Thoái vốn
Giao dịch quỹ có khối lượng lớn nhất công bố trong tuần qua là việc công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) bán toàn bộ hơn 7,7 triệu cp CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) vào ngày 29/1. Như vậy, SSIAM đã không còn sở hữu cổ phiếu FMC.
Trong khi đó CTCP PAN Farm thông báo hoàn tất gom 11,5 triệu cp FMC để trở thành cổ đông lớn nắm giữ 34,17% vốn. Như vậy, FMC đã trở thành công ty liên kết của PAN Farm và là thành viên trong gia đình PAN Group.
Một giao dịch quỹ khác cũng gây sự chú ý khi Mekong Capital chính thức chia tay khoản đầu tư vào CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HoSE: MWG) sau khi bán hết 5 triệu cp còn lại từ 9/1 đến 26/1.
Với việc bán 5 triệu cổ phiếu MWG với giá 165.000 đồng/cp, lợi nhuận thu về cho Mekong Capital từ thương vụ vào khoảng trên 199 triệu USD. Quỹ này đã đạt tỷ suất lợi nhuận 57 lần và IRR trên 61% trong giai đoạn 10,5 năm nắm giữ cổ phần.
Quỹ đầu tư giá trị Bảo Việt (BVIF) cũng thông báo đã tất toán khoản đầu tư vào Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacontrol (HNX: VNC). Cụ thể, BVIF đã bán ra 1,14 triệu cp VNC vào ngày 26/1, giá trị thoái vốn khoản đầu tư này là hơn 46,7 tỷ đồng.
Khoản thoái vốn cuối cùng công bố tuần qua là Utilico Emerging Markets Limited bán ra 175.460 cp Công ty cổ phần CNG Việt Nam (HoSE: CNG) vào ngày 25/1. Sau giao dịch, quỹ này còn sở hữu hơn 1,8 triệu cp CNG, tương ứng với tỷ lệ 6,82%. Trước đó, Utilico cũng liên tiếp bán ra cổ phiếu CNG với số lượng nhỏ từ 5/1 và có khả năng sẽ còn thoái vốn trong thời gian tới.
Chiều mua nổi bật Pyn Elite
Ở chiều mua, PYN Elite là quỹ có khối lượng giao dịch lớn nhất tuần qua với việc gom thêm tổng cộng 2,2 triệu cổ phần tại 3 mã cổ phiếu HBC, SVC và ELC; giá trị 3 khoản đầu tư này tầm 90 tỷ đồng.
Cụ thể, Pyn Elite tiếp tục mua qua sàn 724.970 cổ phiếu CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HoSE: HBC) để tăng khối lượng sở hữu lên 21,4 triệu cp, tương ứng tỷ lệ 16,48%. Ngày thực hiện giao dịch vào 25/1.
Kể từ thời điểm bán 854.900 cổ phiếu HBC vào 18/10/2017, giảm sở hữu về 17,3 triệu cp thì quỹ Phần Lan này lại quay ngược gom vào HBC. Cụ thể, PYN đã mua qua sàn 626.960 cổ phiếu HBC vào ngày 2/1 tăng tỷ lệ sở hữu lên 15,08%, sau đó tiếp tục mua vào để nâng sở hữu lên 15,93% vào 24/1.
Cùng ngày 25/1, Pyn Elite đã mua qua sàn 874.310 cổ phiếu CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico – HoSE: SVC), tăng tỷ lệ sở hữu lên 7,77%, tương ứng 1,94 triệu cp và trở thành cổ đông lớn của SVC.
Đồng thời, Pyn Elite cũng mua vào 601.560 cổ phiếu CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ Điện tử Viễn thông (HoSE: ELC) vào ngày 25/1. Sau giao dịch, quỹ ngoại này tăng sở hữu lên 3,3 triệu cp, tương ứng với tỷ lệ 6,51%. Hiện ELC có khá nhiều quỹ đầu tư đang sở hữu như Quản lý quỹ SSI, Samarang Ucits (trước là Halley Sicav), Vietnam Equity Holding, Pyn Elite,…
KB Vietnam Focus Balanced Fund, một thành viên của nhóm Dragon thông báo đã hoàn tất mua vào 1 triệu cp CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật T.P Hồ Chí Minh (HoSE: CII) trong khoảng 22/1-25/1. Sau giao dịch, quỹ có liên quan đến Dragon đang nắm giữ 3 triệu cp, tương ứng tỷ lệ 1,21% và tiếp tục đăng ký mua thêm CII trong thời gian tới.
Còn CTCP Quản lý quỹ Đầu tư MB (MB Capital) và Quỹ Đầu tư giá trị MB Capital (MBVF) cũng mua vào 1 triệu cp CTCP Nước sạch Vinaconex (UPCoM: VCW) vào 25/1. Như vậy, hiện nhóm MB Capital là cổ đông lớn thứ 3 tại VCW với sở hữu 6,6% vốn. Trước đó 15/1, nhóm MB Capital cũng mua vào NHH và trở thành cổ đông lớn tại NHH với sở hữu 5,4% vốn.
Về VCW, cơ cấu cổ đông công ty trong thời gian qua biến động mạnh. Đầu tiên, Vinaconex (VCG) hoàn tất bán 25,5 triệu cổ phiếu VCW cho 2 nhà đầu tư là Cơ điện lạnh (REE) và CTCP Đầu tư và Phát triển Sinh thái (công ty con của Tập đoàn Vingroup) vào ngày 22/12.
Tuy nhiên không lâu sau đó, Đầu tư và Phát triển Sinh thái lại công bố đã bán toàn bộ 25,21 triệu cp VCW vào hôm 4/1. Cùng ngày, Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex thông báo hoàn tất gom 10 triệu cp để tăng sở hữu tại VCW lên 12,34 triệu cp, tỷ lệ 24,68% vàtrở thành cổ đông lớn. Và giờ là sự xuất hiện của cổ đông lớn thứ 3 nhóm MB Capital sau REE và Năng lượng Gelex.
Hai giao dịch mua vào khác là AFC Vietnam Fund gom thêm 21.400 cổ phiếu CTCP Bia Hà Nội – Hải Dương (HNX: HAD) để tăng sở hữu lên 280.400 cp, tương ứng tỷ lệ 7,01%. Trong khi đó, Amerca LLC mua thêm 500 cp CTCP Phát triển Đô thị Kiên Giang (UPCoM: KGU) để tăng tỷ lệ sở hữu lên 12,02% vào 23/1.
Đăng ký mua bán khối lượng lớn
Tiếp bước Mekong Capital, CDH Electric Bee Limited chính thức thông báo bán lượng cổ phần cuối cùng của mình tại Thế giới di động. Theo đó, CDH đã đăng ký thoái toàn bộ 1,2 triệu cp MWG, tương ứng tỷ lệ 0,4% từ ngày 7/2 đến 24/2.
CDH đã lần lượt thoái vốn khỏi MWG kể từ 2016 khi bán ra 3 triệu cp và chỉ còn sở hữu 3,22% vốn. Sau đó, cổ đông này tiếp tục bán dần cổ phiếu MWG; cụ thể, CDH đã bán 1,25 triệu cp trong khoảng 11/4-10/5/2017. Đến tháng 7/2017, CDH bán tiếp 2 triệu cp và đầu tháng 11/2017 lại bán 479.630 cổ phiếu, giảm sở hữu về 2,5 triệu cp.
Một quỹ khác cũng bán bớt cổ phần là Imperial Dragon Investments Limited khi quỹ này thông báo thoái 4,1 triệu cp CTCP Bamboo Capital (HoSE: BCG) trong thời gian 7/2-28/2. Nếu giao dịch thành công, quỹ này sẽ còn nắm 6,99% vốn BCG.
Platinum Victory Pte.Ltd sau khi thất bại gom cổ phiếu REE của CTCP Cơ điện lạnh lại tiếp tục đăng ký mua vào 3,4 triệu cp từ 7/2 đến 8/3. Trước đó trong khoảng 28/11-27/12/2017, Platinum chỉ mua được 3,21 triệu cp trên tổng số 6,6 triệu cp đăng ký. Ngay khi không mua đủ số lượng mong muốn, Platinum Victory lập tức đăng ký mua thêm cho “đủ số lượng” nhưng kết quả vẫn chưa được như ý muốn.
Platinum Victory đã đầu tư vào khá nhiều cổ phiếu đang niêm yết trên thị trường và gây chú ý khi ôm trọn số cổ phần Vinamilk do SCIC thoái vốn. Không chỉ mua được số cổ phần đó, Platinum Victory còn rót lượng lớn vốn liên tiếp mua thêm cổ phiếu VNM để nâng lượng sở hữu tại Vinamilk lên 10%.
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.