Tháng 2/2018, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có khoảng thời gian khó quên đối với các nhà đầu tư với những biến động trồi sụt rất mạnh.
Đỉnh điểm nhất là phiên 5/2, do ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình thế giới, VN-Index bất ngờ giảm 56,33 điểm (-5,1%) xuống 1.048,71 điểm, đây là mức giảm điểm mạnh thứ 3 trong lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam. Đà tiêu cực còn tiếp tục diễn ra ở phiên sau đó, thị trường thậm chí “bay” 20 tỷ USD vốn hóa chỉ trong 2 phiên.
Tuy nhiên, những diễn biến của thị trường ở các phiên nay trước và sau Tết Nguyên Đán Mậu Tuất lại đi ngược hoàn toàn. Cả hai chỉ số liên tục bứt phá mạnh nhờ lực đẩy của các dòng cổ phiếu như ngân hàng, dầu khí, chứng khoán… Thị trường đã gần như lấy lại được hết những gì đã mất ở đợt sụt giảm có phần ‘thái quá’ trước đó.
VN-Index kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2 ở 1.121,54 điểm (tăng 1,01% so với cuối tháng 1. HNX-Index cũng tăng 1,71% lên 128.05 điểm.
Một điểm đáng chú ý nữa của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 2 là việc khối ngoại giao dịch có không còn tích cực. Cụ thể, khối ngoại trên sàn HOSE và HNX đã mua ròng trên HOSE nhưng tiếp tục bán ròng trên HNX. Họ mua vào tổng cộng 457 triệu cổ phiếu, trị giá 22.093,6 tỷ đồng, trong khi bán ra 394 triệu cổ phiếu, trị giá 19.414,7 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt 63 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng đạt 2.679 tỷ đồng.
Trên sàn HOSE, khối ngoại có tháng mua ròng thứ 5 liên tiếp, với giá trị giảm 69% so với tháng 1 và đạt 2.810 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng đạt 70 triệu cổ phiếu.
Dù việc khối ngoại vẫn mua ròng trên 2.800 tỷ đồng ở tháng 2 những nhìn rộng ra thì giao dịch của họ lại không mấy khả quan. Trong tháng 2/2018, VRE đã đóng góp hơn 3.763,5 tỷ đồng vào tổng giá trị mua ròng sàn HOSE. Đáng chú ý hơn nữa là phiên ngày 6/2 khối ngoại đã mua vào 94,5 triệu cổ phiếu này thông qua phương thức thỏa thuận (4.512 tỷ đồng). Nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận của VRE thì khối ngoại trên HOSE trong tháng 2 đã bán ròng rất mạnh.
Tiếp sau đó, VIC tiếp tục được khối ngoại mua ròng mạnh với gần 509 tỷ đồng. Đáng chú ý, CCQ ETF nội E1VFVN30 dù giá trị mua ròng của khối ngoại đã giảm đáng kể so với tháng trước nhưng vẫn là khá cao so với mặt bằng chung của tháng 2, đạt 267 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, HPG vươn lên dẫn đầu danh sách bán ròng với 1.191 tỷ đồng. VJC và VNM bị bán ròng lần lượt 384,5 tỷ đồng và 378,6 tỷ đồng. VCB và KBC đều có giá trị bán ròng lớn hơn 100 tỷ đồng.
Còn tại sàn HNX, khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 131,5 tỷ đồng, giảm 73% so với tháng 1, tương ứng khối lượng bán ròng đạt 6,7 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại trên HNX đẩy mạnh mua ròng cổ phiếu VCG với giá trị hơn 61,2 tỷ đồng. SHB và SHS được mua ròng lần lượt 26,4 tỷ đồng và 13 tỷ đồng.
Về phía bán ròng, PVS dẫn đầu danh sách này với 100,8 tỷ đồng. Một cổ phiếu dầu khí khác là PGS cũng bị khối ngoại bán ròng mạnh với 42,3 tỷ đồng. HUT và VGC bị bán ròng lần lượt 23 tỷ đồng và 20,6 tỷ đồng.
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.