Chia sẻ:

PHÂN TÍCH CHỈ SỐ TÀI CHÍNH – Phần 5.2: Chỉ số đòn bẩy tài chính

Xem phần trước: PHÂN TÍCH CHỈ SỐ TÀI CHÍNH – Phần 5: Chỉ số đòn bẩy tài chính

 

Trong số bài viết trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu các khái niệm cơ bản về cơ cấu tài chính đòn bẩy tài chính – một trong những nội dung quan trọng trong phân tích tài chính doanh nghiệp và phân tích đầu tư. Đồng thời, thông qua biểu đồ ở cuối bài viết, ABS cũng đã giới thiệu đến bạn công thức tính các chỉ số đòn bẩy tài chính phổ biến, thường được sử dụng trong phân tích cơ bản (FA). Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng đi sâu tìm hiểu từng ví dụ cụ thể của bộ chỉ số này.

 

1. Chỉ số nợ trên tổng tài sản

Chỉ số nợ trên tổng tài sản (chỉ số nợ) là chỉ số đòn bẩy tài chính, vừa là chỉ số rủi ro dưới góc độ khả năng thanh toán của doanh nghiệp, vừa là một chỉ số chiến lược khi  xem xét mức độ tài sản được cấp vốn bằng “nợ”.

 

 

Trong đó:

  • Tổng nợ lấy từ chỉ tiêu Nợ phải trả trên Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp, bằng tổng của nợ ngắn hạn và nợ dài hạn.
  • Tổng tài sản lấy từ chỉ tiêu Tổng cộng tài sản trên Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp, bằng tổng của tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn.

Ví dụ

Kết quả tính được hiển thị dưới dạng phần trăm (%). Nếu chỉ số nợ trên tổng tài sản là 59% như ví dụ về Vinhomes trong năm 2022, chúng ta có thể hiểu rằng 59% tài sản của Vinhomes được hình thành từ vốn nợ.

 

 

Ý nghĩa của chỉ số nợ trên tổng tài sản

  • Chỉ số nợ trên tổng tài sản được sử dụng nhiều nhất trong việc đo lường rủi ro của doanh nghiệp, nếu chỉ số này tăng hoặc giảm theo thời gian thì mức độ rủi ro của doanh nghiệp cũng đang thay đổi. Ví dụ, chỉ số nợ của Vinhomes giảm từ 59% năm 2020 xuống còn 43% năm 2021. Điều này có nghĩa là mức độ an toàn của doanh nghiệp đã được cải thiện, Vinhomes có ít nguy cơ mất khả năng thanh toán trong năm 2021 hơn so với năm 2020. Đó là bởi vì, theo lý thuyết, doanh nghiệp này có nhiều tài sản sẵn sàng được bán để đáp ứng nghĩa vụ trả nợ hơn, cho phép công ty tiếp tục hoạt động với tình trạng tài sản ít bị xáo trộn hơn.
  • Chỉ số nợ giảm có thể đến từ một trong hai hoặc cả hai việc sau: (1) Nợ giảm xuống và (2) tổng tài sản tăng lên. Ở trường hợp thứ 2, chỉ số này có thể là chỉ báo cho sự cải thiện trong công tác kinh doanh của doanh nghiệp, ví dụ như doanh thu tốt hơn (làm gia tăng tài sản và vốn chủ sở hữu mà ko tăng nợ) hoặc tài sản cố định tăng giá (đất đai, bất động sản…). Trường hợp nào thì cũng là dấu hiệu tích cực đối với doanh nghiệp.
  • Nếu chỉ số nợ lớn hơn 100% thì theo lý thuyết, dù cho doanh nghiệp có bán hết tất cả tài sản của mình thì cũng không đủ để trả hết nợ. Đây là dấu hiệu rất tiêu cực cho cả doanh nghiệp, chủ nợ và chủ đầu tư của doanh nghiệp đó.

 

Hạn chế của chỉ số nợ trên tổng tài sản

  • Hạn chế lớn nhất của chỉ số này là bao quát quá rộng khi tử số và mẫu số trong công thức tính là tổng nợ và tổng tài sản mà không phải các nhóm chỉ tiêu chi tiết hơn, như tài sản ngắn hạn hay nợ dài hạn. Điều này có thể ảnh hưởng đến độ hữu dụng của nó khi đo lường mức độ rủi ro của một doanh nghiệp. Ví dụ, một doanh nghiệp có thể có cơ cấu nợ phần lớn là nợ dài hạn, không cần thiết phải hoàn trả lại trong tương lai gần, việc sử dụng tổng nợ (cả nợ ngắn hạn và dài hạn) để tính toán có thể khiến chúng ta đánh giá sai về mức độ rủi ro (ít nhất cho tương lai gần) của doanh nghiệp.
  • Thứ hai, chúng ta đang sử dụng giá trị sổ sách của tài sản trong công thức tính toán chỉ số này. Kể cả khi được ghi nhận ở giá trị thị trường, nếu được bán ra nhanh chóng để trả nợ thì giá trị của chúng có thể vẫn thấp hơn giá trị thị trường. Cũng giống như việc chúng ta cố gắng bán một căn nhà càng nhanh càng tốt, chúng ta luôn phải chấp nhận bán nó với một mức giá thấp hơn giá thị trường. Đây là lý do vì sao việc sử dụng chỉ số nợ để đánh giá khoản tiền còn lại cho chủ sở hữu trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, hay đánh giá khả năng trả hết nợ của doanh nghiệp, có thể sẽ không hoàn toàn chính xác 100%.

 

2. Chỉ số nợ trên vốn chủ sở hữu

Chỉ số nợ trên vốn chủ sở hữu phản ánh mức độ “quyết liệt” (aggressive) trong chính sách nợ của một doanh nghiệp, “quyết liệt” ở đây chỉ việc doanh nghiệp sử dụng vốn vay hay “đòn bẩy” để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng thay vì chỉ phụ thuộc vào vốn cổ phần hay lợi nhuận giữ lại (retained earnings) để làm điều tương tự.

 

Ví dụ

Tương tự như chỉ số nợ trên tổng tài sản, kết quả thường được hiển thị dưới dạng phần trăm (%). Con số của CTCP Vinhomes trong năm 2021 là 75%, chúng ta có thể hiểu rằng với mỗi 100 đồng vốn chủ sở hữu thì doanh nghiệp lại sử dụng 75 đồng vốn nợ để tài trợ cho các hoạt động kinh doanh của mình.

 

 

Ý nghĩa

  • Chỉ số nợ trên vốn chủ sở hữu càng cao, doanh nghiệp sử dụng “đòn bẩy” càng lớn, tốc độ tăng trưởng tiềm tàng của doanh nghiệp càng lớn. Điều này xảy ra vì số lượng tài sản phục vụ cho hoạt động kinh doanh nhiều lên (bằng nợ ngoài) trong khi mức vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp vẫn không thay đổi (xem thêm số bài viết trước). Phần lợi nhuận tăng thêm được giữ lại một phần sau khi phân bổ cổ tức cho cổ đông làm tăng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, từ đó lại thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp cao hơn nữa.
  • Mặt trái của việc có chỉ số nợ trên vốn chủ sở hữu cao là rủi ro cao khi hoạt động kinh doanh không hiệu quả hoặc khi lãi suất tăng cao. Nợ nhiều hơn – lãi suất phải trả nhiều hơn và một khi doanh số kinh doanh nghèo nàn , phần lãi suất này có thể trở thành gánh nặng lớn cho doanh nghiệp.
  • Kết luận: Sự thay đổi của tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu đại diện cho sự thay đổi trong chiến lược tài chính của một doanh nghiệp. Nhà đầu tư nên phối hợp sử dụng thêm các chỉ số tài chính khác, đặc biệt là chỉ số sinh lời để đánh giá xem việc sử dụng “đòn bẩy tài chính” mang đến tốc độ tăng trưởng hay tốc độ “thua lỗ” cho các doanh nghiệp quan tâm.

 

Trong số bài viết sau, chúng ta sẽ cùng đi tiếp phần 5 để tìm hiểu thêm một số ví dụ về bộ chỉ số tài chính có nhiều ý nghĩa trong phân tích đầu tư.

 


 

Xem thêm các bài viết khác trong series Phân tích chỉ số tài chính

 


 

Series các bài viết khác của ABS

 

1. Series PHÂN TÍCH KỸ THUẬT

 

2. Series ĐỌC HIỂU BÁO CÁO TÀI CHÍNH

 

Huấn luyện viên đầu tư ABS 

Follow page ABS để tiếp tục nhận được các bài viết kiến thức đầu tư:  Tại đây 

Link tải App ABS Invest với đầy đủ bộ công cụ hỗ trợ đầu tư: Tại đây