SSIAM VNX50 nhờ sự đóng góp từ nhiều cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục như: VIC (chiếm 11,78% NAV), VNM (chiếm 9,81% NAV), SAB (chiếm 6,75% NAV), ACB (chiếm 5,17% NAV), MSN chiếm (5,34% NAV) …

 

 

Nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất danh mục của ETF SSIAM VNX50 đều ghi nhận mức tăng ấn tượng trong năm 2017 trong đó VIC tăng hơn 93%, VNM tăng 72%, SAB tăng 34%, MSN tăng 98%…

 

Trên sàn HOSE, chứng chỉ quỹ (CCQ) của ETF SSIAM VNX50, mã FUESSV50 cũng cho tín hiệu khởi sắc. Tính đến 29/12, FUESSV50 có giá 13.000 đồng/ccq, tăng 23% so với thời điểm mới lên sàn.

 

 

Các quỹ mở khởi sắc

 

Bên cạnh quỹ ETF SSIAM VNX50, cái tên thứ hai và cuối cùng vượt qua VN-Index là quỹ TVGF (HOSE: FUCTVGF1). Đến cuối 2017, NAV của quỹ ở mức 206 tỷ đồng, tương ứng NAV/chứng chỉ quỹ đạt 13.733 đồng.

 

Trong tháng 11 và tháng 12 năm 2017, quỹ đã thanh toán cổ tức 15 tỷ (1,000 đồng/chứng chỉ quỹ) cho cổ đông và phí thưởng vượt lợi nhuận tiêu chuẩn cho công ty quản lý quỹ TVAM 12.8 tỷ. Tính bao gồm các khoản này, NAV của quỹ đạt mức tăng trưởng 56,5% trong năm 2017.

 

Trên sàn HOSE giá chứng chỉ quỹ FUCTVGF1 tính đến cuối 2017 ở mức 12,950 đồng, tăng 12.950 đồng/ccq, tăng 38% so với đầu năm.

 

Hiện nay, FUCTVGF1 đang giữ tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt cân bằng ở mức 75%/25%, với danh mục cổ phiếu đa dạng, trong đó một số cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn như VSC (8,16%NAV), CEO (6,08%NAV), FPT (5,76%NAV), ACB (6,23% NAV)…

 

Trong quý I/2018, FUCTVGF1 sẽ cân nhắc thực hiện trả thêm cổ tức 500 đồng/chứng chỉ quỹ cho nhà đầu tư.

 

Bên cạnh 2 vị trí đứng đầu, một số quỹ khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng tài sản ròng cao trong năm 2017 như VFMVF1 (tăng 43,29%), VFMVF4 (tăng 45,55%)…

 

 

Danh mục của VF4 tính đến 30/11/2017

 

Dù không vượt qua VN-Index về tốc độ tăng trưởng nhưng nhiều quỹ mở cũng đạt kết quả ấn tượng.

 

Quỹ mở SSI-SCA được quản lý bởi công ty TNHH quản lý quỹ SSI (SSAM) có một năm thành công, về đích thứ 2 chỉ sau quỹ ENF.

 

Tính tới cuối năm 2017, NAV/CCQ của SSI-SCA đạt 19.551 đồng/ccq, tăng 36% so với đầu năm, giữ vị trí thứ 2 trong danh sách các quỹ mở, vượt qua nhiều cái tên khác như VCBF-BCF, VCBF-TBF, VEOF, MAFEQ…

 

Tài sản ròng của SSI-SCA ước đạt gần 337 tỷ đồng, tăng hơn 95% từ khi thành lập vào tháng 9/2017, bỏ xa mức 62% của VN-Index. Sự tăng trưởng của quỹ đến từ việc lựa chọn danh mục thận trọng và bền vững tập trung vào một số blue- chip tiềm năng tăng trưởng dài hạn như HPG, CTD, MBB, ACB, FPT…

 

 

Quỹ mở ENF do Eastspring quản lý vẫn duy trì vị trí số 1 về mức tăng trưởng trong số các quỹ mở trên thị trường.

 

Trong tuần cuối của 2017, NAV của ENF tăng trưởng tới 3,24%, nâng giá trị NAV/CCQ lên 19.466 đồng/ccq. Theo đó, cả năm 2017, tài sản ròng của quũy ENF đã tăng 38,4% cao nhất trong 2 năm trở lại đây.

 

Một điểm đáng chú ý là quỹ ENF phân bổ khoảng 72% giá trị tài sản vào cổ phiếu trong khi 27,5% danh mục là tiền mặt nhưng quỹ này lại có mức tăng trưởng vượt trội so với mặt bằng chung. Những cổ phiếu mà ENF nắm giữ có thể điểm tới như FPT (chiếm 15,16% NAV), MBB (chiếm 7,35% NAV), ACB (5,89%)…

 

Sau khi rơi xuống vị trí thứ 3 vào giữa tháng 8/2017, quỹ VCBF- BCF được quản lý bởi Công ty quản lý quỹ Vietcombank đạt mức tăng trưởng 35,51% trong cả năm 2017, với NAV/ccq ở mức 19.097 đồng. Trong đó, 79% tài sản của quỹ là cổ phiếu và hơn 20% là tiền mặt. Tính đến cuối tháng 11, các cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của VCBF- BCF là VNM (chiếm 11,8%), MBB (chiếm 7,5%), NCT (chiếm 5,5%)…

 

Nhìn chung năm 2017, các quỹ đều gặt hái thành công, với mức tăng trưởng tài sản ròng bình quân trên 20% – con số bỏ xa mức lãi suất ngân hàng hiện nay. Với kết quả này, kênh đầu tư vào các quỹ đã trở nên hấp dẫn hơn nhiều so với kênh gửi tiết kiệm tại các ngân hàng hiện nay và điều này có lẽ sẽ khiến nhiều người cân nhắc lại vào quyết định của mình.

LÊ HẢI


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.