Trong báo cáo tài chính tiền tệ tháng 9 vừa công bố, Bộ phận phân tích SSI Retail Research cho biết, nhiều yếu tố được cho là tiêu cực như kỳ cơ cấu danh mục ETF, FED nâng lãi suất, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang đã không ngăn được đà tăng của VN-Index trong tháng 9.
Chỉ số điều chỉnh ở giai đoạn đầu tháng 8 khi hồi phục và vượt mốc 1.000 điểm trong phiên 20/9 – đây là lần đầu tiên kể từ tháng 1, VN Index quay lại vùng giá này. VN-Index đóng cửa ngày 28/9 tại mức 1017,13 điểm, tương ứng với mức tăng 27,59 điểm so với cuối tháng 8 và tính chung quý III, VN-Index tăng 5,87%.
Hai cổ phiếu có đóng góp lớn nhất cho đà tăng của VN-Index là GAS (PV GAS) và VNM (Vinamilk). GAS tăng 12,33% so với cuối tháng trước. Giá dầu thô tăng mạnh gia tăng kỳ vọng của giới đầu tư về GAS vì kết quả kinh doanh của GAS tỷ lệ thuận với biến động giá dầu thô. Giá dầu Brent tăng 1 USD thì lợi nhuận trước thuế của GAS có thể tăng 150 tỷ đồng. VNM tăng 6,5% trong tháng 9. Thị trường kỳ vọng vào biên lãi gộp 6 tháng cuối năm của VNM có thể cải thiện nhờ nguyên liệu đầu vào giảm giá.
Giá trị giao dịch trên sàn HOSE tháng 9 đạt 4,707 tỷ đồng, tăng lần lượt 7,9% và 12.9% so với tháng 8 và tháng 7.
Dù vậy, tính chung quý III, thanh khoản sàn HOSE chỉ đạt 4,310 tỷ đồng, giảm 31% so với quý II. VN-Index điều chỉnh mạnh trong thời gian trước đó khiến nhiều nhà đầu tư trở nên thận trọng và hạn chế tham gia thị trường.
Dệt may thu hút dòng tiền
Vốn hóa của nhóm ngành Dệt may tăng thêm 21% chỉ riêng trong tháng 9. Ngành dệt may đang được hưởng lợi từ tăng trưởng số lượng đơn hàng từ các thị trường xuất khẩu.
Tăng trưởng đơn hàng của ngành dệt may được giải thích nhờ vào hai yếu tố. Thứ nhất là chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Hoa Kỳ áp thuế suất 10% đối với nhiều sản phẩm dệt may từ Trung Quốc khiến nhiều khách hàng Hoa Kỳ có xu hướng chuyển sang sử dụng hàng may mặc của Việt Nam. Thứ hai là Việt Nam tham gia vào các FTAS như VKFTA (Việt Nam – Hàn Quốc) và sắp tới đây là CPTPP, EVFTA. Các hiệp định này sẽ giúp ngành dệt may được hưởng lợi lớn từ mức thuế suất thấp, khiến cho các sản phẩm dệt may cạnh tranh hơn nếu so sánh với các nhà sản xuất khác tại Trung Quốc. Ví dụ đối với sợi xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, thuế suất đối với sản phẩm Việt Nam là 0% trong khi sản phẩm Trung Quốc là 8%.
Thông tin tích cực từ FTSE Russell nhưng thời gian 1 năm có thể quá ngắn
Tháng 9 kết thúc với thông tin FTSE Russell chính thức đưa Việt Nam vào danh sách xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi bậc 2. Đây là một thông tin tích cực và thực tế trong 2 tháng qua những thông tin liên quan đến nâng hạng luôn được thị trường đón nhận. Hiện tại thị trường Việt Nam đã đáp ứng toàn bộ 9 yêu cầu của FTSE Russell và cần ít nhất 1 năm xem xét để chính thức đưa vào nhóm thị trường mới nổi.
Tuy vậy, theo SSI Retail Research chặng đường phía trước sẽ không đơn giản và 1 năm có lẽ vẫn là khoảng thời gian quá ngắn cho Việt Nam.
VN-Index hồi phục kéo theo mức định giá của thị trường. Chốt phiên cuối tháng 9, P/E của VN Index đạt mức 18,3 lần, tăng 6,6% kể từ đầu quý III. Đây cũng là xu hướng chung của các chỉ số trong khu vực như Thái Lan và Malaysia. Đáng chú ý, P/E của thị trường Trung Quốc đang rơi về vùng thấp nhất trong năm 2018. Ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ khiến cho Shanghai Composite giảm hơn 20% kể từ mức đỉnh được thiết lập trong năm 2018.
Khối ngoại mua ròng trở lại trong tháng 9
Tính riêng kênh khớp lệnh, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 294 tỷ đồng – đây là đợt mua ròng đầu tiên của nhóm này kể từ tháng 1. HPG đứng đầu trong top mua ròng của khối ngoại, với giá trị 359,2 tỷ đồng. Tăng trưởng 6 tháng cuối năm của Hòa Phát dự kiến cao hơn so với nửa đầu năm nhờ vận hành trở lại lò cao thứ hai sau thời gian bảo trì và nhà máy cán Dung Quất bắt đầu hoạt động từ tháng 8.
Tính chung quý III, khối ngoại vẫn bán ròng trên HOSE với giá trị 3.200 tỷ đồng (tính theo cả 2 kênh khớp lệnh và thỏa thuận). Tính từ đầu năm, nếu loại trừ giao dịch đột biến tại VHM trong quý II và VRE trong quý 1, khối ngoại bán ròng hơn 2.000 tỷ đồng.
Cân nhắc tỷ lệ margin trên thị trường phái sinh
Thanh khoản thị trường phái sinh tăng cao kể từ cuối quý II, đầu quý III khi thị trường cơ sở điều chỉnh. Từ mức giao dịch bình quân 2.000 – 3.000 tỷ đồng vào đầu quý II, thị trường phái sinh chứng kiến những phiên giao dịch với thanh khoản vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng trong tháng 6 và tháng 7. Ở thời điểm bùng nổ của phái sinh, ngày 18/7, tỷ lệ đòn bẩy đối với các công cụ phái sinh được nâng từ mức 10% lên 13%, tương ứng với tỷ lệ ký quỹ thực tế tại các CTCK phải trên 16%.
Cùng với sự phục hồi của thị trường cơ sở, thanh khoản của thị trường phái sinh giảm mạnh. Từ mức bình quân 11.711 tỷ đồng trong tháng 7, giá trị giao dịch các hợp đồng phái sinh giảm về mức 7.547 tỷ đồng trong tháng 8 và 7,866 tỷ đồng trong tháng 9. Mức độ biến động biến động của thị trường cũng giảm rõ rệt.
Sau ngày 18/7, biên độ dao động trong phiên của chỉ số VN30 đã giảm mạnh xuống mức trung bình 11,4 điểm, so với mức 25,8 điểm trong giai đoạn thị trường phái sinh bùng nổ (từ 10/4 – 18/7) và 19,2 điểm trong giai đoạn thị trường tăng trưởng mạnh từ đầu năm tới phiên lập đỉnh 9/4. Tương tự, phân tích độ lệch chuẩn của biến động giá trong các giai đoạn trên cũng thể hiện cùng kết quả. Độ lệch chuẩn của biến động chỉ số VN30 đã giảm về mức 0,78% sau phiên ngày 18/7, so với mức 1,94% và 1,45% trong hai giai đoạn trước đó.
Diễn biến thị trường phái sinh đã có sự thay đổi rõ rệt nhờ sự đảo chiều xu hướng trên thị trường cơ sở kết hợp với động thái kịp thời của các cơ quan quản lý. Việc nâng tỷ lệ ký quỹ giúp nhà đầu tư hạn chế rủi ro trong bối cảnh thị trường cơ sở đang có diễn biến phức tạp với mức biến động trong phiên lớn.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khi VN-Index đã ổn định hơn, theo SSI Retail Research việc giảm tỷ lệ ký quỹ cần được cân nhắc để việc đầu tư trên thị trường phái sinh có khả năng sinh lời tốt hơn, từ đó giúp phái sinh tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn, thị trường phái sinh duy trì giá trị thanh khoản cao, tạo nền tảng thu hút dòng tiền từ các nhà đầu tư tổ chức và nước ngoài.
Nhà đầu tư quay trở lại thị trường trái phiếu
Tổng khối lượng trái phiếu được Kho bạc Nhà nước (KBNN) phát hành trong tháng 9 đạt 15.700 tỷ đồng, gần bằng tháng 8 và chỉ tập trung vào hai kỳ hạn 10 và 15 năm với lãi suất trúng thầu tăng dần qua từng phiên. Các kỳ hạn ngắn không trúng thầu do lãi suất cung và cầu không gặp nhau, trong khi cầu trái phiếu dài hạn rất thấp trong môi trường lãi suất tăng.
Tính tới hết tháng 9, KBNN đã phát hành được 121.761 tỷ đồng trái phiếu, hoàn thành 61% kế hoạch năm, với kỳ hạn bình quân đạt 12,6 năm. Trong đó riêng hai kỳ hạn 10 và 15 chiếm 73,5% tổng giá trị phát hành và đã vượt kế hoạch phát hành năm, trong khi các kỳ hạn còn lại đều chưa đạt 40% kế hoạch.
Lợi suất trái phiếu thứ cấp đã chạm đỉnh trong tháng 9, ngừng tăng và chuyển xu hướng đi ngang sau một thời gian tăng khá mạnh. Diễn biến này đã kích thích nhà đầu tư tham gia trở lại vào thị trường, giúp thanh khoản cải thiện đang kể so với tháng 8 (trung bình 9.400 tỷ đồng/phiên, tăng 53% so với tháng 8). Đáng chú ý, khối ngoại cũng mua ròng trở lại với giá trị 624 tỷ đồng sau 3 tháng bán ròng liên tiếp.
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.