Chia sẻ:

KIẾM TIỀN TỪ PHÂN TÍCH CƠ BẢN – Phần 2: Sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền để định giá cổ phiếu (Số thứ bảy)

 

Trong 6 số trước (Phần 2 – Kiếm tiền từ phân tích cơ bản), ABS đã giới thiệu với các bạn chi tiết các bước thực hiện một phân tích chiết khấu dòng tiền để định giá cổ phiếu. Sau khi các bước tính toán/điều chỉnh đã hoàn thành, chúng ta cần sử dụng kết quả phân tích một cách tối ưu để có thể sử dụng trong việc mua bán cổ phiếu thực tế trên thị trường. Số bài viết lần này, ABS sẽ kết thúc phần 2 bằng cách chỉ ra các lưu ý trong việc sử dụng phương pháp định giá cổ phiếu này nhé.

So sánh giá trị nội tại với giá trị thị trường

Nhiều nhà đầu tư thích nghĩ về cổ phiếu theo giá của mỗi cổ phần. Bây giờ khi bạn đã có giá trị nội tại của cổ phiếu, bạn có thể hoàn thành phân tích bằng cách ước tính giá trị nội tại trên mỗi cổ phần của doanh nghiệp. Để làm điều này, chỉ cần chia giá trị nội tại 144.318 tỷ đồng (giá trị nội tại của mã VHM được tính toán trong số trước) cho số lượng cổ phiếu đang lưu hành, mà chúng ta đã tính ở số thứ 3 là 4.354.367.488  cổ phiếu. Câu trả lời: Giá trị nội tại của VHM là 33.143 đồng trên một cổ phiếu. Sau đó bạn so sánh giá trị nội tại của cổ phiếu với giá cổ phiếu hiện tại, sử dụng các quy tắc trong bảng bên dưới:

 

 

Vào thời điểm tính toán giá trị nội tại của cổ phiếu (31/12/2022), giá cổ phiếu VHM rơi vào khoảng 48.000 đồng một cổ phiếu. Sử dụng phân tích chiết khấu dòng tiền chúng ta có thể đưa ra kết luận: Cổ phiếu VHM đang được đánh giá quá cao ở thời điểm đầu năm 2023.

Đừng chỉ vì một cổ phiếu có vẻ bị thị trường đánh giá thấp theo phân tích DCF mà quyết định mua nó ngay lập tức. Phân tích DCF phụ thuộc rất nhiều vào các giả định và ước tính mà bạn đưa ra, chúng tôi sẽ giải thích thêm ở phía dưới. Các nhà phân tích cơ bản sử dụng phân tích DCF như một trong số rất nhiều công cụ trước khi quyết định có nên mua một cổ phiếu hay không.

Sử dụng phân tích dòng tiền chiết khấu một cách hiệu quả

Có lẽ nhiều người sẽ dừng lại ngay sau khi gặp công thức đầu tiên trong phần này. Chắc chắn rồi, phân tích dòng tiền chiết khấu là một trong những công cụ “chứa nhiều toán học” nhất mà bạn phải làm trong phân tích cơ bản.

Tuy nhiên, đừng để các công thức làm bạn nản chí. Nhiều người ưa thích việc tạo ra bộ khung để đo lường giá trị hợp lý của cổ phần doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh họ lo sợ mình đang trả giá quá cao cho một cổ phiếu. Ngoài “toán học” ra thì DCF là một cách tiếp cận rất tốt để đáp ứng nhu cầu đó.

Những người mới bắt đầu nên sử dụng một vài trang web khác nhau để trợ giúp cho công việc phân tích của mình. Ví dụ New Constructs (www.newconstructs.com) hay Moneychimp’s Cash Flow Calculator (www.moneychimp.com/articles/valuation/dcf.htm) đều cung cấp các công cụ DCF được thiết kế tỉ mỉ để phục vụ cho việc phân tích của các nhà đầu tư chuyên nghiệp .

Những hạn chế của phân tích DCF

Bạn đã từng nghe cụm từ tiếng anh “Garbage in, garbage out” chưa? Đó thực sự là cách tốt nhất để mô tả về phân tích DCF. Trong khi phân tích này tạo ra ấn tượng tuyệt đối bằng cách thuyết phục bạn tin rằng bạn đang đo lường giá trị nội tại của một cổ phiếu chính xác tới từng xu thì thực tế nó phụ thuộc rất nhiều vào các giả định mà bạn đưa ra.

Ví dụ, bạn có thể làm cho hầu hết các cổ phiếu trông rẻ đi nếu bạn tăng mạnh tỷ lệ chiết khấu (đầu vào quan trọng nhất của phân tích DCF). Và mặc dù tỷ lệ chiết khấu có vẻ dựa trên khoa học, thì nó cũng phụ thuộc chính vào ước tính của bạn.

Nói tóm lại, phân tích DCF chỉ là một công cụ và nên được kết hợp với các phân tích khác để có được bức tranh tổng thể về giá trị thực của một cổ phiếu. Hãy cẩn trọng với bất kỳ mô hình định giá nào cho kết quả một cổ phiếu quá rẻ hoặc quá đắt.

ABS xin khép lại phần 2 – Sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền để định giá cổ phiếu tại đây. Các số tiếp trong series Kiếm tiền từ phân tích cơ bản hứa hẹn sẽ mang lại cho các bạn nhiều kiến thức bổ ích và góc nhìn thực tiễn về phân tích cơ bản trong đầu tư chứng khoán. Mời các bạn cùng đón đọc!