Ở hai số gần đây, ABS đã giới thiệu đến bạn một số dấu hiệu mua quan trọng trong phân tích cơ bản. Chọn mua cổ phiếu đúng thời điểm đã khó, chọn bán cổ phiếu đúng thời điểm còn khó hơn rất nhiều. Nếu là một nhà đầu tư, chắc hẳn bạn đã từng rơi vào tình huống éo le này: Vừa bán cổ phiếu xong thì giá của nó bắt đầu “cất cánh” hoặc “X2”. Đừng lo lắng quá, phân tích cơ bản sẽ giúp bạn đặt một số phép tính đằng sau quyết định mua bán của mình để ít nhất thì đó là một lựa chọn có lý trí. Số thứ 4 trong Phần 1: Mua vào hay bán ra này, ABS sẽ cùng bạn phân tích các dấu hiệu “xả hàng”, “cắt lỗ” và “chốt lời” hiệu quả nhé. Cùng bắt đầu thôi !
Tìm kiếm dấu hiệu “xả hàng” trong phân tích cơ bản
Việc xác định thời điểm bán phù hợp là cực kỳ quan trọng khi giao dịch các cổ phiếu riêng lẻ. Khi mua một cổ phiểu riêng lẻ, trái ngược với việc mua các quỹ chỉ số thị trường rộng (broad index funds), bạn đang phải chịu thêm rủi ro đặc thù của công ty phát hành ngoài các rủi ro thông thường khác như biến động lên xuống của thị trường. Một số nhà đầu tư theo trường phái phân tích kỹ thuật thực hiện chiến lược cắt lỗ khi thị giá của cổ phiếu giảm 10% so với giá mua ban đầu để tránh khỏi rủi ro bị “cháy tài khoản” . Với những người theo trường phái phân tích cơ bản, đặc biệt là người mới bắt đầu hoặc thiếu tiềm lực tài chính để nắm giữ cổ phiếu trong dài hạn thì việc củng cố chiến lược với các kế hoạch phòng thủ như vậy cũng là rất cần thiết. Dưới đây là top các lý do để nói lời “từ biệt “ với một cổ phiếu:
– Tăng trưởng doanh thu/lợi nhuận có xu hướng giảm: Nếu bạn bắt đầu cảm thấy tăng trưởng của công ty có dấu hiệu dừng lại, đó có thể là một dấu hiệu cảnh báo về tình trạng khó khăn của công ty trong hiện tại và tương lai gần. Chúng tôi sẽ có một bài viết nói kỹ hơn về cách đo lường các xu hướng (tốt/xấu) ở công ty phát hành.
– Chỉ số tài chính đang xấu đi: Khi thời gian thu tiền khách hàng (các khoản phải thu) hay thời gian thanh toán hoá đơn (nằm trong các khoản phải trả) của doanh nghiệp đột ngột tăng lên đáng kể, đó có thể là dấu hiệu nói cho bạn biết rằng doanh nghiệp đang gặp các vấn đề về tài chính. Mời các bạn đọc lại series phân tích chỉ số tài chính mà ABS đã giới thiệu trước đó để có thêm chi tiết cho dấu hiệu này.
– Quản trị doanh nghiệp yếu kém, hoạt động quản lý đáng ngờ: Khi động cơ của các nhà điều hành doanh nghiệp không phù hợp với động cơ của các nhà đầu tư, đó có thể là rắc rối lớn.
– Được định giá quá cao: Kể cả một doanh nghiệp tốt (và thường là thế) cũng có thể đang bị đánh giá quá cao bởi thị trường. Dù biết là một quyết định khó khăn nhưng tốt nhất là bạn nên bán cổ phiếu khi thị giá của nó tiếp tục leo thang lên mức không bền vững mặc dù từ phía doanh nghiệp phát hành không có dấu hiệu phát triển đột biến gì cả. Như đã đề cập trước đó, có rất nhiều cách để một nhà phân tích cơ bản định giá cổ phiếu: Tỷ suất lợi nhuận (được đề cập trong số thứ 4 – phần 6 trong series phân tích chỉ số tài chính) là một cách; Mô hình DCF (chiết khấu dòng tiền danh nghiệp) là cách thứ 2; Và bạn cũng đừng quên cách thứ 3 khi chúng ta sử dụng PE hoặc PEG để đo lường giá trị cổ phiếu như chúng tôi đã đề cập trong phần 6 của series phân tích chỉ số tài chính trước đó.
– Rủi ro vỡ nợ tăng: Có một câu nói khá hài hước trong giới đầu tư rằng “Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào liên quan đến việc công ty không thể trả nổi lãi vay, hãy bán cổ phiếu trước rồi tìm câu trả lời sau”. Cách đầu tiên để đánh giá rủi ro vỡ nợ của doanh nghiệp là sử dụng tỷ lệ thanh toán lãi vay (interest coverage ratio) như chúng tôi đã giới thiệu trước đó. Khi đọc báo cáo tài chính/ báo cáo thường niên của một doanh nghiệp, hãy chú ý đến ý kiến từ phía kiểm toán. Nếu có ý kiến ngoại trừ, bạn nên cẩn trọng khi sử dụng các báo cáo này làm cơ sở để đo lường sức khoẻ tài chính của doanh nghiệp, đặc biệt là rủi ro vỡ nợ.
– Thường xuyên không đạt kỳ vọng: Các nhà phân tích cơ bản (đặc biệt ở phố Wall) thường định kỳ dự đoán mức lợi nhuận mà họ kỳ vọng một doanh nghiệp sẽ thu được trong một quý hoặc một năm nhất định. Công ty thường xuyên không đạt được kỳ vọng đang cảnh báo bạn rằng giá cổ phiếu của họ đang quá cao, hoặc công ty đang gặp phải một khó khăn nào đó.
– Khẩu vị rủi ro của bạn đã thay đổi: Có thể bạn đã thay đổi công việc của mình gần đây hoặc cần một khoản tiền lớn sớm hơn so với dự kiến. Bạn có thể cân nhắc bán một số cổ phiếu nhỏ lẻ và có tính chất đầu cơ vì chúng thường có xu hướng rủi ro hơn theo thời gian.
Phân tích cơ bản thì khá là lô-gic, nhưng khi bạn nói về “chợ”/về thị trường nơi con người sử dụng tiền để đặt giá lên mọi thứ, cảm xúc có thể tạo nên những điều “tưởng như vô lý nhưng lại rất thuyết phục”. Trước khi khép lại số bài viết này, chúng ta cùng nói về một sự thật phi lô-gic của thị trường khiến cho nhiều nhà đầu tư đau đầu: “Đôi khi thời điểm thích hợp nhất để bán một cổ phiếu là lúc cả thị trường đều đang muốn mua nó”. Đúng vậy, một cổ phiếu doanh nghiệp tốt đôi khi lại là khoản đầu tư kém chất lượng nếu bạn trả giá quá nhiều cho nó. Có một vài dấu hiệu rõ ràng cho việc nhiều nhà đầu tư đang đổ tiền vào một cổ phiếu, làm nó bị định giá cao quá mức và trở thành ứng cử viên sáng giá để bạn “chia tay”:
– Chỉ số PB (price-to-book ratio) bị thổi phồng: Chỉ số PB (PB=giá cổ phiếu/giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu) là dấu hiệu đầu tiên của việc cổ phiếu bị thổi phồng quá mức . Chỉ số này so sánh giá cổ phiếu với giá trị của một công ty theo số liệu sổ sách/kế toán. Cách đơn giản nhất để hình dung về giá trị sổ sách hay book value của một doanh nghiệp là hiệu của tổng tài sản và nợ của doanh nghiệp đó. Khi bạn thấy PB của một cổ phiếu vượt lên cao hơn so với các cổ phiếu cùng ngành, đó là thời điểm bạn nên cân nhắc “xả hàng”.
– Chỉ số PE cao ngất ngưởng: Không may là chúng ta không có một định nghĩa cụ thể nào cho khái niệm “PE cao”. Nhưng có một điều chắc chắn, khi PE của doanh nghiệp cao hơn tương đối so với các doanh nghiệp khác cùng ngành, bạn nên cân nhắc và xem xét “chốt lời” cổ phiếu. Nếu PE của thị trường là 15 mà PE của cổ phiếu đạt trên 100, bạn chắc chắn nên bán đi một ít.
Kết quả phân tích dữ liệu đã chứng minh rằng nhà đầu tư thường được hưởng lợi nhiều nhất khi tránh các cổ phiếu mà nhà đầu tư khác đang nóng lòng mua và chọn mua những cổ phiếu mà hầu hết người khác đang bỏ qua. Đây là phiên bản VN-Index của câu chuyện vịt con xấu xí biến thành thiên nga xinh đẹp. Loại cổ phiếu không phổ biến và ít người mua kể trên được gọi là cổ phiếu giá trị (value stocks), và nó thật tuyệt vời khi mặc dù gần như tất cả các nhà đầu tư đều coi thường giá trị của nó thì trong dài hạn nó không chỉ “out trình” thị trường mà còn “out trình” cả những cổ phiếu tăng trưởng mà các nhà đầu tư cho là khoản đầu tư xuất sắc nhất.
“Khi những người khác bắt đầu nói chuyện nhiều về một cổ phiếu nào đó trong bữa tiệc, đấy là lúc bạn cần bán nó”.