Chia sẻ:

Dòng vốn ngoại là yếu tố chính hấp thụ các đợt bán vốn ‘tỷ đô’ năm 2018

Năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục diễn ra những đợt bán vốn và IPO doanh nghiệp Nhà nước với quy mô có thể lên tới ‘tỷ đô’.

 

Chỉ riêng trong đầu năm, 4 thương vụ IPO “bom tấn” của các doanh nghiệp khủng có vị thế ngành sẽ diễn ra gồm Tập đoàn Cao su, Lọc dầu Dung Quất, PV Oil và PV Power. Tổng giá trị IPO của 4 doanh nghiệp này ước tính khoảng trên 1 tỷ USD.

 

Bên cạnh đó, nhiều tổng công ty và doanh nghiệp lớn khác như Petrolimex, Vinatex, Vinawaco, Hancorp, Vinapharm, Vinamed… cũng sẽ tiếp tục triển khai bán vốn Nhà nước theo lộ trình được Chính phủ thông qua.

 

Nhìn xa hơn trong giai đoạn 2018-2020, Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán Sài Gòn – SSI Research, tổng số vốn huy động qua thị trường chứng khoán có thể cần 30 tỷ USD, tương đương 26,1% vốn hóa HOSE và khoảng 19,6% vốn hóa của toàn thị trường (HOSE, HNX và HNX) vào cuối năm 2017. Trong đó, cần hấp thụ khoảng 9,7 tỷ USD cho các đợt IPO, 16,6 tỷ USD cho các đợt thoái vốn của doanh nghiệp Nhà nước cùng khoảng 3,8 tỷ USD vốn từ các Ngân hàng.

 

Với lượng cổ phần giá trị lớn chuẩn bị xuất hiện, những dấu hỏi về khả năng hấp thụ của thị trường cũng được đặt ra.

 

Theo bà Hoàng Việt Phương – Giám đốc Phân tích Tư vấn và Đầu tư Khách hàng tổ chức CTCP Chứng khoán Sài Gòn (HOSE: SSI), nhà đầu tư không cần lo ngại về khả năng hấp thụ của thị trường, khi lượng lớn vốn, cổ phần được cung ra thì sẽ có một lượng cầu tương ứng đủ sức tiêu thụ. Điều quan trọng là chất lượng của doanh nghiệp chào bán cổ phần và mức giá đưa ra hợp lý, hấp dẫn với người mua. Bên cạnh đó, việc tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế chào mua và đa dạng hình thức chào bán tạo điều kiện thuận lợi cho phía mua cũng là những yếu tố thúc đẩy nhà đầu tư tham gia.

 

Trường hợp của Vinamilk và Sabeco – 2 doanh nghiệp hàng đầu ngành sản xuất, phân phối sữa và bia của Việt Nam là những ví dụ rõ nét nhất. Giá trị thoái vốn của hai doanh nghiệp này đều ở mức kỷ lục, trong đó hơn 53% vốn của Sabeco đã được bán với giá gần 4,9 tỷ USD, thương vụ giá trị lớn nhất thập kỷ trở lại đây.

 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Bảo – Phó tổng giám đốc của CTCK Bản Việt cho rằng, thị trường hoàn toàn có thể hấp thụ lượng lớn cổ phần được tung ra, tuy nhiên vấn đề là cổ phần của doanh nghiệp nào sẽ được chọn. Nhà đầu tư sẽ hướng đến cổ phiếu của những doanh nghiệp tốt trong ngành có tiềm năng phát triển và cơ cấu tài chính cân đối ổn định.

 

Ông Bảo cũng cho rằng, nhân tố chính đóng góp vào thị trường trong năm 2018 sẽ là dòng vốn ngoại. Hiện nay, có rất nhiều nhà đầu tư ngoại đang quan tâm đến các doanh nghiệp Việt Nam và sẵn sàng chào mua cổ phần nếu mức giá khởi điểm hợp lý.

 

Theo ông Bảo, trong năm nay, cổ phần tại các doanh nghiệp chào bán với tỷ trọng phần trăm trên vốn cao (đều ở mức 2 con số), không nhỏ lẻ như những năm trước, từ đó thu hút rất lớn nhà đầu tư ngoại. Đơn cử như PVOil chào bán công khai 20% vốn, bán cho nhà đầu tư chiến lược hơn 44,7% vốn; Lọc hóa dầu Bình Sơn IPO 7,8%, bán đối tác chiến lược 49%…

 

Đánh giá chung về thị trường chứng khoán trong năm 2018, ông Bảo cho rằng, với lượng lớn cổ phần của các doanh nghiệp được đẩy ra bên ngoài, thanh khoản và giá trị giao dịch sẽ tiếp tục gia tăng. Theo đó, thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trên đà khởi sắc của năm 2017.

LÊ HẢI


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.