Chia sẻ:

10/8 thị trường chứng khoán phái sinh chính thức được giao dịch

Chia sẻ tại Hội thảo “Cơ hội thị trường hậu phái sinh” do CTCP Chứng khoán MB (MBS), ông Phạm Anh Tú, Giám đốc chi nhánh TPHCM – Phó Giám đốc khu vực phía Nam của MBS tiết lộ ngày 10/8 tới đây sản phẩm phái sinh đầu tiên sẽ chính thức được giao dịch trên thị trường.

 

Theo thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30-Index sẽ là sản phẩm phái sinh đầu tiên được đưa vào giao dịch khi thị trường chứng khoán phái sinh chính thức đi vào hoạt động.

 

Ông Tú cho biết, thị trường tương lai sẽ mở cửa trước thị trường giao dịch cơ sở 15 phút và kết thúc cùng giờ. Biên độ giao động là 7% và bước điểm 0,1.

 

Nhà đầu tư tham gia hợp đồng phái sinh có cơ hội phòng ngừa rủi ro, hưởng chênh lệch giá và tận dụng lợi thế đòn bẩy. Do số lượng hợp đồng không giới hạn mà phụ thuộc vào cung cầu nên có thể kích hoạt sự tham gia mạnh của các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư có thể tham gia mà không cần sở hữu tài sản cơ sở.

 

Khi giao dịch hợp đồng tương lai, nhà đầu tư cần chú ý là hợp đồng tương lai luôn có thời hạn, khối lượng giao dịch vô hạn, các thông tin vĩ mô ảnh hưởng rất lớn (Fed, mùa vụ…) và sẽ có sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư với mục đích phòng ngừa. Với tính chất đó thì các ngưỡng kháng cự, hỗ trợ ngắn hạn ít có ý nghĩa, giá trị giao dịch ít có ý nghĩa và thường chậm (vị thế mở quan trọng hơn), thay đổi trong diễn biến giá với nhiều khoảng trống giá, khoảng trống giá ít có ý nghĩa và dễ đảo ngược hơn.

 

Chuyên gia MBS cho rằng để thành công trên thị trường chứng khoán phái sinh, nhà đầu tư phải có 3 yếu tố gồm bản lĩnh giao dịch (tâm ký giao dịch và kiểm soát rủi ro), mô hình kỹ thuật (các mô hình kỹ thuật, điểm mua/điểm bán) và hiểu biết thị trường (hiểu biết sản phẩm, tài sản cơ sở).

TƯỜNG NHƯ


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.